Sở Khoa học và Công nghệ An Giang tích cực hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ

21/08/2023 - 06:40

 - Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ An Giang (KH&CN) đã tích cực hỗ trợ nhiều sản phẩm chủ lực địa phương sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ, giúp người tiêu dùng biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể trên thị trường trong và ngoài nước.

Giai đoạn 2019 - 2023, Sở KH&CN An Giang đã hướng dẫn hồ sơ, thủ tục đăng ký 6 sáng chế, 3 kiểu dáng công nghiệp, 3 giải pháp hữu ích, 160 nhãn hiệu cá thể, 3 nhãn hiệu tập thể, gia hạn 9 nhãn hiệu, sửa đổi địa chỉ 1 văn bằng bảo hộ, giải trình việc đóng phí cấp văn bằng bảo hộ muộn 1 nhãn hiệu, đăng ký cấp lại giấy chứng nhận và sửa đổi địa chỉ 1 nhãn hiệu, đề nghị hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký 1 nhãn hiệu.

Triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh An Giang, Sở KH&CN đã hỗ trợ chi phí đăng ký bảo hộ 2 sáng chế, 54 nhãn hiệu, 4 kiểu dáng công nghiệp; thanh lý 2 hợp đồng đăng ký nhãn hiệu tập thể; hỗ trợ thay đổi mẫu mã, kiểu dáng bao bì đối với sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cho 1 tổ chức.

Thực hiện Quyết định 1607/QĐ-UBND, ngày 13/6/2016 của UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch xây dựng nhãn hiệu chứng nhận An Giang cho các sản phẩm nông nghiệp tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030, Sở KH&CN đã triển khai lắp đặt 4 bảng pa-nô quảng bá nhãn hiệu chứng nhận An Giang tại TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và các huyện Châu Thành, Chợ Mới; trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận An Giang cho 34 tổ chức, doanh nghiệp (DN), cơ sở và cấp 195.000 tem nhãn hiệu chứng nhận An Giang cho các cơ sở đã được cấp quyền sử dụng.

Bưởi da xanh Hùng Hạnh tiêu thụ tốt tại các kỳ hội chợ, phiên chợ xúc tiến thương mại

Tiêu biểu như Hộ kinh doanh mua bán lúa gạo và lúa giống Hùng Hạnh (huyện Thoại Sơn) đã được Sở KH&CN hướng dẫn hồ sơ, thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ, được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 0415086, ngày 22/3/2022 cho nhãn hiệu “Đặc sản miền Tây bưởi da xanh Hùng Hạnh Farm”.

Đồng thời, đã trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận An Giang đối với sản phẩm bưởi da xanh tại Quyết định 227/QĐ-SKHCN, ngày 28/8/2020, được Sở KH&CN An Giang hỗ trợ tem nhãn hiệu chứng nhận An Giang dán trên bao bì sản phẩm.

“Sản phẩm bưởi da xanh còn được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, được Sở KH&CN hỗ trợ thay đổi mẫu mã, kiểu dáng bao bì, góp phần nâng cao giá trị. Qua đó, hoàn thiện sản phẩm, tạo dấu ấn, thu hút, hấp dẫn khách hàng hơn, góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP của tỉnh. Nhờ đó, 5,3ha trồng bưởi da xanh theo hướng VietGAP của gia đình được tiêu thụ tốt, nâng cao lòng tin của khách hàng, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm của DN” - bà Lê Thị Hạnh (Hộ kinh doanh mua bán lúa gạo và lúa giống Hùng Hạnh) chia sẻ.

Thời gian tới, Sở KH&CN An Giang sẽ tăng cường công tác tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân về tài sản trí tuệ, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh An Giang; kế hoạch đẩy mạnh phát triển nhãn hiệu chứng nhận An Giang đối với sản phẩm nông nghiệp đã được bảo hộ và một số sản phẩm có tiềm năng của tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; nhãn hiệu chứng nhận An Giang.

Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, tổ chức sản xuất - kinh doanh sản phẩm nông nghiệp về việc quản lý, khai thác, phát triển nhãn hiệu để nâng cao nhận thức, tạo sự lan tỏa, đồng thuận và chủ động tham gia. Từ đó, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho địa phương.

Đồng thời, tiếp tục nâng cao nhận thức xã hội về tài sản trí tuệ, vai trò của sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế về tài sản trí tuệ. Tỉnh thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng kết quả nghiên cứu và tăng cường hiệu quả bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ của DN, tổ chức, cá nhân; hỗ trợ hoạt động kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, phát triển sản phẩm chủ lực, đặc thù địa phương được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo chuỗi giá trị.

Sở KH&CN An Giang tiếp tục triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ; hướng dẫn đăng ký và hỗ trợ chi phí cho sản phẩm, dịch vụ của DN đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Đồng thời, kết hợp triển khai phát triển nhãn hiệu chứng nhận An Giang trở thành dấu hiệu để người tiêu dùng trên thị trường nhận biết nguồn gốc đây là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Quan tâm xúc tiến các sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “AN GIANG” vào các siêu thị; rà soát và đăng ký bổ sung các sản phẩm có tiềm năng phát triển của tỉnh; đẩy mạnh hoạt động đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và cách thức ghi nhãn đúng với quy định.

Tiếp tục hỗ trợ chi phí thay đổi mẫu mã, kiểu dáng của bao bì cho sản phẩm OCOP của tỉnh, nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nâng cao giá trị sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP hoàn thiện sản phẩm, tạo dấu ấn, thu hút, hấp dẫn khách hàng hơn, góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “AN GIANG” và nhãn hiệu OCOP.

HẠNH CHÂU