Quốc hội - Những dấu ấn trong năm 2020

03/01/2020 - 18:35

Kết thúc năm 2019, Quốc hội đã có một năm hoạt động sôi nổi và không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hoàn thành một khối lượng lớn công việc.

Quốc hội đã thông qua 18 luật, bộ luật, cho ý kiến 19 dự án luật; thông qua 27 nghị quyết để quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước; giám sát tối cao 2 chuyên đề, xem xét báo cáo các vấn đề kinh tế - xã hội do Chính phủ trình bày và nhiều báo cáo khác; tiến hành chất vấn 8 nhóm vấn đề nổi cộm, xem xét công tác nhân sự cùng nhiều hoạt động khác.

Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao, tạo cơ sở vững chắc để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 5 năm 2016 - 2020. Những thành tựu trên là rất quan trọng, khẳng định sự đúng đắn trong đường lối lãnh đạo của Đảng, là kết quả của sự quyết tâm, đồng lòng, hợp lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước đã vượt qua khó khăn, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; tiếp tục củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Trong đó có phần vai trò của Quốc hội. 

Phiên họp toàn thể tại hội trường của Quốc hội

Nhìn lại một năm hoạt động của Quốc hội có thể thấy năm 2019 tiếp tục là một năm hoạt động hiệu quả của Quốc hội theo đúng tinh thần của một Quốc hội hành động, dân chủ, trách nhiệm.

Trong công tác lập pháp

Các luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng, đã cân nhắc đến từng phương án và được thông qua với sự đồng thuận cao. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, góp phần tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế; xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định; đẩy mạnh cải cách bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; cải cách chế độ công chức, công vụ, nâng cao trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả phục vụ Nhân dân.

Nhiều luật, bộ luật khó, phức tạp đã được Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2019. Có thể kể đến như Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia...hay như Quốc hội cho ý kiến về Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư –một luật mới, phức tạp, chưa có tiền lệ.

Đặc biệt với Bộ luật Lao động khi được Quốc hội thông qua được đánh giá là có nhiều điểm tiến bộ, được Tổ chức Lao động quốc tế đánh giá cao. Bộ luật đã mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với cả người lao động có quan hệ lao động và người lao động không có quan hệ lao động, mở rộng diện bao phủ và nâng cao khả năng nhận diện người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, dựa trên các dấu hiệu bản chất của quan hệ lao động cá nhân. Bộ luật Lao động sửa đổi phù hợp hơn với các nguyên tắc của kinh tế thị trường. Bộ luật Lao động đã bảo đảm phù hợp, tiệm cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, nhất là các tiêu chuẩn lao động cơ bản, bao gồm: quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động. Bình đẳng, không phân biệt đối xử trong lao động, nhất là bình đăng không phân biệt đối xử về giới, tình trạng khuyết tật. Xóa bỏ lao động trẻ em, bảo vệ lao động chưa thành niên ở cả khu vực chính thức và không chính thức, có hoặc không có quan hệ lao động.

Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8

Trong phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, với số lượng lớn các luật, nghị quyết được ban hành và nhiều nội dung quan trọng được xem xét tại kỳ họp đã tiếp tục khẳng định tính hiệu quả, nghiêm túc trong hoạt động nghị trường; sự nỗ lực, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác chuẩn bị; sự đồng tâm, nhất trí, tâm huyết, trí tuệ của các vị đại biểu Quốc hội.

Trong hoạt động giám sát

Hoạt động giám sát của Quốc hội trong năm 2019 tiếp tục được chú trọng ở cả xem xét các báo cáo, chất vấn và giám sát chuyên đề.

Về giám sát chuyên đề, trong năm 2019, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao 02 chuyên đề là “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”. Đây đều là những vấn đề nóng, có tính thời sự, gắn chặt với sự phát triển kinh tế và đời sống Nhân dân.

Qua giám sát, Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém, tồn tại; đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật nhằm chấn chỉnh các bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và trong phòng cháy, chữa cháy.

Về chất vấn và trả lời chất vấn, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã lựa chọn 4 nhóm chuyên đề thuộc các lĩnh vực quốc phòng và an ninh, xây dựng, giao thông vận tải, văn hóa, thể thao và du lịch và có tới 202 chất vấn và 35 tranh luận. Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội lựa chọn 4 nhóm vấn đề khác thuộc các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, nội vụ, thông tin và truyền thông và có tới gần 250 lượt đại biểu tham gia chất vấn và tranh luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ thêm 11 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8

Tại nghị trường, không khí dân chủ, đổi mới, tính chuyên nghiệp của hoạt động Quốc hội đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri. Các nội dung chất vấn đã được các vị đại biểu Quốc hội lựa chọn đúng và trúng bao quát các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội như về xây dựng nông thôn mới, nợ đọng xây dựng cơ bản; vấn đề xây dựng các nhà máy nhiệt điện vừa bảo đảm nhu cầu điện vừa bảo đảm vấn đề môi trường; vấn đề xử lý cán bộ vi phạm; các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ thiết thực gì trong thi nâng ngạch…

Các câu hỏi chất vấn của các vị đại biểu quốc hội một mặt thể hiện vai trò, trách nhiệm, quyền giám sát của Quốc hội, nhưng mặt khác cũng chính là sự chia xẻ những khó khăn trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, đồng thời cũng là những gợi ý, bổ sung những giải pháp cho chương trình, kế hoạch của Chính phủ, các Bộ, ngành để từ đó có các quyết sách phù hợp trong quản lý, điều hành, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của Nhân dân và cử tri. Điều này cho thấy sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ như Thủ tướng đã nói trong phần trả lời chất vấn của mình.

Cùng với đó, Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020, qua đó, ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để đưa năm 2019 trở thành năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Phấn khởi về tốc độ tăng trưởng, nhưng Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý tới chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng. Quốc hội cũng đã thẳng thắn phân tích, chỉ rõ những khó khăn, thách thức, những bất cập, yếu kém của nền kinh tế và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Quyết định nhiều vấn đề quan trọng

Qua tổng hợp, cho thấy trong năm 2019, Quốc hội ban hành tới 27 nghị quyết. Trong đó có nhiều nghị quyết mang ý nghĩa quan trọng như Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, là nhằm  hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền ở các đô thị lớn phù hợp với yêu cầu tổ chức lại bộ máy cho gọn nhẹ, hiệu lực và hiệu quả hơn. Nghị quyết phê chuẩn việc Gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030

Trong năm 2019, lần đầu tiên, Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đề án bao gồm hệ thống các giải pháp toàn diện nhằm khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải về chính sách, nguồn lực đầu tư và là căn cứ để xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; tạo đột phá cho chính sách dân tộc nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các vùng, miền và địa phương; phát huy tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội của các vùng này so với cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc.

Quốc hội đã thảo luận kỹ, cân nhắc thận trọng, xem xét một cách toàn diện các yếu tố và quyết định các nội dung quan trọng về công tác tư pháp; khoanh tiền nợ thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và một số nội dung khác.

Đặc biệt trong năm qua, Quốc hội đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của mình, hỗ trợ tích cực cho hoạt động của đại biểu Quốc hội, hướng tới xây dựng Quốc hội điện tử.

Thí điểm từ Kỳ họp thứ 7 và đến Kỳ họp thứ 8 việc ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được tăng cường, dần nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm trong hoạt động của Quốc hội. 

Qua mỗi kỳ họp lại khẳng định, hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với Nhân dân, bám sát thực tiễn cuộc sống. Qua một năm hoạt động tích cực, sôi nổi, đổi mới của Quốc hội đã đem lại kết quả tốt đẹp. Các đại biểu đã làm việc tận tụy, nghiêm túc và đầy trách nhiệm trước cử tri. Lãnh đạo Quốc hội điều hành khoa học, linh hoạt, nhạy bén, kiên quyết và hiệu quả. Các cơ quan phục vụ đã tận tình trong tham mưu, giúp việc và bảo đảm đầy đủ điều kiện vật chất và tinh thần cho mỗi kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc  lần thứ XII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; đồng thời sẽ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo. Đây cũng là năm có nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao rất quan trọng như: tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 45 năm giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước..., cũng là năm chúng ta bắt đầu vai trò Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021; đồng thời đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020, Chủ tịch Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 41... Điều này đặt ra cho Quốc hội trọng trách, nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi không chỉ Quốc hội mà cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tâm, hiệp lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mới có thể bảo đảm hoàn thành tốt khối lượng lớn các yêu cầu và nhiệm vụ của năm 2020.

Theo Chính Phủ