Quay trở lại câu chuyện cát

29/09/2023 - 06:42

 - Thiếu cát, không chỉ các công trình đầu tư công, các tuyến đường cao tốc bị ảnh hưởng mà ngành xây dựng và các công trình dân sinh, dân dụng cũng chịu tác động theo. Mỏ cát có, nhưng cần cơ chế, quy định chặt chẽ để khai thác đúng luật. Theo các chuyên gia, nguồn cát sông với chất lượng tốt cần ưu tiên cho xây dựng, trộn bê-tông, còn nhu cầu cát san lấp với khối lượng quá lớn, nên đẩy nhanh nghiên cứu cát biển thay thế.

Vẫn nỗi lo cát khan hiếm

Sau một số sai phạm liên quan đến khai thác cát sông tại An Giang, hoạt động kiểm soát khai thác, vận chuyển được siết chặt, nguồn cung cát vốn thiếu hụt càng trở nên khan hiếm. Nhiều nhà thầu như “ngồi trên đống lửa” bởi gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn cát.

Công ty TNHH MTV Xuân Phát AG (huyện Châu Thành) là đơn vị đang thi công dự án Trường Mẫu giáo Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành). Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuân Phát AG Phạm Thanh Tuấn cho biết, ước tính ban đầu, công trình sử dụng khoảng 4.000m3 cát để lấp nền. Tuy nhiên hiện nay, đơn vị chỉ được cung ứng khoảng 1.000m3. “Nhiều ngày nay, công ty không mua được cát san lấp để thi công. Nhiều lần liên hệ với các doanh nghiệp (DN) cung ứng cát nhưng chưa được phản hồi. Việc thiếu nguồn cung vật liệu ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công dự án” - ông Tuấn lo lắng.

Để khắc phục việc thiếu cát san lấp, trong quá trình thi công dự án, các nhà thầu phải tăng cường tối đa các mũi thi công khi có vật liệu, điều chỉnh biện pháp thi công, chuyển vật liệu từ những nơi chưa thi công sang để đảm bảo công trình kịp tiến độ…

Theo anh Tuấn, với việc chuyển cát từ “bên này” sang “bên kia” sẽ giúp DN tạm thời vượt qua khó khăn trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến công trình.  “Quá trình lấy, vận chyển cát từ nơi chưa xây dựng sang nơi khác sẽ làm chi phí cơ giới tăng cao. Bên cạnh đó, hạ tầng (ở những nơi bị lấy cát) bị phá nát, bể kết cấu, dù bơm lại không bằng ban đầu, để xây được phải tốn thêm chi phí cải tạo.

Tính riêng dự án này, sau khi hoàn thành, chi phí sẽ tăng lên khoảng 5% so với dự toán. Chúng tôi chỉ còn cách trông chờ vào chính quyền địa phương có những giải pháp nhằm ổn định thị trường, bảo đảm nguồn cung cát để đáp ứng nhu cầu hiện nay” - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuân Phát AG Phạm Thanh Tuấn chia sẻ.

Theo nhiều DN xây dựng, nguồn cung cát, đặc biệt là cát san lấp hiện đang chững lại, giá “nhảy múa” sau khi Bộ Công an triệt phá đường dây khai thác vượt trữ lượng cấp phép trong tỉnh. Lợi dụng tình trạng khó khăn chung, một số DN kinh doanh cát nhân cơ hội đã găm hàng, đẩy giá tăng cao hơn. Nếu như những tháng đầu năm 2023, giá cát san lấp khoảng 190.000 đồng/m3 thì nay đã tăng lên 240.000 đồng/m3.

Dù giá cao, nhưng không dễ mua được cát. Anh Út Nhỏ (một nhà thầu xây dựng ở huyện Chợ Mới) cho biết, đối với những công trình xây dựng nhà ở nhận công khoán, khi giá vật liệu xây dựng biến động thì chỉ ảnh hưởng đến chủ nhà. Trong khi đó, các công trình nhận khoán toàn bộ từ vật liệu cho đến nhân công, giá cát tăng mạnh đã ảnh hưởng lớn đến chủ thầu.

Đối với người dân, việc xây dựng nhà ở cũng gặp khó. Những ngày này, anh Trần Thanh Nam (xã Hòa An, huyện Chợ Mới) đang đau đầu với bài toán giá cát tăng. Chỉ tay về phía căn nhà cấp 4 đang xây dựng, anh Nam lo lắng: “Khi bắt đầu xây nhà, tôi đã dự tính chi phí ban đầu cũng vừa túi tiền. Tuy nhiên, hiện nay giá cát tăng mạnh nên tôi phải xoay xở thêm kinh phí để kịp tiến độ xây dựng. Nhà cửa mình đâu bỏ giữa chừng được, trong khi mùa mưa đã đến”.

Câu chuyện của anh Nam cũng là nỗi lo chung của những gia đình đang có ý định xây dựng trong thời điểm này. Anh Nguyễn Ngọc Tùng (xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới) cho biết, gia đình đang có kế hoạch xây dựng nhà kho để chứa hàng, nhưng phải tính toán lại chi phí để thực hiện. “Dù giá bơm cát hiện nay đang ở mức cao, nhưng để mua được cát cũng rất khó. Gia đình đã liên hệ nhiều ghe bơm nhưng chưa đơn vị nào chấp nhận” - anh Tùng chia sẻ.

An Giang chủ động

Là địa phương có nhiều mỏ cát lớn trên sông Tiền, sông Hậu, An Giang cùng với tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long là những địa phương chịu áp lực cung cấp cát không chỉ cho các công trình trên địa bàn tỉnh, mà còn cung cấp cho các tuyến cao tốc vùng ĐBSCL.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngày 20/9/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã tổ chức Hội nghị về nguồn cát phục vụ cho các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL và ra Thông báo kết luận 325-TB/TU. Ngay sau đó, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã có Công văn 352-CV/BCSĐ, ngày 21/9/2023 về triển khai thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Căn cứ Thông báo kết luận 325-TB/TU và Công văn 352-CV/BCSĐ, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã ký Công văn 1234/UBND-KTN, yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tham mưu bố trí nguồn cát phục vụ các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL; quản lý chặt chẽ nguồn vật liệu cát sông trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) khẩn trương tham mưu UBND tỉnh hoàn thành các thủ tục bố trí, phân bổ nguồn cát cho các dự án, gồm: Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn đi qua địa phận tỉnh An Giang là hơn 9,32 triệu m3, đoạn đi qua địa phận TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang là 7,5 triệu m3; Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau 6,59 triệu m3 (đã phân bổ 0,41 triệu m3). Quá trình thực hiện đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, kiên quyết phòng, chống tham nhũng, không để phát sinh lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Sở TN&MT An Giang chủ trì, phối hợp Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh và các đơn vị có liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp với các tỉnh, thành phố được hỗ trợ nguồn cát, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận nhằm đảm bảo quá trình khai thác, sử dụng nguồn cát thuận lợi, minh bạch, đúng trữ lượng, không gây thất thoát, không để việc sử dụng tài nguyên không đúng mục đích; thời gian hoàn thành trước ngày 20/10/2023.

UBND tỉnh An Giang yêu cầu các đơn vị khai thác cát, nạo vét thu hồi khoáng sản cát sông mà nguồn cát được xác định, khoanh định để cung cấp cho các công trình sử dụng ngân sách nhà nước phải thực hiện nghiêm việc cung cấp đảm bảo đúng theo công suất được phê duyệt và tiến độ thi công công trình, dự án. Chấn chỉnh ngay tình trạng các đơn vị khai thác cát, nạo vét thu hồi khoáng sản cát sông không hợp tác, “găm hàng”, gây khó khăn cho nhà thầu thi công, đơn vị tiếp nhận cát, lựa chọn khu vực cát nhiều tạp chất để cung cấp (nếu có).

Đồng thời, yêu cầu đơn vị vận chuyển nguồn cát phải cung cấp số hiệu từng phương tiện sà lan đã đăng ký vận chuyển cát phục vụ công trình, dự án cụ thể và phải lắp đặt định vị trên phương tiện, có đường truyền về máy chủ đặt tại Sở TN&MT để kiểm tra, giám sát.

Định kỳ hàng tháng, Sở TN&MT An Giang phối hợp Cục Thuế tỉnh, chủ đầu tư các dự án được phân bổ nguồn cát và các đơn vị có liên quan đối chiếu, kiểm kê nguồn cát đã khai thác, cung cấp cho công trình, dự án nhằm đảm bảo đúng khối lượng, đúng địa chỉ, không để thất thoát ra bên ngoài; báo cáo UBND tỉnh về tình hình cung cấp nguồn cát cho các dự án đường bộ cao tốc và các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.

“Tiếp tục rà soát, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh về nguồn cát phục vụ cho các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, công trình dân sinh trong tỉnh, thời gian trước ngày 2/10/2023” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu.

Tranh thủ cơ chế đặc thù

Giám đốc Sở TN&MT An Giang Thái Minh Hiển cho biết, theo chỉ đạo mới đây của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, các tỉnh phải khẩn trương thực hiện thủ tục giao mỏ cát cho các nhà thầu thi công thực hiện các tuyến cao tốc mang tính trọng điểm của Chính phủ tại ĐBSCL.

Theo đó, An Giang và các tỉnh sẽ tiến hành giao mỏ cát theo cơ chế đặc thù (theo Nghị quyết 60/2022/QH15 của Quốc hội), trước nay chưa có tiền lệ. Khi thực hiện cơ chế đặc thù, An Giang và các tỉnh rất lúng túng bởi ai sẽ đứng ra làm quy trình này, ai chịu trách nhiệm?

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành danh mục 33 mỏ cát, với khối lượng trên 33,6 triệu m3 cát cho các đoạn cao tốc và các công trình trọng điểm của tỉnh. Sau khi UBND tỉnh phê duyệt danh mục 33 mỏ cát, Sở TN&MT sẽ thực hiện ngay các bước tiếp theo, mời các bên liên quan (chủ đầu tư, nhà thầu thi công, DN…) để giao mỏ cát.

“Quy trình giao mỏ cát theo cơ chế đặc thù có 11 bước, đến nay An Giang đã thực hiện đến bước thứ 5, các bước còn lại sẽ được thực hiện khẩn trương để kịp thời đưa cát đến công trình, nhằm đảm bảo tiến độ chung mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo” - ông Hiển thông tin.

“Cơ chế đặc thù của Chính phủ chỉ có hiệu lực đến ngày 31/12/2023. Nếu giao mỏ cát trễ so với thời gian này thì thủ tục giao mỏ sẽ rất nhiêu khê. Vì vậy, Sở TN&MT đang phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện công việc này hết sức khẩn trương. Dù trong khó khăn nhưng tỉnh rất quyết tâm, phải tháo gỡ cho bằng được các vướng mắc hiện nay để đáp ứng kịp thời sự chỉ đạo của Chính phủ. An Giang cố gắng đảm bảo nguồn cung cát cho các công trình trọng điểm quốc gia mà Chính phủ đã chỉ đạo” - Giám đốc Sở TN&MT Thái Minh Hiển khẳng định.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy đã ký Quyết định 1542/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh An Giang, với 21 khu vực trên sông Tiền, sông Hậu, được khoanh định để phục vụ nguồn vật liệu cho các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL và các công trình, dự án theo quy định tại Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Cần những thay đổi

Trên thực tế, dù rất cố gắng nhưng trữ lượng các mỏ cát sông khu vực ĐBSCL khó đáp ứng nhu cầu các công trình cao tốc trong vùng. Chỉ tính riêng đến năm 2025, nhu cầu cát đắp nền cho cao tốc ở ĐBSCL cần đến 54 triệu m3 cát; đến năm 2030 con số là gấp đôi. Trong khi đó, những năm gần đây, do nhiều nước thượng nguồn sông Mekong xây đập thủy điện, chặn dòng cát tự nhiên xuống hạ nguồn (khu vực ĐBSCL) nên khả năng bù đắp lượng cát bị mất đi trên sông rất yếu.

Theo các DN xây dựng, dù lượng ở ĐBSCL có nhiều mỏ cát nhưng nhìn chung, chất lượng cát tốt, đảm bảo cho trộn bê-tông, xây dựng công trình chỉ có nhiều ở các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, gần đó là Vĩnh Long. Càng xuống hạ nguồn, chất lượng cát càng xấu, do nhiễm bùn, tạp chất. Nếu dồn lượng cát sông có chất lượng tốt cho đắp nền cao tốc, sẽ thiếu nghiêm trọng lượng cát cho xây dựng.

“Đắp nền có thể sử dụng cát biển, nhưng trộn bê-tông, đổ dầm, móng và nhiều hạng mục công trình xây dựng khác không thể dùng cát biển được bởi hạt cát biển khá nhỏ, mịn, lại nhiễm mặn nên xi-măng khó kết dính, chất lượng công trình không đảm bảo. Do vậy, cần ưu tiên cát sông có chất lượng tốt cho xây dựng thay vì đắp nền” - một chuyên gia trong ngành xây dựng nhấn mạnh.

Theo Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng, các mỏ cát trên địa bàn ở cuối nguồn sông Hậu nên cát có chất lượng xấu, khả năng không đảm bảo đủ cát có chất lượng theo yêu cầu phục vụ dự án. Trên cơ sở xác định sơ bộ nguồn cát vùng biển ven bờ của tỉnh có trữ lượng khoảng 13,9 tỷ m3, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ TN&MT sớm triển khai và hoàn thành dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL” nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn vật liệu san lấp. Đối với tỉnh Trà Vinh, trữ lượng cũng lên đến hàng tỷ m3, khả năng cung ứng cho san lấp rất lớn. Do vậy, cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, phê duyệt để đáp ứng nhu cầu cấp bách về cát san lấp cho cao tốc và các công trình trọng điểm của vùng ĐBSCL.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, qua theo dõi thử nghiệm cát biển sử dụng đắp nền đường cho các dự án hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL, thí điểm trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả Đường tỉnh 978 thuộc Dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau, kết quả triển khai bước đầu thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cơ bản đáp ứng các yêu cầu đề ra. Về chất lượng cát biển, theo kết quả thí nghiệm mẫu lấy tại tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng cho thấy, các chỉ tiêu cơ bản đáp ứng yêu cầu cho cát đắp nền đường theo quy định. Do vậy, có cơ sở triển khai diện rộng sau khi có đầy đủ pháp lý.

NGÔ CHUẨN - MINH HIỂN - ĐỨC TOÀN