Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang Trương Kiến Thọ, công tác quản lý rác thải sinh hoạt đã và đang được Nhà nước và chính quyền địa phương các cấp tập trung thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng môi trường và hướng đến thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên diện rộng đến ngày 31/12/2024 theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Mặc dù công tác tuyên truyền về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân đạt nhiều kết quả, nhưng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khá lớn; việc thu gom, xử lý đã tổ chức thành mạng lưới, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của người dân.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, mỗi ngày, toàn tỉnh phát sinh 1.220 tấn chất thải rắn sinh hoạt, mới thu gom và xử lý trên 920 tấn. Lượng chất thải rắn phát sinh chưa được thu gom, xử lý theo quy định sẽ gây áp lực đến môi trường sinh thái, cảnh quan, sức khỏe và dễ phát sinh các phản ánh của người dân.
Để đảm bảo xử lý lượng chất thải rắn sinh hoạt mới trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh An Giang có chủ trương kêu gọi đầu tư xây dựng 2 dự án Nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt (tổng công suất 1.200 tấn/ngày). Đồng thời, để đảm bảo xử lý lượng rác phát sinh mới của TX. Tân Châu và huyện An Phú trong khi chờ xây dựng nhà máy, UBND tỉnh An Giang giao huyện Phú Tân đầu tư xây dựng ô số 2 ở bãi rác Phú Thạnh (150 tấn/ngày).
Trong thời gian chờ xây dựng các nhà máy xử lý, để đảm bảo xử lý lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mới, UBND tỉnh An Giang đã giao các địa phương (huyện Tri Tôn, huyện An Phú, TX. Tịnh Biên, TP. Châu Đốc) có giải pháp xử lý rác thải của từng địa phương. Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ thức hiện dự án đóng cửa, xử lý triệt để 29 bãi rác, tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư...
Tin, ảnh: HỮU HUYNH