Quy định nhiều ngành nghề phải sử dụng lao động đã qua đào tạo

10/07/2020 - 19:36

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển ngành nghề và nâng cao hiệu quả công việc, Bộ LĐ-TB&XH đang chuẩn bị ban hành Thông tư quy định Danh mục ngành nghề người sử dụng lao động phải sử dụng lao động đã qua đào tạo.


Chế tạo vỏ tàu thủy là một nghề nặng nhọc, nguy hiểm

Danh mục và lộ trình thực hiện

Theo đó, các ngành nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo bao gồm 2 danh mục ngành nghề. Danh mục 1 có các ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo áp dụng từ ngày 1-1-2022. Đây là những ngành, nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như: Lắp đặt cầu; Lắp đặt giàn khoan; Sản xuất pin, ắc quy; Sản xuất tấm lợp Fibro Xi măng; Thăm dò địa chất; Khai thác mỏ; Hầm lò; Xử lý rác thải, nước thải;…

Danh mục 2 có các ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo áp dụng từ ngày 1-1-2023. Đây là những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại , nguy hiểm liên quan đến sức khỏe, các dịch vụ liên quan đến phục vụ con người, các ngành nghề quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: Đúc dát đồng; Kỹ thuật vỏ tàu thủy; Công nghệ kỹ thuật hóa học; Nhân viên bức xạ; Chế tạo khuôn mẫu; Lắp đặt trạm biến áp; Sửa chữa máy tàu biển;…

Dự thảo Thông tư cũng xác định lộ trình thực hiện Danh mục ngành nghề sử dụng lao động qua đào tạo bao gồm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Từ ngày 1-1-2022: Áp dụng cho Danh mục 1, bao gồm 117 ngành, nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, vì nếu những người lao động trong lĩnh vực này không được đào tạo thì nguy cơ xảy ra tai nạn lao động là rất lớn, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và không bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong môi trường lao động khó khăn, vất vả.

Giai đoạn 2: Từ ngày 1-1-2023: Áp dụng cho Danh mục 2, bao gồm 59 ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và những ngành, nghề phổ biến, quan trọng. Bên cạnh những yêu cầu cần phải đào tạo vì an toàn lao động. Người lao động ở những ngành, nghề này đòi hỏi phải qua đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và sự an toàn của người sử dụng các sản phẩm, dịch vụ trong một số lĩnh vực như y tế, du lịch dịch vụ, giao thông vận tải...

Giai đoạn 3: Từ ngày 1-1-2024 áp dụng cho các ngành nghề còn lại trong Danh mục ngành, nghề đào tạo.

Việc xác định lộ trình nêu trên để các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân người sử dụng lao động chủ động trong việc tự đào tạo, đào tạo chuyên môn, nghề nghiệp cho người lao động theo các trình độ phù hợp.

Đáp ứng yêu cầu thị trường lao động

Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong Chương trình khung hợp tác Việt Nam về việc làm bền vững giai đoạn 2017 - 2021, chất lượng của nguồn nhân lực vẫn còn là một rào cản đối với sự phát triển của Việt Nam.

Người lao động cần được đào tạo bài bản để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp

Thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, hiện nay các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI tập trung sử dụng những lao động trẻ, chủ yếu là những lao động phổ thông có độ tuổi từ 18 đến 20 đang diễn ra rất phổ biến. Nhu cầu tuyển dụng từ phía doanh nghiệp đối với lao động phổ thông đạt tới con số hơn 40% nhu cầu so với những nguồn nhân lực khác.

Trong khi đó, người lao động gần như không được đào tạo bài bản và được đưa vào làm việc ngay, trình độ kỹ năng rất hạn chế. Điều này dẫn đến hệ quả là năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng của cả nền kinh tế nói chung còn thấp. Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng phát triển, đa dạng cả về ngành nghề và quy mô thì nâng cao hiệu quả công việc cũng như bảo đảm an toàn trong hoạt động nghề nghiệp là vấn đề vô cùng quan trọng.

Chính vì vậy, việc xây dựng danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo là rất cần thiết nhằm hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ do những nghề, công việc này cung cấp, từ đó nâng cao giá trị, hiệu suất kinh tế cho cá nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Việc này có lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động. Người lao động sẽ có ý thức hơn trong nâng cao nghề nghiệp, còn doanh nghiệp cũng có trách nhiệm hơn với quyền lợi của người lao động.

Theo ANH QUANG (Giáo dục & Thời đại)