Ông Mậu biết con gái mình không có chỗ nào khác để đi ngoài cái xóm nhỏ này. Huống hồ lại bế theo đứa con chưa đầy 2 tuổi. Mười một giờ đêm, hàng xóm nháo nhào đi tìm. Ánh đèn pin loang loáng khắp nơi. Từ ngõ ngách, bờ bụi, giếng nước, ao làng đến sân ga, bến xe trên thị trấn. Ông Mậu thất thểu trở về nhà lúc 3 giờ sáng. Mâm cơm dọn sẵn từ lúc tối, ruồi không thèm bậu. Ông lấy một ít cho chó, nhưng con vàng cũng chẳng buồn ăn.
Minh họa: K.T
Ngồi phịch xuống ghế, môi ông run run gọi: “Sim ơi”. Giờ này không biết mẹ con nó ở đâu? Tiền không có, cũng chẳng quen biết ai thì đêm nay lang bạt nơi nào? Mà sao nó lại bế con đi? Lúc chiều, nó còn dặn ông nhớ mua ít tôm đồng về xay nhỏ nấu cháo cho Sim. Lúc ông ra đến cổng, nó vẫn gọi với theo: “Ông nhớ xin cho con mấy nắm lá chè xanh để về nấu nước tắm cho Sim, ông nhé”. Sim ơi, về ăn cháo nấu tôm. Về ông nấu nước chè cho con tắm…
Đã 1 tuần kể từ khi Điệp bế con bỏ đi. Con chó nằm ngoài gốc chuối không buồn đuổi lũ ruồi nhặng bay vo ve bên cạnh. Nó buồn vì ông chủ của mình cũng đã bỏ nhà đi mấy hôm không thấy về. Nhà chẳng còn ai, chỉ có con mèo già kêu suốt ngày và mấy đàn gà con chạy qua sân. Hàng xóm ghé qua quét hộ cái nhà, cho đàn gà ít gạo, chó mèo ít cơm thừa, cọ giùm cái ấm tích trà đã mốc meo. Họ hỏi nhau, không biết ông già đi đâu? Liệu mấy bố con, ông cháu có gặp lại nhau không? Ra khỏi xóm làng thì chắc gì đã gặp được nhau, có biết bao con đường, bao ngã rẽ.
Có người quả quyết: “Gặp lại chứ sao không. Con nhỏ đó đi rồi cũng phải về, sức đâu mà đi mãi”. Một tháng rồi 2 tháng, nhà ông Mậu lá khô rụng đầy sân nhưng không ai buồn quét. Con chó vẫn quanh quẩn trong nhà đợi chủ. Mấy đàn gà con chuột bắt dần mòn. Người ta bận làm ăn, cưới xin, đổi mả nên cũng chẳng còn mấy ai nhắc chuyện bố con nhà ông Mậu. Cho đến một hôm, Điệp bế con thất thểu trở về, hỏi dân làng: “Bố cháu đi đâu?”
- Đi tìm con, tìm cháu chứ đi đâu. Mà đi tận đâu thì ai mà biết. Ông già nói sẽ tìm theo dấu lá. Vì bé Sim có thói quen bứt lá ven đường. Mà cái con nhỏ này sao tự nhiên lại bỏ nhà đi?
- Thì tự nhiên cháu thấy buồn quá thì đi thôi ạ.
- Trời ơi, xem nó nói cứ nhẹ như lông hồng. Đâu biết thương ông già khốn khổ. Mày tệ quá!
Điệp chỉ định đi đâu đó vài ngày, để thử xem có ai tìm mình không? Người Điệp định thử lòng không phải là ông bố đã ngoài 60, tóc bạc và răng rụng. Lúc quyết định đi, Điệp không kịp nghĩ là bố sẽ tìm mình. Ý nghĩ thử bỏ đi đã lóe lên trong đầu Điệp lúc Lâm chạy xe máy qua nhà. Cả cái làng này ai không biết Lâm chính là bố ruột của bé Sim. Có thời Lâm si mê Điệp, ngày nào cũng loanh quanh ở nhà ông Mậu. Hết bổ củi, đào giếng lại lợp mái nhà. Điệp đi đâu là Lâm lững thững theo sau gọi “em à, em ơi”. Điệp nhỏ nhắn, đi gần chỉ tới nách thằng Lâm chứ mấy. Buổi trưa mùa hè, thấy 2 đứa đi bộ qua con kênh trước nhà, người làng cười “trông vậy mà đẹp đôi đấy chứ, cưới đi thôi”. Điệp ỏn ẻn cười đi trước, Lâm tủm tỉm đi sau. Hai bóng người liêu xiêu vắt ngang qua những ổ vịt, ổ gà, những chiếc lon bia từ một quán nhậu nào đó vứt ra.
Có rất nhiều đám cưới trong làng nhưng không có đám cưới nào thấy Điệp làm cô dâu cả. Chỉ thấy Điệp ôm bụng lùm lùm sau vạt áo đứng ở bên đường nhìn xe rước dâu nhà Lâm đi ngang qua. Lâm là chú rể mặc vest chỉn chu, tay cầm hoa cưới đi rước dâu về. Nhưng cô dâu không phải Điệp mà là một người đàn bà đã qua một đời chồng, có một đứa con riêng. Thiên hạ bảo Lâm hám của nên mới bỏ Điệp mà đến với người hơn tuổi. Lâm chẳng bận tâm, nhà đẹp ở, xe đẹp cưỡi. Ngày ông Mậu hốt hoảng gọi xe chở Điệp đi đẻ, người ta vẫn thấy Lâm ở sới chọi gà.
Chiều ấy, lúc Lâm thất thểu đi về, có người nào đó nói với theo cái bóng dài ngoằng: “Cái Điệp nó đẻ rồi, con gái. Lên bệnh viện mà nhận con, Lâm ơi”. Lâm bực dọc đá vỏ lon bia lăn lóc cóc ngoài đường. Lâm đi ngang nhà Điệp đúng lúc ông Mậu xách cặp lồng cháo gà đi ra. Ông định túm lấy thằng tệ bạc ấy mà nói chuyện phải trái, đúng sai, nhưng nghĩ chắc là Điệp đói lắm. Đau đẻ mấy tiếng liền còn đâu là sức, phải húp nhanh cháo nóng thì mới có sữa về cho cháu ngoại ông ăn. Nên ông đành để thằng con rể hụt đi khuất trong ngõ nhỏ. Mà thật ra, nói với nó cũng chẳng để làm gì. Nó không muốn nhận con thì tội đó nó gánh, còn cháu mình thì mình chăm…
Điệp đứng lơ ngơ ở bến xe mà không biết đi đâu giữa những cánh tay lơ xe rủ rê chèo kéo. Bỗng có một ai đó kéo tay Điệp lên xe: “Chắc là 2 mẹ con xuống thành phố đúng không? Xe chạy luôn bây giờ không cần phải đợi”. Điệp sờ túi quần phát hiện ra điện thoại đã bị kẻ gian lấy mất. Xe chạy được một đoạn đường rồi, Điệp mới giật mình lo sợ, vì đâu có chỗ nào để mà đi? Điệp không biết lúc mình loay hoay giữa biển người xa lạ thì người bố già cũng bắt đầu hành trình đi tìm con cháu. Không có vết lá nào vứt dọc đường để men vào đó mà đi. Ông cũng không có bức ảnh nào của mẹ con Điệp hết. Trong chiếc điện thoại cục gạch chỉ có số của Điệp thôi, nhưng gọi hoài vẫn không liên lạc được. Ông đi từ xã này qua xã khác, cứ dọc đường đê mà đi. Đến đâu ông cũng hỏi về một người mẹ trẻ bế con bỏ nhà đi. “Mẹ con nó mặc áo hoa màu tím. Hôm đi chợ huyện tôi bán 3 con gà mới mua được mảnh vải màu hoa cà ấy đấy. À, mà mẹ con nó cũng có lúm đồng tiền giống tôi. Mọi người nhìn đây này”. Ông cố cười thật tươi, nhưng người ta chỉ nhìn thấy 2 má ông hóp lại vì mấy cái răng hàm đều đã rụng chưa có tiền làm.
Ông lần theo ký ức mà tìm. Sim của ông da thịt thơm tho, miệng cười như nắc nẻ. Mỗi lần đi làm về, ông thường nhấc bổng cháu lên, dụi đầu vào bụng nó. Hai ông cháu cùng ngả nghiêng cười giữa xào xạc cây lá trong vườn, giữa mùi cơm sôi, cá kho đang cạn nước. Những đêm mưa nằm ngủ nhờ bên hiên nhà lạ, ông càng thêm thương mẹ con Điệp hơn. Không biết có mái nhà nào để trú? Có cơm để ăn? Có quần áo lành để mặc? Nước mắt ông cứ thế ứa ra. Giá giờ này mấy ông con đều ở nhà thì tốt biết bao. Ông cháu rủ rỉ chơi với nhau, Điệp ngồi bên máy khâu miệt mài sửa đồ cho khách. Con chó vàng nằm ở góc nhà ghếch mõm nhìn Sim chạy quanh nhà. Cái điện thoại vẫn nằm trong túi áo đấy thôi nhưng nó đã tắt ngóm rồi. Hôm lội qua đoạn đường nước lũ, ông sơ ý làm rơi. Vội vã mò lên cũng không cứu nổi. Lần cuối cùng gọi cho người làng, người ta nói mẹ con Điệp chưa về. Lần đó cũng đã cả tháng rồi, ông không nhớ nổi số ai trong đầu nên đâu thể gọi.
Sáng sớm ông tỉnh giấc bên bến đò. Mấy chú chim đậu trên ngọn tre chấp chới hót trong veo. Những tia nắng đầu tiên chiếu xuống dòng sông lấp lánh. Ông đang tính đi tiếp thì nghe 2 mẹ con khách đi đò nói chuyện với nhau: “Tí sang hội chợ nhớ đi sát vào mẹ nghe chưa? Hôm qua mẹ đi qua làng nọ, nghe người ta kể chuyện có người mẹ bế con nhỏ bỏ đi. Cha già yếu hốt hoảng đi khắp nơi hỏi tìm con cháu mà không gặp được nhau. Nghe nói đến lúc mẹ con bế nhau quay về thì thấy nhà bỏ không. Người cha già không biết lang bạt tận nơi nào, còn có sức mà quay về không nữa”. Ông lặng đi vài giây vì thấy hình như rất giống chuyện của mình. Tính níu áo người ta để hỏi mà đò đã ra đến giữa sông. Ông mừng mừng, tủi tủi lập cập bắt xe quay lại quê nhà.
Điệp nằm ngoài võng ngủ với con. Mắt nhìn vời vợi vào khoảng nắng trước nhà. Điệp đang sống trong những ngày dằn vặt lương tâm. Mọi quyết định trong đời Điệp hình như đều sai lầm. Từ việc yêu và trao thân cho Lâm, đến việc bế Sim bỏ nhà đi mà không để lại bất cứ lời nhắn nhủ nào cho bố. Nhưng lần này Điệp nghĩ mình đã quyết định đúng khi không chạy đi tìm bố khắp nơi. Vì Điệp tin là bố sẽ trở về sớm thôi, sẽ hỏi ngay khi vừa bước chân vào đến cổng: “Sim của ông đâu rồi? Ra đây với ông nào. Ông cõng đi chơi”. Chỉ mới nghĩ đến đấy thôi, Điệp đã thấy rưng rưng hạnh phúc…
Theo VŨ THỊ HUYỀN TRANG (Sài Gòn Giải Phóng)