Chất lượng hàng đầu
Nghề rèn Phú Mỹ ra đời và phát triển gần 100 năm. Ngần ấy thời gian, các nghệ nhân, thợ chính của làng nghề không ngừng sáng tạo, nghiên cứu phát triển, hoàn thiện SP để phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ban đầu, SP chỉ là những lưỡi cuốc, lưỡi hái, chéc; cây xuổng, cây xẻng… để phục vụ việc đồng áng. Về sau, các nghệ nhân còn chế tác ra nhiều SP khác để phục vụ nhu cầu sinh hoạt như: dao, kéo, đục, cưa, kéo cắt kiểng, bàn nạo dừa... Từ nhà đến đồng ruộng, SP của nghề rèn Phú Mỹ đều đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng.
Hiện nay, nghề rèn nơi đây có trên 70 cơ sở sản xuất (SX) với trên 500 lao động, có trên 70 loại, được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong và ngoài nước. Tất cả SP đều được làm từ chất liệu thép, vì vậy ngoài độ sắc bén, SP có độ bền rất cao.
“Ngày xưa, tất cả các SP đều SX từ sắt, nay chất liệu đầu vào được thay thế bằng thép. Người ta đã mua lại các nhíp xe tải, đường ray xe lửa để làm ra những SP có độ sắc bén cao, trải qua bao thăng trầm, SP rèn ở đây tồn tại và phát triển” - ông Trương Văn Khanh (chủ vựa dao Trương Khanh) chia sẻ.
Những năm gần đây, để SP làm ra đẹp hơn, năng suất lao động cao hơn, nhiều cơ sở đã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào SX, mua sắm máy móc, thiết bị chuyên dùng như: máy dập, máy cắt thép, máy đóng dấu… Nhờ vậy mà năng suất lao động được nâng lên, hiệu quả kinh tế ngày càng cao.
“Một cái máy dập lưỡi làm thay cho 10 lao động. Trước đây, 2 người thợ đập bình quân mỗi giờ chỉ đập được 10 cái dao thì nay cũng trong thời gian đó, 1 máy làm được 100 cái dao. Những công đoạn nặng nhọc, giờ đây đã có máy móc đảm nhiệm, vì vậy năng suất và hiệu quả rất cao” - ông Phạm Văn Nét (ngụ ấp Trung 1, thị trấn Phú Mỹ) chia sẻ.
Mẫu mã đa dạng
Ngày 11-1-2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), ngày đó những người làm nghề rèn ở Phú Mỹ rất lo lắng, bởi từ đây hàng hóa của các nước bắt đầu tràn vào Việt Nam và không biết SP rèn của Phú Mỹ có cạnh tranh nổi với các SP đến từ các quốc gia: Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc. 10 năm qua, SP rèn Phú Mỹ đã trải qua bao thăng trầm bởi đặc tính “sính hàng ngoại” của người Việt. Và thực tế đã chứng minh, các SP được SX bằng chất liệu inox, tuy có đẹp nhưng không thay thế được các SP được làm bằng chất liệu thép, bởi độ bền và sắc bén.
“Đến bây giờ những người theo nghề rèn mới khẳng định, SP rèn Phú Mỹ có vị trí vững chắc trên thị trường cũng như trong tiềm thức của người tiêu dùng. SP từ các nước: Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc được làm từ chất liệu inox (dao, kéo) tuy đẹp nhưng giá cả chưa chắc cạnh tranh được SP làm bằng thép, vừa rẻ, vừa bén lại vừa bền của SP rèn Phú Mỹ”- chị Lê Thị Thanh Thúy (Phú Tân) chia sẻ.
Để tồn tại và phát triển, các chủ cơ sở rèn ở Phú Mỹ đã đa dạng hóa SP, ngoài SX vật dụng dùng trong gia đình, các cơ sở rèn còn SX nông cụ, dụng cụ phục vụ cho tất cả các ngành, nghề trong xã hội từ nghề thợ hồ, thợ may đến dụng cụ chế biến cá tra, basa, chế biến lương thực; đặc biệt là chế tác các dụng cụ phục vụ cho nông nghiệp đô thị như: nghề trồng kiểng, hoa lan, nuôi cá cảnh (đang phát triển mạnh tại các quốc gia trên thế giới).
Chiến lược này đã giúp cho SP rèn Phú Mỹ không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường và ngày càng vươn xa, “vượt qua” địa giới hành chính của quốc gia để phục vụ người tiêu dùng trên khắp thế giới, đặc biệt là người tiêu dùng ở các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển.
“Tôi ở Mỹ, mỗi lần về quê, tôi đều mua nhiều SP của rèn Phú Mỹ để đóng thùng chở về Mỹ tặng cho bà con Việt kiều. Ngoài công dụng sắc bén và bền, nó còn là một chút tình quê, nhớ lại kỷ niệm quê hương nên bà con người Việt mình rất quý trọng” - chị Trương Thị Mỹ Lệ (Việt kiều Mỹ) chia sẻ.
“Đối với những đất nước nông nghiệp, SP làm từ inox không thể thay thế được SP rèn Phú Mỹ, được làm bằng thép bởi giá bán của inox cao hơn thép nhưng độ sắc bén thì không bằng. Inox thường để SX các SP vật dụng dùng trong gia đình, còn thép ngoài SP dùng trong gia đình, còn được sử dụng để SX nông cụ phục vụ nông nghiệp như: cuốc, xuổng, leng, cây giặm lúa, lưới hái, dao...” - ông Đặng Văn Ruộng, Chủ cơ sở SX rèn Hai Ruộng khẳng định.
|
Bài, ảnh: MINH HIỂN