Số ca mắc COVID-19 toàn thế giới áp sát mốc 260 triệu ca

26/11/2021 - 07:38

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 22h ngày 25-11 (giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có 259.991.605 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.196.413 ca tử vong. Số ca hồi phục là trên 235,05 triệu ca và vẫn còn trên 19,7 triệu ca đang được điều trị.

Một học sinh trên 12 tuổi đang được nhân viên tiêm tại bệnh viện Setthathirath, thủ đô Vientiane, Lào. Ảnh: Phạm Kiên/Pv TTXVN tại Lào

Tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Lào ngày 25-11 ghi nhận 1.504 ca mắc mới COVID-19 và 1 ca tử vong. Đây là số ca mắc mới COVID-19 cao nhất từ trước tới nay trong một ngày được ghi nhận tại nước này. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 67.322 ca, trong đó có 143 người tử vong. Trước tình hình trên, nhằm thúc đẩy chương trình tiêm chủng để sớm mở cửa trở lại đất nước, Lào vừa phê duyệt thêm vaccine tiêm một mũi duy nhất Sputnik Light của Nga.

Số ca mắc COVID-19 tại Campuchia đã tăng lên 120.009 ca sau khi nước này ngày 25-11 ghi nhận 32 ca mắc mới. Trong số các ca mắc mới có 25 ca lây nhiễm trong nước và 7 ca nhập cảnh. Ngoài ra, Campuchia cũng ghi nhận thêm 4 ca tử vong, nâng số trường hợp không qua khỏi vì COVID-19 lên 2.918 ca. Các tỉnh Campuchia giáp biên giới với Việt Nam, Thái Lan và Lào đang đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa những trường hợp khách nhập cảnh mắc COVID-19 vào thời điểm các quốc gia láng giềng của Campuchia đang đối mặt với tỷ lệ lây nhiễm cao. 

Thái Lan ghi nhận thêm 6.335 ca mắc mới cùng 37 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc từ đầu dịch lên 2.088.327 ca, trong đó có 20.581 người không qua khỏi. Bộ Y tế Thái Lan đã ký hợp đồng mua 50.000 liệu trình thuốc Molnupiravir (tương đương 2 triệu viên) dùng để điều trị COVID-19.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho rằng với tỷ lệ tiêm chủng phòng COVID-19 thuộc hàng cao nhất thế giới và mức độ miễn dịch tự nhiên ngày càng tăng, Singapore sẽ tránh được nguy cơ tái bùng phát dịch như ở châu Âu và Mỹ, cho dù dự kiến một làn sóng lây nhiễm.

Hiện Singapore ghi nhận trung bình khoảng 1.500 ca nhiễm mới/ngày, tăng mạnh từ mức hai con số vào đầu năm nay, nhưng vẫn thấp hơn mức đỉnh trên 4.500 ca ghi nhận tháng trước. Tuy nhiên, khoảng 85% dân số Singapore đã tiêm phòng đầy đủ ngừa COVID-19 và Singapore là quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng cao thứ ba trên thế giới.

Người dân đăng ký thông tin tại điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Lyon, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Châu Âu tiếp tục "quay cuồng" với làn sóng dịch mới COVID-19 với số ca mắc tăng mạnh trong bối cảnh thời tiết mùa đông lạnh giá tạo điều kiện thuận lợi cho virus lây lan. Số liệu tổng hợp của hãng tin AFP (Pháp) công bố ngày 25-11 cho thấy số ca tử vong vì đại dịch COVID-19 tại châu Âu đã tăng lên hơn 1,5 triệu người kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại châu lục này.

Hiện số ca tử vong vì COVID-19 tại Đức tính đến ngày 25-11 đã vượt qua mốc 100.000 ca, trong khi số ca nhiễm mới theo ngày tiếp tục tăng ở mức cao đã đặt ra thách thức đối với chính phủ mới của nước này. Với 75.961 ca mắc mới được ghi nhận, các bệnh viện tại một số khu vực, đặc biệt là ở miền Đông và Nam nước Đức, đang có nguy cơ quá tải.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới tại Hà Lan đã tăng ở mức cao kỷ lục với 23.709 ca mắc mới ghi nhận vào ngày 24-11. Hiện tổng số ca bệnh tại Hà Lan đã tăng lên hơn 2,5 triệu người trong đó hơn 19.000 ca tử vong. Một số bệnh viện tại Hà Lan đã rơi vào tình trạng quá tải, phải tạm ngừng hoạt động điều trị và cấy ghép nội tạng để tập trung giường chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân COVID-19. Trước bối cảnh số ca nhiễm mới tiếp tục tăng ở mức cao, Hà Lan dự kiến sẽ thông báo các biện pháp phong tỏa mới vào ngày 26-11.

Trong nỗ lực khống chế đà lây lan của làn sóng thứ 5 dịch COVID-19 đang có nguy cơ đe dọa đà phục hồi kinh tế, ngày 25-11, Pháp thông báo sẽ triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường cho tất cả người trưởng thành, đồng thời siết chặt các quy định về đeo khẩu trang và kiểm tra thẻ thông hành. Theo đó, mọi người dân từ 18 tuổi trở lên sẽ đủ điều kiện để tiêm mũi vaccine tăng cường và khoảng thời gian từ khi tiêm đủ liều đến các mũi tiêm nhắc lại sẽ được rút ngắn xuống còn 5 tháng thay vì 6 tháng. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cũng cho biết sẽ yêu cầu Cơ quan cố vấn y tế của Pháp Haute Autorite de Sante (HAS) và ủy ban y đức xem xét khả năng tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.

Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN

Liên quan đến tiêm chủng cho trẻ em, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 25-11 đã phê chuẩn việc sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech để tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 5-11, mở đường cho việc Liên minh châu Âu (EU) thông qua loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên dành cho trẻ trong độ tuổi này, trong bối cảnh các nước trong khối đang đối phó với làn sóng lây nhiễm ngày một tăng. Trước đó, Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã khuyến nghị tiêm mũi tăng cường vaccine cho tất cả người trưởng thành, trong đó ưu tiên những người trên 40 tuổi.

Tại châu Mỹ, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo khu vực Bắc Mỹ có thể đối mặt với sự tái bùng phát của dịch COVID-19 như châu Âu trong bối cảnh số ca mắc mới tại châu Mỹ tăng 23% trong tuần trước, chủ yếu tập trung tại Mỹ và Canada.Trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ cuối năm và kỳ nghỉ Hè tại khu vực Nam Bán cầu sắp đến gần, người đứng đầu PAHO hối thúc người dân tuân thủ nghiêm ngặt việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Tembisa, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Phi, các nhà khoa học ở Nam Phi thông báo đã phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với nhiều đột biến, cho rằng đây có thể là nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tại nước này tăng mạnh. Các nhà khoa học lo ngại biến thể có tên B.1.1.529 này có thể tránh được phản ứng miễn dịch của cơ thể và có khả năng lây nhiễm cao. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tại Nam Phi tăng mạnh trong thời gian gần đây. Trong ngày 24-11, Nam Phi ghi nhận hơn 1.200 ca mắc mới COVID-19, gấp tới 12 lần so với mức khoảng 100 ca/ngày được ghi nhận hồi đầu tháng này.

Theo PHƯƠNG OANH (TTXVN)