Rèn kỹ năng cho trẻ bằng workshop

02/10/2023 - 22:17

 - Hiện nay, vô vàn workshop (hội thảo, đào tạo, trao đổi kiến thức, thử nghiệm các hoạt động được dẫn dắt bởi chuyên gia hoặc người có kinh nghiệm trong lĩnh vực nhất định) đang nở rộ. Trong đó, workshop nội dung hướng về trẻ nhỏ, thanh thiếu niên được chú trọng khá nhiều.

Trẻ học kỹ năng làm lồng đèn các loại

Vài năm gần đây, cụm từ workshop được nhắc đến liên tục, diễn ra ở nhà riêng, văn phòng, quán cà-phê… với chủ đề đa dạng. Sau buổi workshop, người tham gia phần nào hiểu được cách thức phát triển kỹ năng mềm, đào tạo chuyên sâu về kiến thức chuyên môn, chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Hay đơn giản là bổ sung kiến thức làm đẹp cho phụ nữ, tạo môi trường hoạt động nghệ thuật (vẽ, nhảy múa) theo chủ đề, dạy nấu ăn, làm bánh…

Ở chủ đề nào, trẻ nhỏ cũng có thể tiếp cận được, miễn sao nội dung hướng dẫn phù hợp với độ tuổi nhận thức của trẻ. Trẻ càng lớn thì mức độ, yêu cầu tiếp nhận càng được nâng cao, chuyên sâu. Để thu hút sự chú ý của mọi người, nội dung workshop thường gắn liền với hoạt động vui chơi, giải trí, thông qua sự kiện lớn nào đó. Trung thu năm nay, giá trị truyền thống tiếp tục được tôn vinh, nhân rộng trong workshop dạy làm bánh trung thu, làm lồng đèn. Mọi đứa trẻ đều có cơ hội tham gia cùng thầy cô, phụ huynh, để thực sự cảm nhận trung thu là gì.

Trẻ lanh lợi, hiếu động, tư duy phát triển bình thường dễ nắm bắt kỹ năng mới mẻ, cảm thấy hào hứng với môi trường workshop đang diễn ra. Khi viết câu “Chúc ba mẹ trung thu vui vẻ” trên những chiếc bánh trung thu - mất cả buổi sáng mới hoàn thành, Thiên Tân (9 tuổi, ngụ TP. Long Xuyên) hiểu nhiều hơn giá trị của chiếc bánh, hình dung phần nào quá trình làm bánh. Nhân bánh thực hiện rất phức tạp, kỳ công, nên các em chỉ học tạo hình. “Tham gia lớp học này, con đã biết nhồi bột, pha màu, gói nhân vào vỏ bánh, in khuôn bánh đủ loại hình dáng. Bánh không được đẹp, nhưng con nghĩ ba mẹ sẽ rất vui” - Tân hào hứng.

Bé H. (5 tuổi) mắc bệnh tự kỷ, nên quá trình chăm sóc, nuôi dạy của phụ huynh lẫn giáo viên rất khó khăn. Người thân muốn bé tham gia workshop làm bánh trung thu để tiếp xúc với bạn cùng trang lứa, bước thêm một bước chạm vào thế giới muôn màu. Thế nhưng, bé đã phản ứng rất dữ dội khi phụ huynh rời đi, không nghe lời dỗ dành của cô giáo quen, gần như lăn lộn ăn vạ tại buổi workshop.

Bằng phương pháp riêng, các giảng viên, sinh viên của Trường Đại học An Giang đã xoa dịu tâm tình của bé, hướng bé dần dần vào nội dung workshop. Chỉ khoảng 1 giờ sau, H. trở lại trạng thái bình thường, thậm chí vui vẻ thực hiện mọi công đoạn làm bánh. Dĩ nhiên, không bàn về chất lượng chiếc bánh, mà kết quả lớn nhất chính là cậu bé được sinh hoạt, gợi mở để hòa nhập vào cuộc sống sinh hoạt bình thường. Điều này, những lớp học thông thường khó mang lại cho nhóm trẻ đặc biệt như H.

Cô Nguyễn Thị Cẩm Linh (giáo viên Trường Mầm non thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) mong muốn cùng nhóm bạn tổ chức workshop ở nhiều nơi, từ địa phương mình đang công tác, đến các thành phố lớn. “Chúng tôi thực hiện phần lớn hoạt động hướng về trẻ 6 - 10 tuổi. Ở độ tuổi này, các em thao tác dễ dàng, nắm bắt nhanh hướng dẫn của người chủ trì. Ở độ tuổi nhỏ hơn hoặc lớn hơn, trẻ sẽ nhanh chán, không hào hứng, kiên trì. Sau mỗi workshop, chúng tôi trích 20% lợi nhuận để mua nguyên - vật liệu, tiếp tục làm bánh để mang đến vùng sâu, vùng xa tặng trẻ em nghèo. Những em tham gia workshop được tạo điều kiện trực tiếp mang sản phẩm mình làm ra, gửi trao cho bạn đồng lứa khó khăn hơn.

Cùng đi, cùng tiếp xúc môi trường rộng lớn, các em sẽ hiểu được ý nghĩa cuộc sống, cảm nhận niềm vui “cho đi”, chia sẻ. Vì vậy, với chúng tôi, workshop không chỉ gói gọn trong một không gian hẹp, không chỉ hướng dẫn trẻ làm ra sản phẩm là đủ” - cô Linh bày tỏ.

Tại TP. Long Xuyên, nhiều workshop được tổ chức vào cuối tuần. Trẻ được tiếp cận kỹ năng làm bánh sinh nhật, vẽ tranh theo chủ đề, làm các loại đồ thủ công (handmade)… Chi phí tham gia từ 100.000 - 250.000 đồng/người, bao gồm nước uống và nguyên - vật liệu thực hiện. Vợ chồng chị Đoàn Thị Xuân Điệp (phường Mỹ Bình) ấp ủ nhiều hoạt động hướng vào lĩnh vực “chữa lành tâm hồn”, giúp cân bằng tâm hồn và cuộc sống của mỗi cá nhân. Trong thời gian hoàn thiện ý tưởng, họ mở quán cà-phê nến.

“Làm nến thơm là quy trình nhỏ, khởi đầu trong chuỗi ý tưởng của chúng tôi. Khách đến đây đa phần là học sinh, sinh viên, chưa tiếp cận nhiều với nhân số học, thiền… Nhưng khi tỉ mẩn làm nến, đổ khuôn, trang trí hoa văn, các em có giây phút tập trung vào công việc hiện tại, quên đi muộn phiền, lo toan, bỏ qua áp lực học hành, công việc. Khi hoàn thành sản phẩm, các em cảm thấy rất thư giãn, nhẹ nhàng” - chị Điệp chia sẻ.

Workshop cũng phần nào giúp phụ huynh chia sẻ vấn đề bồi dưỡng tâm hồn trẻ. Chị Huỳnh Hoa (ngụ phường Mỹ Hòa) bộc bạch: “Cuối tuần, không đủ điều kiện đưa con đi du lịch, đi chơi, vợ chồng tôi chuyển hướng tìm workshop phù hợp để con và bạn bè tham gia. Có thể, nội dung đó con không thích, không phải sở trường, nhưng tiếp cận một lần vẫn giúp con thêm hiểu biết, trải nghiệm. Cứ tích lũy từng chút như thế, hy vọng con sẽ phát triển kỹ năng sống song hành cùng kiến thức được học trong nhà trường, bớt đi thời gian vô bổ chìm đắm trong mạng xã hội, game”.

VẠN LỘC