Mô hình từng bước giúp người dân thay đổi nhận thức, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa, hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đặc biệt, tạo ra sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn phục vụ thị trường xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
Trước đây, khâu gieo sạ, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chủ yếu sử dụng sức lao động chân tay là chủ yếu. Do đó, nguy cơ phơi nhiễm thuốc BVTV trong quá trình phun xịt ảnh hưởng đến sức khỏe người dân rất cao. Tập quán canh tác sử dụng lượng giống nhiều khá phổ biến, dẫn đến việc phải sử dụng nhiều phân bón hơn để nuôi chồi, dẫn đến việc chồi vô hiệu nhiều, tạo ra môi trường ẩm thấp, thuận lợi cho sâu bệnh phát triển, làm tăng chi phí sản xuất, gây tác động xấu đến môi trường (đất, nước, không khí,…).
Sự chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp từng bước thay đổi phương thức canh tác của nông dân. Trong đó, việc ứng dụng thiết bị sạ cụm trong gieo sạ lúa là tiền đề rất quan trọng, nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Mô hình “Ứng dụng tổng hợp tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa thương phẩm - trong đó ứng dụng thiết bị sạ cụm để gieo sạ” sử dụng giống HANA (Công ty Agimex Kitoku bao tiêu sản phẩm).
Sản xuất lúa thương phẩm ứng dụng tổng hợp tiến bộ kỹ thuật tăng lợi nhuận cho người nông dân
Mô hình thực hiện trên 50ha, bố trí 2ha đối chứng. Ruộng trình diễn 70kg/ha (sạ cụm), ruộng đối chứng 150kg/ha (sạ máy phun phân); thời gian thực hiện từ ngày 5/8 đến 15/11/2024. Hộ nông dân tham gia tự nguyện, nhiệt tình, chịu hợp tác, sẵn sàng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thực hiện tốt nội dung hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
Theo Trạm Khuyến nông huyện Thoại Sơn, tổng chi phí sản xuất của các ruộng mô hình trung bình khoảng 32 triệu đồng/ha, thấp hơn ruộng đối chứng khoảng 2,7 triệu đồng/ha. Ruộng mô hình gieo sạ lượng giống hợp lý bằng thiết bị sạ cụm, nên cây lúa phát triển đồng đều, năng suất cao hơn ruộng đối chứng từ 0,2 tấn/ha. Lợi nhuận thu được ở tất cả ruộng mô hình đều cao hơn so với ruộng đối chứng từ 3,3 - 5,5 triệu đồng/ha.
Nông dân Huỳnh Phước Hòa (ngụ ấp Tân Đông) chia sẻ: "Ruộng mô hình mật độ sạ hợp lý, lá ủ và chồi vô hiệu không nhiều. Khi có sâu bệnh xuất hiện thì việc phòng trừ hiệu quả khá cao, do thông thoáng, nên phát huy tối đa hiệu lực của thuốc BVTV. Trước khi được vận động tham gia mô hình, chúng tôi lo lắng, không biết hiệu quả thế nào, có giống cách mình gieo sạ truyền thống không. Sau khi thu hoạch lúa vụ thu đông, tôi và nhiều hộ dân trong tổ hợp tác rất phấn khởi: Giảm chi phí về giống, không phải tự mình phun thuốc, lợi nhuận tăng so với cấy sạ thông thường”.
Cùng ý kiến như ông Hòa, nông dân tham gia ruộng mô hình đều cho rằng, việc giảm lượng giống hợp lý kéo theo giảm lượng phân bón hóa học, giảm sử dụng thuốc BVTV, giảm ô nhiễm môi trường. Ruộng mô hình áp dụng triệt để tiến bộ kỹ thuật, như: Giảm giống, bón phân cân đối, quản lý dịch hại theo IPM... tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa phát triển. Bên cạnh đó, áp dụng kỹ thuật xử lý rơm rạ và quản lý nước hợp lý cũng góp phần giảm phát thải trong quá trình sản xuất lúa.
Ông Cao Vĩnh Thông, Phó Trưởng phòng Trồng trọt và Kiểm dịch thực vật (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang) nhận định: “Nông dân áp dụng triệt để kỹ thuật sản xuất lúa tiên tiến nên giảm đáng kể lượng giống gieo sạ, giảm chi phí sản xuất, tăng thêm lợi nhuận so với ngoài mô hình. Quá trình thực hiện cho thấy sự thay đổi tư duy sản xuất của nông dân bằng việc áp dụng biện pháp kỹ thuật để mang lại lợi nhuận cao nhất”.
Theo Trạm Khuyến nông huyện Thoại Sơn, cần thực hiện thêm nhiều mô hình tương tự tại địa phương khác, để người dân tiếp cận công nghệ mới, từng bước ứng dụng mạnh mẽ cơ giới hóa trong quá trình sản xuất lúa. |
PHƯƠNG LAN