Con robot được đặt trên mặt phẳng có chướng ngại vật và di chuyển hướng về mục tiêu (ảnh cắt từ clip).
Các chuyên gia tại trường Đại học Tokyo đã phát triển các tế bào thần kinh từ tế bào sống trong phòng thí nghiệm và khi chúng được kích thích bằng dòng điện, cỗ máy này có thể di chuyển thành công bên trong một mê cung nhỏ.
Nhóm nghiên cứu sử dụng kỹ thuật được gọi là “tính toán hồ chứa vật chất” cho phép robot kích hoạt một “kho chứa” thông tin giúp nó hiểu và giải quyết vấn đề.
Giáo sư Hirokazu Takahashi - đồng tác giả nghiên cứu - cho biết: “Những tế bào thần kinh được phát triển từ các tế bào sống. Chúng hoạt động như một bể chứa vật chất để máy tính xây dựng các tín hiệu rõ ràng”.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học cho trí tuệ nhân tạo "dạy" một người máy. Nếu cỗ máy AI đi sai hướng, các tế bào thần kinh được nuôi cấy bên trong nó sẽ bị phóng xung điện. Trong loạt thử nghiệm, robot liên tục tiếp nhận các tín hiệu chỉ dẫn cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ.
Cỗ máy hình tròn do nhóm của ông Takahashi chế tạo có đường kính khoảng 8cm và cao 5cm, nằm gọn trong lòng bàn tay. Giáo sư này cho biết công trình nghiên cứu là bằng chứng về khái niệm mô não có thể được sử dụng làm bể chứa vật chất. Qua đó, mở ra cánh cửa để phát triển những cỗ máy có khả năng giải quyết vấn đề bằng cách suy nghĩ như con người.
Nhóm nghiên cứu Nhật Bản hy vọng bước đột phá này sẽ dẫn đến sự ra đời của một siêu máy tính mô phỏng bộ não con người. Nó cũng mang lại hy vọng làm sáng tỏ cơ chế hoạt động của não và lý do tại sao các bệnh như Alzheimer và Parkinson lại xảy ra.
Theo HOÀNG TRANG (Báo Tin Tức)