Rong ruổi trên núi Sập

20/09/2024 - 07:11

 - Ngày nay, đường lên núi Sập (huyện Thoại Sơn) được mở rộng, thảm nhựa thẳng tắp, xe cộ chạy một mạch lên núi rất dễ dàng. Ngọn núi không cao, nhưng phong cảnh an yên, tịch tĩnh, trông như chốn tiên bồng.

Núi non yên bình

Khác với dãy núi Thất Sơn hùng vĩ, núi Sập có độ cao khoảng 90m, đường sá đi lại thuận tiện, người dân sinh sống trên núi chừng vài chục nóc gia. Con đường độc đạo quanh co lên tận đỉnh núi, điểm ghé đầu tiên là hang ông Hổ. Dừng xe bên đường, chúng tôi cuốc bộ một đoạn ngắn là tới nơi. Nói là hang ông Hổ, nhưng ngó quanh không thấy hang mà chỉ bắt gặp tảng đá khổng lồ, bên trên cây xanh che phủ một không gian khá rộng. Tương truyền, thời xa xưa, khu vực này có cặp hổ ẩn tu, không hại người. Từ đó về sau, người ta lập bàn thờ, rồi đặt 2 tượng hổ dưới tảng đá để du khách đến tham quan cúng bái. Xung quanh hang ông hổ vắng vẻ, nhưng người dân và du khách thường xuyên đến thắp hương nghi ngút.

Đỉnh pháo đài trên núi Sập, gió lộng tứ bề

Tiếp tục hành trình vượt núi, chúng tôi đến khu vực có nhà cửa người dân. Mùa mưa, khung cảnh nơi đây vắng vẻ. Thi thoảng, chúng tôi bắt gặp chiếc xe gắn máy chở nhà sư xuống núi làm vơi đi cảnh u buồn, tịch tĩnh. Đi một đoạn, cách hang ông hổ chừng 1km, ngước nhìn trên triền núi cao là những tịnh xá, tịnh thất được xây cất khá khang trang. Leo lên tịnh thất Ngọc Châu, chúng tôi vào chánh điện gặp vài người dân đang cặm cụi dọn dẹp chén, đũa, bàn, ghế. Hỏi mới biết, trước đó, tịnh thất này vừa tổ chức buổi lễ cúng, có nhiều tăng, ni, phật tử đến dự. Tịnh thất nằm trên khoảng núi rất rộng, thoáng mát. Ở đó, có ni sư Quý (75 tuổi), hàng ngày trông coi hương khói.

Đang loay hoay sắp xếp vật dụng bên trong tịnh thất, ni sư Quý kể rằng, quê gốc ở Cần Thơ, năm 21 tuổi bà rời gia đình lên núi Sập lập am tu ẩn dật. Thời gian trôi nhanh, bà khai khẩn núi đá rộng dần, rồi xây dựng chánh điện khang trang để người dân đến cúng phật. “Đến nay, tôi tu được 48 năm. Ngày trước, trên núi hoang vắng lắm! Mỗi lần lên, xuống núi đều lội bộ. Khu vực này được mở rộng do tôi khai khẩn. Bây giờ, tuổi già sức yếu, tôi nhường lại nơi thờ tự này cho một vị sư trẻ tuổi đảm trách trụ trì, trông coi quản lý” - ni sư Quý bày tỏ.

Nhà sư hốt thuốc trên núi

Rời tịnh thất Ngọc Châu, chúng tôi tiếp tục hành trình rong ruổi trên núi Sập. Theo tìm hiểu, trên núi có 9 tịnh thất, tịnh xá và chùa chiền. Trong đó, Duyên Phước Tự được bà con khắp nơi biết tới. Ngôi chùa nằm trên nền đá cao, hàng ngày, tiếng chuông chùa cùng âm thanh gõ mõ, tụng kinh đồng vọng khắp núi. Cúng phật xong, nhiều khách thập phương sang bên hông chùa ngồi xếp hàng đợi bốc thuốc. Hàng ngày, tại cửa thiền này có 1 nhà sư âm thầm bắt mạch cho người dân. Pháp danh của ông là Thích Thiện Thành được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Theo những cao niên trên núi cho biết, sư Thành là truyền nhân của sư Duyên - người được mệnh danh là “thần y” núi Sập trị bệnh cứu người.

Chú Huy (75 tuổi, người làm công quả) nhớ lại, ngôi chùa này được sư Duyên thành lập gần 100 năm. Ngày xưa, cuộc sống còn khó khăn, mỗi khi ốm đau, người dân leo núi tìm sư Duyên bắt mạch, bốc thuốc mang về sắc uống. Nhiều ca bệnh nặng được sư Duyên điều trị hiệu quả, người dân truyền tai nhau có “thần y” trên núi. Từ đó, ngôi chùa được nhiều người lui tới cúng và hốt thuốc mang về uống. Sau này, sư Duyên viên tịch, ngôi chùa lấy tên ông và được chỉnh trang rộng rãi cho tới bây giờ. Tiếp nối “chân truyền” của chú mình, sư Thành đảm nhận trọng trách bắt mạch, bốc thuốc giúp người ốm đau bằng cả tấm lòng thiện nguyện.

Phước Duyên tự trên núi Sập

Buổi trưa, vẫn còn nhiều người xếp hàng ngồi đợi đến lượt để sư Thành bắt mạch. Ông Út Thôi (61 tuổi, ở huyện Chợ Mới) nói rằng, cứ 2 - 3 tháng là ông đến chùa gặp sư Thành hốt thuốc về sắc uống. “Mấy năm nay, nhờ đến gặp sư Thành bốc thuốc mà bệnh thuyên giảm. Trên núi Sập, bà con tin tưởng khả năng bốc thuốc của sư Thành” -  ông Út Thôi tâm sự. Ngồi trò chuyện với sư Thành, chúng tôi cảm nhận được tấm lòng thiện nguyện của ông đối với bà con. Khi đưa thuốc cho người bệnh, sư Thành căn dặn kỹ lưỡng trước khi sắc uống. “Thấy người ta bệnh, không thể nào ngó lơ. Bằng kinh nghiệm lương y, tôi cố gắng điều trị cho họ” - sư Thành cho hay. 

Bà con nơi xa đến, sư Thành phải tranh thủ bắt mạch, hốt thuốc xuyên trưa, không nghỉ ngơi để họ kịp về trong ngày. Nguồn dược liệu ở đây rất đa dạng. Ngoài thuốc nam, sư Thành còn sưu tầm những loại thuốc quý (vị thuốc bắc) để tăng dược tính trong quá trình điều trị bệnh cho người dân. “Nguồn thuốc ngày càng hiếm dần, như: Huyết rồng, gấm đen, gùi đỏ… do bị khai thác quá mức. Nhiều khi nguồn thuốc bắc tại chùa không còn, phải tìm mua nơi khác mới đủ dược liệu điều trị bệnh hiệu quả hơn” - sư Thành bộc bạch.

LƯU MỸ