Sau xáo trộn, học sinh đổi chiến thuật ôn thi

27/04/2020 - 09:18

Những thay đổi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT khi gần hết năm học lớp 12 kéo theo những xáo trộn trong việc ôn thi của học sinh cuối cấp. Để sẵn sàng cho mọi tình huống xảy ra, các em đang tính toán đổi chiến thuật ôn luyện.

Nguyễn Minh Phương (lớp 12A2, Trường THPT Ngô Quyền) cho hay em được biết năm nay kỳ thi THPT quốc gia sẽ không diễn ra mà thay vào đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục đích xét tốt nghiệp.

Phương chia sẻ do mục tiêu của kỳ thi là xét tốt nghiệp nên em bớt áp lực đi một chút. Nhưng đối với em, mức độ quan trọng của kỳ thi không giảm bởi không chỉ là tấm bằng tốt nghiệp THPT mà có thể các trường đại học vẫn lấy kết quả của nó để xét tuyển vào ĐH, CĐ.

“Em vẫn coi trọng nhưng vì tính chất của kỳ thi nên em không cảm thấy quá áp lực về mục tiêu như kỳ thi THPT quốc gia các năm trước. Bởi bên cạnh kỳ thi này, một số trường đại học đã công bố tổ chức các kỳ thi riêng khác để tuyển sinh năm nay. Do đó cơ hội mở ra nhiều hơn”.

Sau xáo trộn, học sinh đổi chiến thuật ôn thi

Sau hồi nháo nhào vì xáo trộn, nhiều học sinh đang thay đổi chiến thuật ôn thi để sẵn sàng cho mọi tình huống. 

Phương cho hay, đầu năm học này, em vẫn định hướng ôn thi theo ban D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh) và D01 (Toán, Văn, Anh) khi chưa có thông tin kỳ thi THPT quốc gia bị hủy bỏ.

Nhưng với phương án mới của Bộ GD-ĐT đưa ra khi tổ chức thay thế bằng kỳ thi tốt nghiệp THPT, Phương lo tổ hợp D07 có thể sẽ “biến” môn Hóa thành bài thi Khoa học Tự nhiên. “Nếu vậy em sẽ phải ôn thi thêm môn Vật lý và Sinh học, trong khi khoảng thời gian còn lại đến lúc thi khá ngắn. Do vậy nếu với trường không tổ chức thi riêng, em tính sẽ chuyển sang ôn, thi và dự tuyển bằng tổ hợp D01. Như vậy thay vì phải ôn chuyên sâu cả 2 môn Vật lý và Sinh học em sẽ chỉ cần tập trung vào môn Văn và tập trung hết vào tổ hợp D01.

Điều khiến Minh Phương  thở phào bớt đi phần nào nỗi lo là mới đây, Trường ĐH Ngoại thương – một trong những nguyện vọng ưu tiên hàng đầu của em đã công bố phương án tuyển sinh có phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi riêng do trường tổ chức. Theo đó, trường có tổ chức các bài thi Toán, Văn và Hóa riêng để cho các thí sinh dự tuyển theo tổ hợp D07 không phải thi thêm 2 môn Vật lý và Sinh học.

Cũng chính vì vậy, Phương cho hay em xác định không cần ôn tập quá nhiều cho bài thi tổng hợp Khoa học tự nhiên ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mà ở kỳ thi này, em sẽ tập trung nhiều hơn cho 3 môn Toán, Văn, Anh – có thể phục vụ cho xét tuyển khối D01.

Tuy nhiên, Phương cho hay vẫn sẽ tập trung ôn và làm bài thi tổng hợp Khoa học Tự nhiên tốt nhất có thể để có thể xét tuyển vào các nguyện vọng của các trường khác nếu cần.

“Việc ôn tập của em sẽ không bớt đi nhưng áp lực với kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ hơn”.

Phương cho hay, lo lắng là tâm trạng của không chỉ em mà với nhiều bạn trong lớp. “Việc công bố kỳ thi tốt nghiệp THPT với các bài thi tổng hợp 3 môn chỉ tính chung một đầu điểm mà không phân ra từng môn đã tạo ra một áp lực rất lớn với chúng em. Bởi trước nay chúng em vẫn nghĩ và ôn theo các tổ hợp như truyền thống. Không phải học lệch nhưng rõ ràng có sự đầu tư nhất định cho môn học phù hợp cho tổ hợp xét tuyển mình hướng đến. Giờ đây, chúng em sẽ phải cố gắng các môn khác nữa trong bài thi tổng hợp để có mức điểm đồng đều, tránh chuyện bị kéo điểm xuống bởi những môn không được đầu tư”.

Phương cho hay, các bạn lớp em cũng đang đau đầu xác định lại xem tổ hợp mình nên thi là như thế nào bởi còn phụ thuộc vào số lượng môn, từ đó có hướng ôn tập. Song song đó, còn phải ngóng phương án tuyển sinh riêng của từng trường đại học công bố.

Để “một công đi thi”, ngoài Ngoại thương, Phương cũng tính sẽ đăng ký nguyện vọng vào ĐHQG Hà Nội bởi 2 trường này cùng tổ chức và công nhận kết quả 1 kỳ thi chung.

Không thuận lợi như Phương, vốn trước đây xác định dự tuyển ĐH bằng tổ hợp khối A (Toán, Lý, Hóa), những ngày này, Đinh Văn Ngọc (học sinh lớp 12 tại Nghệ An) đang cuống cuồng ôn luyện môn Sinh bởi một thời gian chỉ học môn này kiểu cầm chừng vượt tốt nghiệp. Ngọc lo lắng vì tính đăng ký vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân, trong khi mới đây trường này công bố xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. “Bộ GD-ĐT cho hay bài thi tổng hợp Khoa học tự nhiên sẽ chỉ tính chung 1 đầu điểm và không chia ra điểm thành phần từng môn như trước kia. Như vậy có thể trường sẽ lấy cả điểm bài thi Khoa học tự nhiên để xét. Để điểm chung không bị kéo xuống, em tính phải học thêm môn Sinh nhiều hơn”.

Ngọc cho hay, không chỉ em mà nhiều bạn trong lớp cũng đang phải “thay đổi chiến thuật” trong việc ôn thi các môn.

Sau xáo trộn, học sinh đổi chiến thuật ôn thi

Đặt mục tiêu vào Trường ĐH Y Hà Nội, Nguyễn Duy Hưng (học sinh lớp 12A3 Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng bồn chồn bởi giờ đây vào cảnh “không biết đường nào mà lần” bởi các trường y chưa công bố phương án xét tuyển.

Hưng lo bởi từ khi vào lớp 10 em đã đầu tư học nhiều về Toán, Hóa và Sinh, nhưng không mấy tự tin với môn Vật lý. Trước đây các trường sử dụng điểm 3 môn Toán, Hóa, Sinh ở kỳ thi THPT quốc gia để xét thì nay sẽ ra sao khi kỳ thi tốt nghiệp THPT gộp 3 môn (Hóa, Lý, Sinh) vào 1 đầu điểm.

“Như vậy nếu giờ em học kém môn Lý thì sẽ bị kéo điểm chung, dù có thể Toán và Hóa của em rất tốt. Giả sử các trường khối y dược lấy điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển thì em sẽ rất thiệt thòi”, Hưng nói.

Nhưng để sẵn sàng cho mọi tình huống xảy ra, ngoài việc ôn 3 môn Toán, Hóa, Sinh như bình thường, hiện Hưng đã phải sắp xếp lại thời gian ôn thêm cho môn Vật lý. Công thức học thêm “Toán 3 buổi, Sinh 4 buổi và Hóa 2 buổi” mỗi tuần của Hưng vừa được bổ sung bằng việc đăng ký mấy khóa học trên mạng về những kiến thức cơ bản của môn Vật lý. “Nếu trong trường hợp xấu nhất, các trường y dùng kết quả bài thi Khoa học tự nhiên thì em còn có một số điểm môn Vật lý nhất định để kéo điểm chung. Giờ phải dốc sức học bởi trước đây em tính toán chỉ cần qua mức điểm liệt là được”.

Hiện, Vật lý và Sinh học được Hưng chia đều ra học mỗi tối. Mỗi môn một tiếng rưỡi, sau đó mới đến Toán và Hóa học – 2 môn học tốt hơn và tạm coi thứ yếu.

“Giờ đây phải ôn thêm môn Vật lý trong thời gian chưa có phương án tuyển sinh từ các trường nên đành chấp nhận cắt giảm thời gian của 3 môn kia”, Hưng chia sẻ về khó khăn về mặt thời gian và sức lực.  

Theo Hưng, trong nhóm chát của lớp mấy ngày này cũng nháo nhào cả lên vì chuyện tổ hợp xét tuyển. “Em thì chỉ phải học thêm môn Vật lý, nhưng một số bạn trước nay học theo tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh) thì nay đang lo phải học thêm cả môn Hóa và Sinh bởi trong cùng một bài thi tổng hợp với môn Lý”.

Hưng cũng bày tỏ mong muốn các trường y dược cũng như các trường đại học khác sớm công bố phương án tuyển sinh để các học sinh như em sớm định hình được kế hoạch và chủ động trong ôn tập.

Theo THANH HÙNG (Vietnamnet)