Nâng cấp đường giao thông nông thôn
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT), hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ tỉnh hiện có 5.628km. Trong đó, có 4 tuyến quốc lộ, tổng chiều dài 153km; 19 tuyến đường tỉnh, dài 530km; 699km đường đô thị và 4.238km đường giao thông nông thôn. Hệ thống giao thông đường thủy có 319 tuyến, dài 2.703km. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, hình thành nên mạng lưới giao thông đối nội, đối ngoại liên hoàn; kết nối với hệ thống giao thông tỉnh, thành phố lân cận.
Tuy nhiên, tình hình sạt lở đất bờ sông, đường giao thông nông thôn ven sông đang diễn ra rất phức tạp. Toàn tỉnh có 56 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến đặc biệt nguy hiểm, trong đó 5 đoạn rất nguy hiểm đặc biệt cần chú ý. Theo nhiều chuyên gia, do bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu (tần suất lượng mưa lớn xuất hiện nhiều, kéo dài và nước biển dâng) làm cho lưu tốc dòng chảy trên các tuyến sông gia tăng. Ngược lại, lượng phù sa bồi lắng từ thượng nguồn ngày càng giảm; phương tiện vận tải thủy có công suất lớn, vượt tải trọng cho phép hoạt động ngày càng nhiều trên sông, kênh có đường giao thông đi cặp bên… là các nguyên chính gây ra tình trạng sạt lở.
Để giải quyết các vấn đề này, Sở GTVT phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nâng cấp, mở rộng tuyến kênh; nạo vét luồng, khơi thông dòng chảy tại đoạn sông bị bồi lắng để làm giảm lưu tốc dòng nước; quy hoạch lại tuyến vận tải đường thủy nội địa, để hạn chế áp lực sóng vỗ tác động lên đường bờ; thường xuyên kiểm tra, cắm biển báo hạn chế tải trọng, cảnh báo nguy hiểm tại khu vực sạt lở.
Đối với tuyến đường hiện có đang đi cặp bờ sông, Sở GTVT sẽ sử dụng các loại kết cấu chống thấm tốt để nâng cấp, sửa chữa. Ngoài ra, đơn vị cũng tăng cường bảo vệ mái ta-luy nền đường, bằng các loại kết cấu nhẹ, các giải pháp kỹ thuật công trình. Thời gian tới, quy hoạch xây dựng các tuyến đường bộ mới sẽ dịch chuyển, tránh xa sông, kênh, nhằm hạn chế áp lực tải trọng lên đường bờ, đảm bảo việc xây dựng đáp ứng theo thông số kỹ thuật; từng bước quy hoạch lại luồng, tuyến cho phương tiện tải trọng lớn. Đồng thời, tham mưu cấp thẩm quyền bổ sung kinh phí thực hiện công trình bảo vệ đê, nền đường cặp bờ sông, khắc phục hậu quả do sạt lở gây ra.
“Người dân vùng ĐBSCL nói chung, tỉnh An Giang nói riêng thường sinh sống cặp theo bờ sông, từ đó đường giao thông cũng được hình thành, phục vụ nhu cầu đi lại. Vì vậy, mỗi khi bị sạt lở, nguy cơ cắt đường giao thông rất cao, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân trên tuyến. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền địa phương cần quan tâm tuyên truyền, quản lý chặt chẽ việc xây dựng trái phép; cần có biện pháp chế tài đối với việc xây dựng chưa đúng quy hoạch, lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, đường thủy địa phương” - Giám đốc Sở GTVT Ngô Công Thức cho biết.
Vẫn còn lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè
Một thực trạng khác, các tuyến đường qua khu vực đô thị, hành lang an toàn đường bộ thường bị hộ dân lấn chiếm để sản xuất - kinh doanh, mua bán diễn ra tương đối phổ biến. Từ đó, làm mất trật tự an toàn giao thông, nhiều khu vực tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn giao thông do tầm nhìn bị che khuất. Nguyên nhân dẫn đến việc lấn chiếm lòng, lề đường là do công tác quản lý chưa thật sự hiệu quả, thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan. Một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng đắn tác hại của việc lấn chiếm lòng, lề đường sẽ dẫn tới tình trạng mất an toàn giao thông, kết cấu mặt đường tại khu vực bị hư hại nhanh chóng (do hệ thống thoát nước trên vỉa hè không còn tác dụng).
Ngày 24/6/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định 24/2022/QĐ-UBND quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ thuộc hệ thống đường địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo đó, chính quyền địa phương phải quản lý chặt tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường của hộ dân trên tuyến đường đô thị do mình quản lý. Ngày 26/10/2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 630/KH- UBND, triển khai thực hiện Chỉ thị 33/CT-TTg, ngày 21/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ. Trên cơ sở đó, từ năm 2020, Sở GTVT đã phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông, UBND cấp huyện ký kết quy chế nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên, như: Công tác tăng cường quản lý lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ; công tác vận tải; công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ...
Để công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ được hiệu quả, các đơn vị liên quan cần thực hiện nghiêm nhiệm vụ của mình. Từng cá nhân, tổ chức phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao; gắn nhiệm vụ này với tiêu chí khen thưởng hàng năm. Qua đó, góp phần hướng tới mục tiêu giảm thiểu số vụ tai nạn và số người chết do tai nạn giao thông hàng năm từ 5 - 10% đã đề ra.
K.N