'Quyền lực mềm' của công chúng

01/09/2024 - 09:09

Từng có thời gian, một số người hoạt động trong giới showbiz thường lợi dụng những lùm xùm, scandal gây sốc và sự dễ dãi của khán giả để đánh bóng tên tuổi, gia tăng độ 'hot', từ đó nhận về nhiều hợp đồng thương mại hơn. Nhưng, giờ đây, công thức này không còn dễ áp dụng, bởi sau những phát ngôn, ứng xử thiếu chuẩn mực, vi phạm đạo đức, những nghệ sĩ, người nổi tiếng sẽ phải đối mặt với làn sóng tẩy chay đáng sợ từ công chúng, đặc biệt là từ cộng đồng dùng mạng internet hùng hậu.

Sự phát triển của những nền tảng mạng xã hội khiến "quyền lực mềm" của khán giả trở nên lớn hơn bao giờ hết. (Ảnh minh họa: Internet)

Không chỉ thể hiện thái độ chê trách, công chúng còn kêu gọi nhau ngừng theo dõi, ngừng sử dụng mọi sản phẩm có người nổi tiếng tham gia, buộc các nhãn hàng, đối tác phải cân nhắc loại những người đó ra khỏi các dự án nghệ thuật, chiến dịch truyền thông. Không khó để điểm mặt những người của công chúng từng khốn đốn vì bị tẩy chay thời gian qua.

Một nữ ca sĩ đang lên như diều gặp gió, vì dính bê bối đời tư đã bị cộng đồng mạng quay lưng, phản đối gay gắt, đến nỗi cô bị gạch tên khỏi danh sách nghệ sĩ biểu diễn/khách mời của hàng loạt sự kiện và đến nay vẫn còn lao đao. Một nam ca sĩ trẻ sau khi bị tố cáo là “bắt cá hai tay”, vô trách nhiệm với con cũng đã bị lên án gay gắt, tới mức buộc phải ngừng hoạt động nghệ thuật một thời gian, khi trở lại vẫn tiếp tục bị chỉ trích.

Mới đây nhất, một hoa hậu đã bị xử phạt vì chế lời Quốc ca, nhưng điều này dường như không đủ xoa dịu phản ứng từ dư luận. Mạng xã hội những ngày qua cũng dậy sóng với nhiều ý kiến đòi loại một rapper có hành vi sai lệch trong quá khứ ra khỏi một gameshow đình đám mà anh đang làm huấn luyện viên, dù rapper này đã công khai xin lỗi sau khi sức nóng của vụ việc bị đẩy lên đỉnh điểm…

Chưa bao giờ, “quyền lực mềm” của khán giả lại có sức ảnh hưởng lớn như hiện nay

Chưa bao giờ, “quyền lực mềm” của khán giả lại có sức ảnh hưởng lớn như hiện nay, nhất là khi các nền tảng mạng xã hội ngày càng phát triển, trao cho người sử dụng quyền được tương tác trực tiếp. Trên thực tế, không ít trường hợp do hứng chịu chỉ trích quá lớn từ dư luận đã không thể tiếp tục con đường nghệ thuật.

Bày tỏ phản ứng, thái độ trước những hành vi lệch chuẩn của nghệ sĩ, người nổi tiếng đang là cách thức phổ biến để khán giả cho mình quyền thực thi công bằng xã hội. Và xét ở khía cạnh tích cực, đây chính là “án phạt” đủ sức răn đe, là cái giá mà những người sống bằng hào quang của sự nổi tiếng phải trả khi có ứng xử thiếu chuẩn mực, thiếu tôn trọng khán giả, vi phạm đạo đức.

Đây cũng là lời cảnh tỉnh để những “ngôi sao”, nghệ sĩ khác phải thật sự thận trọng, tỉnh táo, đúng mực trong lối sống, hành vi. Một số người nổi tiếng từng bày tỏ quan điểm, cho rằng sự kỳ vọng, soi mói và phán xét thái quá của công chúng chính là nguyên nhân khiến họ mất đi sự tự do cá nhân.

Nhưng dù muốn hay không thì đây cũng là sức ép mà họ buộc phải chấp nhận, bởi khi đã nhận được tình cảm, sự ủng hộ từ công chúng để phát triển sự nghiệp thì cũng đồng nghĩa với việc không được làm công chúng thất vọng.

Nếu trước đây, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng khi dính scandal thường dùng chiêu “im lặng là vàng”, đợi sự việc lắng xuống lại tái xuất như chưa có gì xảy ra, thì giờ đây, công chúng không còn dễ dãi như thế.

Rất nhiều trường hợp chọn cách không lên tiếng đã phải đón nhận sự phẫn nộ lớn hơn gấp nhiều lần từ khán giả. Không ít trường hợp phải lên tiếng xin lỗi, song vẫn không làm dư luận lắng xuống, vì công chúng nhận ra đó chỉ là lời xin lỗi cho có, thiếu thành khẩn.

Nói thế để thấy, xử lý khủng hoảng truyền thông trong thời đại số không còn đơn giản như trước, đòi hỏi bản thân những người của công chúng, những nghệ sĩ nổi tiếng phải thật sự biết cách quản trị bản thân, tinh tế và khéo léo trong ứng xử, nhất là trong mối quan hệ với khán giả.

Sự phản ứng quyết liệt của công chúng qua các vụ việc vừa qua có thể coi là “liều thuốc” hiệu quả và cũng là sự tuyển chọn để góp phần lành mạnh hóa môi trường nghệ thuật biểu diễn.

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhận định, bên cạnh mặt tích cực, đã và đang xuất hiện những yếu tố tiêu cực, lợi dụng số đông để chèn ép, áp đặt, thậm chí là bắt nạt hay “bạo lực mạng” gây tổn thương và tác động không tốt đến cuộc sống cá nhân. Một bộ phận người dùng mạng đang lạm dụng quyền được bày tỏ quan điểm, dẫn đến có phản ứng quá khích, quá đà.

Chỉ với một câu trả lời chưa thật sự xuất sắc trong cuộc thi sắc đẹp, những cô gái trẻ có thể trở thành đối tượng bóc phốt của cả một hội, nhóm antifan gồm hàng chục nghìn thành viên. Chỉ vì những phản ánh vu vơ, một ngôi sao nhí cũng có thể thành nạn nhân của bạo lực mạng. Có nhiều người còn chẳng cần tìm hiểu thực hư câu chuyện đã không ngần ngại “ném đá”, “tát nước theo mưa”.

Không dừng ở lên án, chê trách, nhiều người dùng mạng còn có những lời lẽ xúc phạm, thóa mạ, vùi dập, thậm chí trưng ra cả những hình ảnh, thông tin bị cắt cúp một cách chủ ý để bôi xấu, hạ bệ đối tượng đang trong tầm ngắm…

Những biểu hiện nêu trên là hành vi cần xử lý nghiêm để bảo đảm ứng xử văn minh trên không gian mạng. Công chúng có quyền phê phán hành vi, lối sống thiếu chuẩn mực của người nổi tiếng, nhưng phê phán điều gì và phê phán thế nào cũng cần dựa trên tinh thần xây dựng và nhân văn, có thế mới thật sự phát huy được hiệu quả “quyền lực mềm” của công chúng.

Theo TRANG ANH (Báo Nhân Dân)