Sống khác biệt để tốt hơn

13/03/2019 - 07:28

 - Phong cách sống của giới trẻ hiện nay có quan niệm cần phải sống hay làm một cái gì đó khác biệt với cộng đồng. Thay vì chạy theo những trào lưu sống khác biệt mang tính bốc đồng, khẳng định mình theo hướng tiêu cực, một số bạn trẻ đã chọn cách sống khác biệt theo hướng tích cực, để bản thân là một minh chứng làm lan tỏa những điều tốt đẹp nhằm xây dựng xã hội ngày càng tốt hơn.

Trên các trang mạng xã hội, giới trẻ đã không xa lạ với những trò “câu like” bằng cách tạo nên sự khác biệt. Đó là các trò “thử một ngày là động vật” để ăn thức ăn của chó cưng, mèo cưng và sống trong chuồng để trải nghiệm cảm giác mới lạ, hay trò thử thách ăn nhiều món ăn nhất, trò phỏng vấn dạo để tạo nên những video clip mang tính chất nhạy cảm như chuyện giường chiếu của giới trẻ… Những điều khác biệt mang tính lập dị này dường như là hậu quả của những bế tắc trong lối sống của giới trẻ hiện nay.

Trong một đề thi Ngữ văn của học sinh lớp 10 do Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh ra đề đã đề cập đến vấn đề “Tuổi trẻ có cần sống khác biệt?” như một sự nhắc nhở tuổi trẻ là những người tràn đầy sức sống, nhiệt huyết, ước mơ… Tuổi trẻ cần sống khác biệt bởi khi còn trẻ, có những suy nghĩ độc lập, táo bạo, thể hiện được cá tính của bản thân. “Tuổi trẻ cần sống khác biệt” nhưng không vì thế mà cho phép bản thân được sống tự do, vượt ngoài những quy chuẩn về đạo đức và thuần phong mỹ tục. Đôi khi trong những trào lưu, lối sống tiêu cực của cả đám đông cũng cần những người can đảm sống khác biệt.

Sống khác biệt theo hướng tích cực để xã hội tốt đẹp hơn

Một bà mẹ trẻ chia sẻ: “Mình có đứa con  4 tuổi, khi đi học bé được cô giáo hướng dẫn không được vứt rác bừa bãi để giữ vệ sinh môi trường. Cứ thế, hộp sữa, vỏ bánh bé đều cho vào cặp, khi thấy thùng rác mới để vào. Lúc ra đường hay thắc mắc tại sao người ta lại xả rác nhiều đến vậy, đi chợ cùng mẹ thì hỏi sao mẹ không dùng túi giấy thay thế túi ny-lon để bảo vệ môi trường? Nghe lời bé, tôi đã dùng túi vải tái sử dụng nhiều lần để đi chợ. Dù người bán tỏ vẻ khó chịu trước hành động lạ và thấy khó khăn cho việc để nhiều loại rau, củ cùng một giỏ nhưng với sự quyết tâm thay đổi, mọi người cũng dần quen với cách mua hàng của tôi. Vậy đó, sống khác biệt chút thì những điều đơn giản chúng ta sẽ tạo nên sự khác biệt lớn dần cho xã hội”.

Sống khác biệt không có nghĩa là buồn chán hơn khi tách rời đám đông, mà là dịp để tìm lại chính mình và tăng sự kết nối với thực tại. Đó là cảm nhận tuyệt vời của bạn Hoàng Anh (một công chức nhà nước, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) khi nhận thấy 3 ngày không sử dụng điện thoại, zalo, facebook mỗi khi về quê thăm ba mẹ và cũng không phải canh cánh nỗi lo cảnh đứa con nhỏ nghiện điện thoại như trước đây. Sống khác hơn khi mạnh dạn từ chối bia, rượu từ lời mời của bạn bè, các quy tắc “bất thành văn” phải bàn công việc trên bàn nhậu đã giúp anh Nhân (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) cải thiện được sức khỏe. Anh Nhân chia sẻ: “Những dịp lễ, Tết sao người ta cứ nâng lý chúc sức khỏe, không nghĩ đến việc uống rượu, bia là đang tàn phá sức khỏe của mình mỗi ngày, biết là mâu thuẫn mà mình không mạnh dạn thay đổi thì sẽ ở trong cái vòng luẩn quẩn dùng sức khỏe để kiếm tiền và dùng tiền để tìm kiếm lại sức khỏe”.

Tương tự, những thay đổi trong phong cách sống của một bộ phận người dân cũng mang lại những điều tích cực cho xã hội. Chẳng hạn, không chuộng giá rẻ để người sản xuất làm hàng gian, hàng giả, sử dụng thực phẩm bẩn, không chạy theo trào lưu hưởng thụ quá mức như: ăn nhậu quá đà, ca hát nhiều giờ làm ảnh hưởng hàng xóm; tiết giảm trong tổ chức đám tiệc, cưới xin; xây dựng lối sống thân thiện trong cộng đồng, gần gũi, hòa đồng với thiên nhiên, hạn chế chạy theo những trào lưu vô bổ trong thế giới ảo, chỉ sử dụng điện thoại thông minh trong công việc và hơn hết là tận dụng mạng xã hội để chia sẻ những điều tốt đẹp, những khác biệt của bản thân để tạo nên hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG