Rèn luyện kỹ thuật chơi cầu lông

14/09/2023 - 06:17

 - Cầu lông là môn thể thao có sức hút riêng, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Để chơi cầu lông tốt, ngoài năng khiếu, đam mê, người chơi cần biết những kỹ năng cơ bản để đánh cầu hiệu quả.

Điểm quan trọng nhất là người chơi phải học từng động tác, bước chân di chuyển như thế nào để hạn chế tiêu hao năng lượng, cầm vợt đúng kỹ thuật, từ thế đập cầu, phông cầu, chém cầu… Để luyện tập nhuần nhuyễn những kỹ thuật cơ bản này đòi hỏi người chơi phải có tính kiên nhẫn, duy trì thường xuyên.

Anh Lê Quang Vũ (phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết: “Qua thời gian học từ những người chơi trước, tự rèn luyện thêm, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ những giải đấu, đến nay tôi đã chơi cầu lông thuần thục”. Anh Vũ đúc kết kinh nghiệm tự học của bản thân rồi hướng dẫn cho những người mới tiếp cận với môn thể thao này. Cái khó là dạy những động tác cơ bản, từ cách cầm vợt, đến các bước chạy trên sân, cách thức giao phát cầu, phông cầu, chém cầu… tất cả đều phải đúng kỹ thuật. Chỉ có như vậy thì người tập mới phát huy được năng lực, sở trường.

Đối với cách cầm vợt, đây là kỹ thuật cơ bản của người mới, cầm vợt sai kỹ thuật sẽ không đủ lực đánh, không điều khiển được đường cầu, khả năng cầu bay ra ngoài sân và dễ chấn thương. Có 2 dạng cầm vợt, thuận tay và trái tay, tư thế cầm vợt đúng là ngón trỏ và ngón cái phải tạo nên một góc chữ V. Theo anh Vũ, kỹ thuật giao cầu có 2 cách.

Trong đó, giao cầu cao tay là người chơi phải giao cầu cao và sâu về phía cuối sân của đối phương, trong trường hợp đối phương sẵn sàng “chụp cầu” gây khó khăn cho đồng đội khi giao cầu thấp tay. Ngược lại, khi giao cầu thấp tay, người chơi sẽ giao cầu về phần trên của sân đối phương, mục đích của giao cầu thấp tay nhằm chuẩn bị tấn công khi đối phương trả cầu. Trước khi lựa chọn cách giao cầu, cần quan sát đối phương có ý đồ gì, mà đưa ra cách giao phù hợp, hạn chế sự tấn công của đối phương khi giao cầu sai sót.

Các bước chạy trong sân rất quan trọng, giúp người chơi hạn chế tiêu hao thể lực, nhanh nhẹn để kịp phòng thủ hay tấn công một cách hiệu quả. Người chơi phải luôn ghi nhớ vị trí bắt đầu, di chuyển 1 bước sang trái hoặc sang phải, 2 - 3 bước về phía trước hoặc phía sau.

Đối với phông cầu (còn gọi là lốp cầu), là kỹ thuật để áp dụng cho nhiều phương pháp tiếp theo, có thể là chém cầu, đập cầu hay gài cầu. Người chơi phải đưa cầu cao, sâu về phía cuối sân đối phương nhằm phòng thủ khi người chơi đang bị động, có đủ thời gian để trở về. Phông cầu tấn công bắt đối thủ phải lùi sâu về để đỡ cầu và chuẩn bị cho cú tấn công tiếp theo.

Chị Lê Thị Kim Hoa (nhân viên văn phòng ở xã Kiến An, huyện Chợ Mới) cho biết, qua thời gian tập rất nhiều môn thể thao chị quyết định gắn bó lâu dài với môn cầu lông. Tuy mới tập được vài ngày, nhưng chị Hoa thấy cuốn hút, bắt đầu quen dần với với những bài tập cơ bản, tuy hơi mệt nhưng rất vui. Những kỹ thuật cơ bản đòi hỏi người chơi phải kiên nhẫn, tập trung kỹ tư thế, động tác đã được hướng dẫn.

Cầu lông là môn thể thao mà người chơi có thể tự do thể hiện kỹ thuật, khi thì nhẹ nhàng, khi thì tỏ ra uy lực mạnh mẽ, rất dễ thu hút người chơi, càng chơi càng đam mê.

“Thực tế lâu nay, phần lớn do người chơi trước có kinh nghiệm, hướng dẫn, chỉ dạy cho người sau. Mong rằng thời gian tới, An Giang có được một trung tâm đào tạo hoàn chỉnh, giúp cho người mới tập chơi tiếp cận nhanh chóng bộ môn cầu lông; kịp thời phát hiện những nhân tố, tài năng nhằm bổ sung lực lượng vận động viên chuyên nghiệp” - Lê Quang Vũ mong muốn.

ĐĂNG LÂN