Các thành viên của Phượt An Giang duy trì hoạt động nhặt rác, giữ gìn vệ sinh môi trường trong mỗi chuyến đi
Vấn nạn rác không chỉ xuất hiện ở lễ hội đông người. Gần đây, phong trào đi "phượt", du lịch bụi trở nên phổ biến, nhất là đối với giới trẻ. Hễ nơi nào có cảnh đẹp, thú vị, sẽ trở thành điểm đến cho các bạn. Khi thông tin được lan rộng, càng nhiều người tìm đến thì nơi đó càng hứng chịu rác thải nặng nề. Thấy được điều đó, một số bạn trẻ đã tự giác hành động bảo vệ môi trường. Điển hình là nhóm hoạt động xã hội "Phượt An Giang". Cách làm của các bạn rất đơn giản, nhưng hiệu quả. Đó là trong các chuyến đi, mỗi thành viên phải tự hạn chế phát sinh rác thải, không vứt rác bừa bãi ra môi trường. Sau khi rời đi, phải trả lại sự sạch sẽ, vệ sinh như cũ cho cảnh quan. Dần dần, các bạn tiến tới tổ chức dọn dẹp, nhặt rác do người khác để lại, nhất là ở những địa điểm thường xuyên phát sinh rác thải do đông đảo khách du lịch ghé thăm. Bạn Huỳnh Đãm (sinh năm 1998, ngụ huyện Châu Phú) đã từng tham gia nhiều hoạt động vì môi trường cùng nhóm "Phượt An Giang". Lý do bạn thích các hoạt động này rất đơn giản: “Tôi muốn góp gió thành bão, dùng hành động thực tế chứng minh, tuyên truyền cho mọi người về ý thức bảo vệ môi trường. Dần dần, họ sẽ thay đổi thói quen, không xả rác bừa bãi nữa, cùng nhau giữ gìn vệ sinh chung”.
Những năm qua, nhóm "Phượt An Giang" đã nhiều lần lên rừng, xuống biển (theo đúng nghĩa đen, khi cả nhóm đẩy mạnh hoạt động "phượt" gắn với dọn dẹp vệ sinh môi trường ở các vùng rừng núi, biển đảo). Anh Huỳnh Quang Vinh (ngụ huyện Tri Tôn) chia sẻ: “Nhóm "Phượt An Giang" đã sớm có ý thức bảo vệ môi trường trong quá trình tổ chức hoạt động. Điều này tạo nên hiệu ứng tốt đối với người dân địa phương, các nhóm du lịch khác, giúp họ tự điều chỉnh ý thức và hành vi của bản thân. Chưa kể, các bạn sử dụng mạng xã hội như một kênh thông tin, lan tỏa ngày càng mạnh mẽ phong trào bảo vệ môi trường. Từ đó, lượng rác thải ở các khu, điểm du lịch có giảm. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến khích các bạn tìm thêm nhiều hoạt động mới, phong phú hơn, để mang lại nhiều kết quả tốt hơn nữa cho cộng đồng. Ví dụ như tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường sau các lễ hội. Khi người tham gia lễ hội đã mãn nhãn với các nội dung chính, họ sẽ có thêm niềm vui từ những việc làm tốt”.
Từ ý tưởng đóng góp của mọi người, nhóm "Phượt An Giang" phối hợp Huyện đoàn Tri Tôn tổ chức phong trào “Phượt thủ có trách nhiệm với môi trường” vào ngày 28-9, sau khi kết thúc đua bò vòng chung kết tại sân đua bò gần hồ Soài Chek (Tri Tôn), huy động khoảng 50 tình nguyện viên, đoàn viên thanh niên địa phương tham gia. Bạn Phan Bảo Ân, nhóm trưởng nhóm "Phượt An Giang" tâm sự: “Thông qua hoạt động, chúng tôi muốn nhắn gửi thông điệp đến du khách, "phượt thủ" có trách nhiệm hơn với môi trường sống, bằng những câu nói dí dỏm được in trên băng-rôn: “Phượt thủ tranh thủ nhặt rác”, “Bỏ rác vào thùng anh hùng đất Việt”, “Du lịch văn minh khi chính mình ý thức”, “Ăn uống đúng nơi rác rơi vào sọt”, “Bảo vệ cảnh quan ưu phiền tan biến”… Đó là một trong những hình thức tuyên truyền đến mọi người về bảo vệ môi trường sống, không vức rác bừa bãi và ý thức hơn trong việc bỏ rác đúng nơi quy định, cũng như hạn chế các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần. Đồng thời, phát huy tính xung kích của thanh niên trong bảo vệ môi trường, lan tỏa hành động đến mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường sống của chúng ta. Chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ của mọi người, để hoạt động thật sự vui tươi, hiệu quả”.
Có thể, những hoạt động môi trường của nhóm "Phượt An Giang" chỉ mang tính tự phát. Tuy nhiên, tấm lòng vẫn là điều quan trọng nhất. Xuất phát từ suy nghĩ và hành động thực tế- dù nhỏ bé - để chung tay bảo vệ môi trường, các bạn trẻ cần được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, khích lệ và hỗ trợ nhiều hơn. Từ đó, tạo thành phong trào sâu rộng, lâu dài, mang giá trị bền vững cho cuộc sống mai sau.
GIA KHÁNH