Trong đó, Thủ tướng quy định rõ nhiệm vụ, nội dung cụ thể, phân công công việc cho các bộ ngành, địa phương để thực hiện tốt nhất nội dung nghị quyết và đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.
Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tiền lương Nhà nước, chủ trì tham mưu một số việc. Cụ thể là xây dựng tờ trình để báo cáo Bộ Chính trị các nội dung cụ thể về chế độ tiền lương mới. Đồng thời, nêu các tác động khi cải cách tiền lương đối với chính sách BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công, các trợ cấp xã hội.
"Đây là các báo cáo Bộ Nội vụ triển khai ngay, tập trung làm sớm để báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến. Đến nay, Bộ đã xây dựng hoàn tất tờ trình và đang hoàn tất hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền trước khi xin ý kiến Bộ Chính trị. Sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến sẽ là cơ sở cho các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Quốc hội để ban hành văn bản", bà Thu thông tin.
Sau khi có ý kiến Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ sẽ xây dựng nghị định ban hành chế độ tiền lương mới với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Từ các năm sau cũng phải xây dựng các nghị định điều chỉnh chính sách tiền lương theo Kết luận 64 của Hội nghị Trung ương 8 khóa 13.
Bộ Nội vụ cũng sẽ phối hợp các cơ quan để xây dựng những văn bản quy phạm về chế độ tiền lương mới.
Cụ thể, sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ ban hành Nghị định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan của Quốc hội, HĐND, các ngành Tòa án, Kiểm sát và Kiểm toán.
Bên Đảng sẽ có quyết định của Ban Bí thư về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ sẽ ban hành trên 10 thông tư để hướng dẫn triển khai thực hiện. "Chúng tôi hết sức cố gắng và đảm bảo tiến độ thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024", Quyền vụ trưởng Vụ Tiền lương Bộ Nội vụ Nguyễn Bích Thu nói.