Sáu năm sau, chàng Ralph (John C. Reilly lồng tiếng) tiếp tục một cuộc phiêu lưu mới không kém phần thú vị trong “Ralph Breaks The Internet” (Ráp-Phờ Phá Đảo Thế Giới Ảo). Phần hai của phim tiếp tục phát triển những điểm cộng từ tập phim đầu tiên và là một tác phẩm cân bằng được cả yếu tố giải trí lẫn giáo dục.
Hành trình “Phá đảo thế giới ảo”
Sau một hành động nhiệt tình mang tính...phá hoại của Ralph, thế giới trò chơi đua xe Sugar Crush của công chúa nhỏ Vanellope đứng trước nguy cơ bị đóng cửa vĩnh viễn. Để tìm được chiếc vô-lăng hiếm của máy điện tử thùng arcade, Ralph và Vaneloppe lên đường chu du tới thế giới Internet. Khi tìm được món hàng ưng ý trên trang eBay, bộ đôi nhân vật điện tử này lại đứng trước khó khăn mới: Tìm tiền thật để thanh toán!
Chính từ đây, Ralph bị đặt vào tình thế phải “phá đảo thế giới ảo” nhằm thu về một khoản tiền lớn để cứu lấy người bạn nhỏ thân thiết của mình. Nhưng điều này không hề dễ dàng khi Internet không chỉ mang tới nhiều tiện ích, cơ hội mà còn nhiều cạm bẫy lẩn khuất...
Bộ đôi đạo diễn Phil Johnson và Rich Moore
Đã từng sát cánh bên nhau trong quá trình thực hiện “Wreck-It Ralph,” sau hơn nửa thập kỷ, hai nhà làm phim Phil Johnson và Rich Moore cùng trở lại với nhiều sáng tạo mới lạ.
“Ráp-Phờ Phá Đảo Thế Giới Ảo” mang đến những bài học thâm thúy. (Nguồn: Bustle)
Nếu như tập phim đầu mang tới nhiều sự hoài niệm với những nhân vật trò chơi điện tử từ thời 8-bit xa xưa thì tập phim thứ hai tràn đầy sự mới mẻ của thế kỷ 21. Ngay từ tựa đề tiếng Anh “Breaks The Internet” cũng gợi nhớ tuyên bố của ngôi sao mạng xã hội, truyền hình thực tế Kim Kardashian vào năm 2014.
Nàng Kardashian không xuất hiện trong phần phim này nhưng rất nhiều biểu tượng khác của kỷ nguyên số, của văn hóa đại chúng đương đại góp mặt. Thế giới mạng Internet được “Ráp-Phờ Phá Đảo Thế Giới Ảo” xây dựng quy mô, đồ sộ theo hình dạng của một siêu đô thị hiện đại. Trong đó, những tòa nhà khổng lồ đại diện cho những đại gia nổi tiếng của Internet như Google, eBay, IMDB hay Wikipedia...
Những trang mạng xã hội như Facebook, Instagram hay Pinterest cũng dễ dàng được chú ý bởi những logo quen thuộc. Có thể thấy các nhà làm phim đã thành công trong đưa thế giới Internet quen thuộc vào tác phẩm.
Những khán giả trưởng thành có thể thấy thích thú trước những hiện tượng quen thuộc như mạng “lag,” máy tính nhiễm virus... được diễn tả một cách hài hước trong phim. Với những em nhỏ, thế giới Internet có phần xa lạ cũng trở nên không quá khó hiểu với các ví dụ sinh động trực quan. Ví dụ như eBay thay vì những con số và món hàng được mô tả như một ngôi chợ đấu giá khổng lồ, hay trang BuzzTube (tương tự như YouTube) lưu trữ những video mà ai ai cũng có thể xem được...
Giải trí và thâm thúy
Đã từ lâu, những bộ phim hoạt hình không còn đơn thuần dành cho đối tượng khán giả nhí nữa. “Ráp-Phờ Phá Đảo Thế Giới Ảo” không phải ngoại lệ, khi những người tận hưởng bộ phim một cách trọn vẹn nhất sẽ là đối tượng khán giả tuổi thanh niên hay trưởng thành.
Với những khán giả nhỏ, thế giới rộng lớn đa sắc màu, bắt mới với các nhân vật có ngoại hình thân thiện là đủ để cuốn hút. Không chỉ đưa trở lại những nhân vật từ phần đầu, “Ráp-Phờ Phá Đảo Thế Giới Ảo” còn có rất nhiều chi tiết thú vị nếu quan sát kỹ, giống bộ phim “Ready Player One” từng gây sốt hồi đầu năm.
Điểm nhấn của phim nằm ở màn “Crossover” (Kết hợp) giữa Vanellope với nhiều nhân vật Disney khác.Người xem có thể dễ dàng nhận ra những Buzz Lightyear, Iron Man, lính Storm Trooper hay thậm chí là cả huyền thoại Marvel Stan Lee trong trường đoạn đặc biệt trên. Ấn tượng nhất là khi “công chúa” Vanellope chạm trán các nàng công chúa Disney quen thuộc như Cinderella, Elsa hay Ariel...
Cảnh phim trên vừa khiến khán giả ấn tượng bởi màn kết hợp đặc biệt, lại vừa bật cười bởi cách Disney tự mỉa mai bản thân. Thông qua lời thoại, các cô công chúa Disney bộc lộ số phận điển hình của họ trong các bộ phim: khi gặp khó khăn là...cúi mình xuống nước và hát, hay bị động chờ sự xuất hiện của một bạch mã hoàng tử.
Cách Disney tự châm biếm những nàng công chúa “bánh bèo” theo công thức điển hình khi cho họ gặp Vanellope đem lại nhiều ấn tượng. Ngoài ra, “Ráp-Phờ Phá Đảo Thế Giới Ảo” cũng ngầm đả kích hiện tượng sống ảo hay những mặt tối của Internet. Để kiếm tiền, Ralph phải làm đủ thứ ngớ ngẩn để có những video “triệu views” và được người dùng mạng “thả tim.” Hành động càng lố bịch, video càng trở nên thịnh hành.
Con người ta thích xem những thứ như vậy để giải trí, nhưng lại không ngại ngùng buông những “comment” cay nghiệt, gây tổn thương về nhân vật trong video. Sự vô tâm của một bộ phận người dùng mạng Internet được bộ phim phơi bày và lên án, bên cạnh những bài học quý giá về tình bạn.
Nếu như ở tập phim trước, Ralph và Vanellope luôn sát cánh không rời thì tới phần này, tình bạn của họ bị đặt trước một thử thách mang tên Shank (Gal Gadot). Cô là nhân vật chính trong trò chơi đua xe Slaughter House với thần thái “cực ngầu” khiến Vanellope ngưỡng mộ ngay từ lần đầu gặp. Do mỹ nhân Gal Gadot lồng tiếng, Shank mang thần thái mạnh mẽ, gợi nhớ nhân vật Gisele trong loạt phim đình đám “Fast and Furious.”
Có sức sáng tạo và lôi cuốn từ đầu, nhưng phần giải quyết nút thắt của “Ráp-Phờ Phá Đảo Thế Giới Ảo” có phần đuối hơn so với nửa đầu phim. Điều này không ảnh hưởng quá nhiều tới chất lượng tác phẩm bởi về tổng thể, đây là một bộ phim mà cả người lớn lẫn trẻ em đều có thể xem một cách thích thú. Nếu kiên nhẫn chờ đợi, khán giả sẽ được tưởng thưởng với hai đoạn phim after-credit ở cuối phim giống những bộ phim Marvel.
Với sự xuất hiện của “Ráp-Phờ Phá Đảo Thế Giới Ảo,” cả “Incredibles 2” lẫn “Isle of Dogs” đều phải dè chừng trong cuộc đua tới tượng vàng Oscar “Phim hoạt hình xuất sắc nhất” sẽ được trao vào đầu năm 2019.
“Ralph Breaks The Internet” (Ráp-Phờ Phá Đảo Thế Giới Ảo)
Đạo diễn: Phil Johnson và Rich Moore
Diễn viên lồng tiếng: John C. Reilly, Sarah Silverman, Gal Gadot
Thể loại: Hoạt hình, Gia đình
Thời lượng: 113 phút
Ngày khởi chiếu tại Việt Nam: 16-11
Theo QUỐC THỊNH (Vietnam+)