Sẻ chia với doanh nghiệp, người lao động

02/04/2020 - 06:51

 - Thể hiện vai trò công đoàn dành cho đoàn viên, người lao động (NLĐ), Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh An Giang tiếp tục triển khai những hoạt động khẩn trương, góp phần chia sẻ với doanh nghiệp (DN), NLĐ và các địa phương trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Sẻ chia với doanh nghiệp, người lao động

Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ vật tư, nhu yếu phẩm cho chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thiện Phú cho biết, trước tình hình khó khăn của các DN trong tỉnh và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã ban hành công văn phát động cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, NLĐ trong toàn tỉnh tham gia đóng góp tối thiểu 1 ngày lương để ủng hộ quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và hỗ trợ nhân dân đang bị ảnh hưởng do hạn hán gây ra.

Tùy theo điều kiện, khả năng và lòng hảo tâm, công đoàn vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, NLĐ nhắn tin hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-l9” qua Tổng đài 1407 (soạn tin CV n gửi 1407, trong đó n là số lần ủng hộ 20.000 đồng). Ngoài ra, tích cực tham gia, hưởng ứng các hoạt động khác do chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phát động.

Công đoàn tỉnh đã xuất quỹ Xã hội Công đoàn 300 triệu đồng mua 25.000 khẩu trang kháng khuẩn, gần 2.000 chai nước/gel rửa tay diệt khuẩn và một số nhu yếu phẩm thiết yếu để hỗ trợ bà con nhân dân và đội ngũ cán bộ địa phương tại các khu vực cách ly ở các huyện, thị xã, thành phố; cán bộ, chiến sĩ các lực lượng quân sự, biên phòng đang làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới; nghiệp đoàn, công nhân lao động tại các DN đang gặp khó khăn.

Qua đó, đã trao tặng các phần quà cho 6.935 đoàn viên, công nhân lao động tại các DN thủy sản; 1.877 NLĐ đang cách ly y tế tập trung ở các huyện; 397 cán bộ phục vụ các khu vực cách ly và 400 chiến sĩ bộ đội biên phòng đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương biên giới và lực lượng y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch.

Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh còn trực tiếp trợ cấp khó khăn đột xuất cho 31 giáo viên các trường mầm non, mẫu giáo tư thục tại TP. Long Xuyên và huyện An Phú có hoàn cảnh khó khăn, bị mất thu nhập do ảnh hưởng dịch bệnh đã ngưng hoạt động, mức trợ cấp từ 800.000-1.000.000 đồng/người.

Bên cạnh công tác tuyên truyền vận động, LĐLĐ tỉnh còn chỉ đạo các cấp công đoàn thực hiện nhiều việc làm thiết thực như: chủ động phối hợp ngành chức năng khảo sát tình hình hoạt động, DN tạm dừng hoạt động, giảm lao động, NLĐ bị mất việc làm, thực hiện chế độ tiền lương thôi việc hoặc giảm giờ làm cho NLĐ ở các DN, các cơ sở giáo dục ngoài công lập (có tổ chức công đoàn hay chưa có tổ chức công đoàn) để kiến nghị chủ DN thực hiện theo quy định của pháp luật và tình hình thực tế của DN.

Thông tin, tuyên truyền, động viên NLĐ thấu hiểu khó khăn của DN để chia sẻ, đồng thuận. Từ đó, công đoàn tập hợp báo cáo, đề xuất với cấp ủy, chính quyền có những chủ trương, chỉ đạo phù hợp để đảm bảo hài hòa quyền lợi của NLĐ và DN, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Một số công đoàn cơ sở và công đoàn cấp huyện vận động nhà hảo tâm hỗ trợ thực phẩm để phục vụ các bếp ăn tập thể ở khu cách ly y tế tập trung; hỗ trợ tiền, vải, ngày công lao động và tổ chức cho cán bộ, đoàn viên may gần 10.000 khẩu trang vải tặng đoàn viên, quần chúng nhân dân có hoàn cảnh khó khăn; pha chế nước rửa tay diệt khuẩn hỗ trợ cho nhân dân và công nhân lao động...

Những hoạt động nói trên nhằm thể hiện vai trò của tổ chức công đoàn cùng chung tay, góp sức với hệ thống chính trị, nhân dân, các DN trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đồng hành, chia sẻ một phần những khó khăn của các DN và NLĐ để cố gắng ổn định sản xuất và việc làm, góp phần thực hiện các mục tiêu như chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh là: vừa  tập trung thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, vừa lo nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

MỸ HẠNH

Liên quan đến Chỉ thị số 15 về việc thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và mới đây là Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, những ngày qua, nhiều người lao động thắc mắc: “Lao động ở các doanh nghiệp, công ty phải thực hiện ra sao?”. PGS.TS Trần Đắc Phu (Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện công cộng y tế Việt Nam) trả lời truyền thông: Chỉ thị nói rất rõ, yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết, như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu… Và mọi người vẫn có thể làm việc trong nhà máy, các cơ sở sản xuất - kinh doanh để sản xuất những sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt. Cần phải có “dây chuyền khép kín” phòng bệnh từ chỗ đi làm tới chỗ làm, sắp xếp hợp lý và áp dụng các biện pháp phòng bệnh trong quá trình sản xuất - kinh doanh.