Trên các tuyến đường TP. Long Xuyên, hình ảnh quen thuộc những ngày qua là những chiếc khẩu trang y tế đã qua sử dụng vương vãi trên mặt đường. Đi ngang qua cầu tạm Nguyễn Thái Học (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên, An Giang); phóng viên đã thấy 5 chiếc khẩu trang bay lờn vờn trên mặt cầu, có chiếc bị gió thổi xuống dòng sông. Người dân cho biết, đa số khẩu trang bị vứt trên đường phố là từ người điều khiển phương tiện nên không ai nhắc nhở được.
Ngoài ra, nhiều túi ny-lon chứa rác sinh hoạt được đặt trên vỉa hè mà không để trong nhà hay thùng rác cũng là nơi vứt khẩu trang sau khi sử dụng, gặp gió thổi khiến khẩu trang bay lung tung trên đường phố.
Chị An (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Phòng, chống dịch bệnh virus Corona bằng cách mua khẩu trang, nhưng lại vứt bừa bãi, nhếch nhác ra đường thì không thể hiệu quả được. Không thể chỉ nghĩ cho bản thân mà mặc kệ việc phát tán các vi khuẩn khác vào môi trường xung quanh cho tất cả mọi người. Khi hàng triệu người cùng thải một lượng lớn khẩu trang y tế ra môi trường, thì cuộc sống của chính chúng ta đang bị đe dọa trầm trọng”.
Khẩu trang y tế vương vãi trên đường Lê Lợi (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên)
Theo BS Võ Huy Danh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang, khẩu trang y tế được quy định chỉ dùng 1 lần rồi vứt vào thùng rác an toàn, có nắp đậy để tránh lây nhiễm các loại bệnh. Trong khẩu trang khi đó chứa nhiều vi khuẩn, virus, nấm từ người bệnh ho hoặc hắt xì, dễ phát tán ra môi trường và xâm nhập vào người xung quanh. Do vậy, người dân không nên vứt khẩu trang bừa bãi để tránh tình trạng lây lan không những đối với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, mà còn phòng các bệnh dịch khác.
BS Võ Huy Danh lưu ý: “Khẩu trang y tế không phải là biện pháp an toàn nhất trong phòng, chống dịch bệnh, người dân nên thường xuyên tìm hiểu thông tin chính thống từ Bộ Y tế để hiểu được cách đeo khẩu trang đúng và an toàn, trường hợp nào nên đeo khẩu trang, khi nào không cần đeo để tránh tình trạng đổ xô mua khẩu trang sau đó vứt bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường và tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khác”.
Khẩu trang bị vứt trên mặt cầu Nguyễn Thái Học
Là người thường xuyên nhặt rác tình nguyện tại Khu dân cư Bắc Hà Hoàng Hổ (Khóm Tây Khánh 2, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên), chú Nguyễn Văn Tư phàn nàn về tình trạng người dân vô tư vứt rác từ tầng cao chung cư, từ các tuyến đường trống trong khu dân cư, đủ loại rác thải từ sinh hoạt đến xây dựng do nhiều người đổ riết thành những bãi rác tự phát, phát sinh nhiều ruồi nhặng và muỗi, nay lại có thêm rác khẩu trang.
Cùng với đó, một số người dân còn có thói quen khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Họ cứ thấy ho có đàm, mũi khịt khịt là khạc nhổ, xì mũi ngay trên mặt đất. Thậm chí, có người đang đi xe gắn máy không cần dừng lại cũng khạc nhổ, người đang đi xe ôtô mở cửa kính khạc nhổ, chất thải văng vào mặt của người điều khiển phương tiện phía sau làm các nạn nhân vô cùng bức xúc.
Một tài khoản zalo N.H nói: “Từ lâu, em đã bức xúc với thói quen xấu này mà giờ xảy ra dịch bệnh mình càng ghê hơn. Bởi, trong các dịch mũi, đờm ho, nước vãi của mỗi cá nhân đều có thể tiềm ẩn virus gây bệnh. Em rất mong mọi người cẩn trọng, đi đường nếu có muốn khạc cũng phải gọn gàng cho vào cái khăn giấy rồi vứt vào thùng rác, vừa đảm bảo an toàn, vừa thể hiện văn hóa ứng xử nơi công cộng”.
Rác khẩu trang phổ biến trong Khu dân cư Bắc Hà Hoàng Hổ
Trong các đợt tuyên truyền phòng tránh dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh luôn thường xuyên nhắc nhở người dân có một nguyên tắc chung trong ứng phó với dịch bệnh, đó là phòng bệnh. Việc phòng bệnh tốt nhất vẫn là giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, giữ gìn môi trường sống xung quanh nhà nhằm hạn chế ruồi, muỗi và các côn trùng gây bệnh.
Khi tiếp xúc với các chất dịch mũi, miệng ngay khi nhảy mũi, rửa mũi nên rửa tay kỹ bằng xà bông. Khi đi đến môi trường có nhiều vi khuẩn như bệnh viện cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, giặt giũ quần áo, vật dụng cẩn thận. Các vật dụng, rác thải y tế cá nhân sau khi sử dụng cần để đúng nơi quy định để phòng tránh lây lan các loại bệnh vào môi trường nước, không khí, bụi đất…
NGỌC GIANG