Hạn chế làm phiền khu dân cư
Kể từ ngày 10-12, Quyết định số 48/2018/QĐ-UBND, ngày 27-11-2018, của UBND tỉnh về ban hành quy định về quản lý nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh chính thức có hiệu lực. Quyết định này được kỳ vọng sẽ đưa hoạt động nuôi chim yến - vốn đang tăng trưởng “nóng” hiện nay - đi vào nền nếp.
Theo quy định mới, có những vùng không được phép xây dựng mới nhà nuôi chim yến. Đối với TP. Long Xuyên, “vùng cấm” gồm toàn bộ diện tích các phường Mỹ Bình, Mỹ Long, Mỹ Xuyên, Đông Xuyên, Bình Khánh; một phần các phường Mỹ Quý, Mỹ Phước, Mỹ Thới, Mỹ Thạnh và Bình Đức (tính từ khu vực bờ Tây sông Hậu đến đường vành đai trong); một phần phường Mỹ Hòa (khu vực phía Bắc đường vành đai ngoài 100m và khu vực cách Tỉnh lộ 943 tính từ tim đường hiện hữu là 1km).
Đối với TP. Châu Đốc, khu không được phép xây dựng gồm toàn bộ diện tích các phường Châu Phú A, Châu Phú B, Vĩnh Mỹ; một phần phường Núi Sam (trong phạm vi 1km tính từ chùa Bà). Đối với TX. Tân Châu, “vùng cấm” gồm toàn bộ diện tích các phường Long Châu, Long Hưng, Long Thạnh, Long Phú và Long Sơn. Đối với các huyện, khu vực trung tâm thị trấn cũng không được xây dựng nhà nuôi yến.
Trong danh sách “vùng cấm” còn có các khu đô thị mới đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, trong phạm vi 200m của tuyến quốc lộ và các công trình công cộng (du lịch đặc biệt, danh lam thắng cảnh, tôn nghiêm tín ngưỡng, cơ sở y tế, trường học, công sở, chợ, khu dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp…). Đối với các vùng hạn chế xây dựng (khu vực tính từ vành đai vùng không được phép xây dựng với khoảng cách 100m), thiết kế xây dựng phải được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư xung quanh trong bán kính 50m.
Một nhà nuôi chim yến đã xây dựng ở phường Bình Khánh (TP. Long Xuyên)
Tuân thủ chặt chẽ quy định
Theo quy định mới, khi chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền, người dân không được cơi nới, mở rộng, nâng tầng nhà ở để làm nơi nuôi chim yến. Trong các vùng được phép xây dựng, UBND tỉnh ưu tiên phát triển tại các vùng nông thôn nơi có quần đàn chim yến đang phát triển, khu vực ven 2 bên nhánh sông Tiền, sông Hậu nhưng phải đảm bảo không được bố trí trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước.
Kể từ ngày 10-12-2018, các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà nuôi chim yến phải có giấy phép xây dựng theo quy định trước khi khởi công xây dựng công trình. Về thủ tục môi trường, khi xây dựng nhà nuôi chim yến có quy mô diện tích từ 500m2 sàn trở lên, phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt.
Dự án có quy mô từ 50m2 đến dưới 500m2 sàn, phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường trình UBND cấp huyện thẩm định, xác nhận trước khi triển khai xây dựng. Trường hợp nhà nuôi có quy mô nhỏ hơn 50m2 sàn thì không phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Chủ đầu tư phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và phòng, chống dịch bệnh, có biện pháp, công trình thu gom, xử lý các chất thải phát sinh trong quá trình xây dựng, hoạt động.
Trường hợp các tổ chức, cá nhân nuôi chim yến đã hoạt động trước ngày Quyết định số 48/2018/QĐ-UBND có hiệu lực (10-12-2018) nhưng không có giấy chứng nhận về môi trường, giấy phép xây dựng theo quy định, chủ đầu tư phải lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong thời hạn 9 tháng. UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn tiến hành khảo sát, kiểm tra thực tế các nhà nuôi chim yến hiện có trên địa bàn. Nếu nhà nuôi chim yến đảm bảo theo quy định thì hoàn chỉnh hồ sơ, tiếp tục hoạt động.
Trường hợp nhà nuôi chim yến nằm trong “vùng cấm” xây dựng mới nhưng đảm bảo các điều kiện thì vẫn được tiếp tục hoạt động nhưng không phát triển thêm diện tích nuôi. Cơ quan chuyên môn hướng dẫn chủ đầu tư hoàn chỉnh các thủ tục về xây dựng, môi trường, phòng, chống dịch bệnh và được ý kiến đồng thuận của cộng đồng dân cư xung quanh trong phạm vi bán kính tối thiểu 50m.
Nếu nhà nuôi chim yến nằm trong vùng được phép xây dựng nhưng chưa đảm bảo các quy định về điều kiện nuôi thì phải khắc phục trong thời gian 12 tháng. Trường hợp nhà nuôi chim yến đã xây dựng trong “vùng cấm”, không đảm bảo các điều kiện theo quy định thì giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thống nhất về việc xây dựng lộ trình di dời theo từng trường hợp cụ thể.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN