Ra mắt Chỉ số Kinh doanh liêm chính đầu tiên tại Việt Nam

21/09/2022 - 19:09

Việt Nam là một trong số ít quốc gia thăng hạng trong Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tăng 26 bậc trên toàn cầu (từ 113 năm 2017 lên 87 năm 2021).

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH may mặc Bowker Việt Nam - Khu công nghiệp Đồng An 1, thành phố Thuận An (tỉnh Bình Dương). (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Chiều 21/9, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp giới thiệu bộ Chỉ số Kinh doanh liêm chính Việt Nam (VBII). Đây là công cụ đầu tiên đánh giá mức độ thực hiện liêm chính trong kinh doanh của các doanh nghiệp.

Chỉ số được xây dựng theo bảy yếu tố cần thiết để xây dựng và vận hành một doanh nghiệp dựa trên tính liêm chính, bao gồm văn hóa (cam kết từ lãnh đạo, quản lý, nhân viên, đào tạo); quy tắc ứng xử, kiểm soát, giao tiếp, ứng xử (nhân viên và bình đẳng giới/bao trùm, cộng đồng, xã hội, môi trường và phát triển bền vững); tuân thủ và chứng nhận đạt chuẩn.

VBII được khuyến nghị dành cho các doanh nghiệp ở Việt Nam thuộc mọi quy mô, hình thức sở hữu, lĩnh vực và cơ cấu, công ty niêm yết, công ty tư nhân trong nước, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, hay công ty có vốn Nhà nước.

Bất kỳ doanh nghiệp nào quan tâm đến kinh doanh liêm chính và coi tính liêm chính trong kinh doanh là nguyên tắc cơ bản cho sự phát triển của doanh nghiệp đều có thể sử dụng chỉ số này.

Tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự liêm chính là những yếu tố chính để xác định quản trị tốt và khẳng định sự tồn tại của môi trường kinh doanh công bằng ở bất kỳ quốc gia nào.

Trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch COVID-19, ngày càng nhiều nhà đầu tư và người tiêu dùng quan tâm đến tầm quan trọng của quản trị tốt. Điều này được phản ánh trong việc các chính phủ và sàn giao dịch chứng khoán khuyến khích doanh nghiệp báo cáo về hoạt động phi tài chính của họ.

Để Việt Nam tiếp tục thu hút được các khoản đầu tư có chất lượng và nâng cao mức độ minh bạch là rất quan trọng. Ứng xử của các doanh nghiệp có thể là một yếu tố có tác động tích cực hoặc tiêu cực tới mức độ tham nhũng trong nước.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia thăng hạng trong Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tăng 26 bậc trên toàn cầu (từ 113 năm 2017 lên 87 năm 2021). Theo Chỉ số Pháp quyền của Dự án Tư pháp Thế giới, Việt Nam là một ngoại lệ trong số các nước ASEAN khi tăng thứ hạng lên vị trí 88.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tham nhũng vẫn dễ dàng xảy ra ở một số lĩnh vực nhất định. Một báo cáo khảo sát doanh nghiệp do VCCI và UNDP công bố tháng Sáu vừa qua cho thấy, ít nhất 1 trong số 3 doanh nghiệp tham gia mua sắm công ghi nhận các khoản thanh toán không chính thức nhằm giành được hợp đồng.

Điều đáng lo ngại hơn nữa là "văn hóa hoa hồng" hoặc các khoản thanh toán không chính thức đã trở thành quen thuộc đến mức các doanh nghiệp sẵn sàng trả ngay cả khi không ai yêu cầu.

“Chỉ số Kinh doanh liêm chính Việt Nam là một công cụ nếu được các doanh nghiệp sử dụng một cách trung thực và minh bạch, sẽ góp phần nâng cao vị thế và thương hiệu của đất nước, tạo dựng niềm tin dựa trên dữ liệu và thông tin, thu hút đầu tư, tạo ra của cải và cải thiện cuộc sống cho người dân,” Phó Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Patrick Haverman cho biết.

Theo ông Patrick Haverman, liêm chính trong kinh doanh đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện. Để tạo ra sự liêm chính, môi trường làm việc, người lao động, chuỗi cung ứng, các cơ quan chính phủ, người tiêu dùng, cộng đồng với tư cách là các bên liên quan phải được tôn trọng.

Các doanh nghiệp cần đạt được lợi nhuận bằng cách cải thiện môi trường hoạt động và đáp ứng các kỳ vọng tối thiểu của các bên liên quan.

Khi quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư, các công ty quốc tế sẽ xem sự tôn trọng của các quốc gia đối với hành vi kinh doanh có trách nhiệm, quản trị tốt và pháp quyền là những yếu tố quan trọng.

VBII được xây dựng dưới hỗ trợ của dự án FairBiz, một sáng kiến cấp khu vực của UNDP do Chính phủ Vương quốc Anh tài trợ, trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế ASEAN, nhằm thúc đẩy một môi trường kinh doanh công bằng ở sáu quốc gia ASEAN (Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam).

Phó Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Marcus Winsley cho biết, cùng với các đối tác Việt Nam và quốc tế, nước Anh sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đạt được tham vọng và thực hiện cam kết hướng tới một môi trường kinh doanh công bằng, cải cách kinh tế hiệu quả, cũng như những bước tiến trong nhiều lĩnh vực khác, bao gồm biến đổi khí hậu, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và đổi mới.

Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Khu Công nghiệp Linh Trung 1 (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: TTXVN)

Các chính sách về công bố, minh bạch và liêm chính của doanh nghiệp có tác động trực tiếp đến mức độ liêm chính của doanh nghiệp trên thị trường. Trên thực tế, các doanh nghiệp ngày càng nhận ra giá trị và lợi ích của sự liêm chính trong kinh doanh.

Kinh nghiệm từ nhiều doanh nghiệp đặt tính liêm chính trong kinh doanh lên hàng đầu cho thấy họ được hưởng lợi từ sự quan tâm và đánh giá cao của các nhà đầu tư, nhà cung cấp, người mua và khách hàng.

Đây là một lợi thế đã được chứng minh rõ ràng cho những công ty muốn tiếp cận thị trường quốc tế và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh, phát triển bền vững không còn là một sự lựa chọn giữa “có” và “không,” mà đã trở thành sự sống còn, là cách duy nhất để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển trong hiện tại và tương lai.

Với ý nghĩa đó, Chỉ số kinh doanh liêm chính do VCCI phối hợp với UNDP thực hiện và giới thiệu chính là một bước tiến mới để đưa doanh nghiệp Việt Nam tiệm cận gần hơn với tiêu chuẩn kinh doanh minh bạch, liêm chính của quốc tế; cũng như giúp doanh nghiệp không còn mơ hồ, lúng túng trong việc lồng ghép tính liêm chính vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Theo V.Đ (TTXVN/Vietnam+)

 

Liên kết hữu ích