(Ảnh minh họa)
TS Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, chiều cao trung bình của nữ giới tăng từ 152,3cm (năm 2000) lên 155,6cm (năm 2020); nam giới từ 162,3cm (năm 2000) lên 168,1cm (năm 2020).
Như vậy nữ Việt nam đã tăng 3,3cm trong 20 năm. Nam giới Việt Nam cao trung bình 162,3cm (năm 2000) đã tăng lên 168,1cm (2020).
Chiều cao trung bình của người Việt đang đứng thứ 4 khu vực ASEAN, xếp sau Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Theo TS Trần Đăng Khoa, Việt Nam rất cố gắng các can thiệp tăng chiều cao, kết quả cũng được cải thiện trong những năm qua, nhưng so với các quốc gia khác ở châu Á như Nhật Bản, chiều cao trung bình của người Việt còn thấp.
Để cải thiện chiều cao người Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em cho rằng cần quá trình lâu dài như bảo đảm dinh dưỡng, bổ sung vi chất, chăm sóc hệ gene...
Theo ông Khoa, trong can thiệp dinh dưỡng, Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em chú trọng đến các can thiệp chuyên môn, bảo đảm cân bằng dinh dưỡng, đặc biệt là cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng và các sản phẩm bổ sung các vi chất để tăng cường cải thiện chiều cao kết hợp lồng ghép vận động thể lực, sinh hoạt một cách khoa học. Như vậy, mới có thể cải thiện được chiều cao nhiều hơn trong những năm tới.
Một chuyên gia khác về dinh dưỡng cũng bày tỏ, để cải thiện chiều cao của người Việt, điều quan trọng là can thiệp dinh dưỡng hợp lý theo chu kỳ vòng đời.
Cụ thể, khi mang thai, người mẹ cần được bổ sung đủ chất, đủ dinh dưỡng, đa dạng để không sinh ra trẻ nhẹ cân, thấp còi. Tiếp theo là nuôi dưỡng trẻ thật tốt trong ba năm đầu đời, trẻ được bú sữa mẹ sớm và hoàn toàn trong sáu tháng đầu, chế độ dinh dưỡng hợp lý, ít mắc bệnh.
Theo TRẦN LAM (Nhân Dân)