Trong một hội thảo diễn ra vào ngày 9/6, Phó Chủ tịch nhóm nghiên cứu của SpaceX cho biết, công ty đang đàm phán với một số hãng hàng không để cung cấp dịch vụ internet trên các chuyến bay thương mại trong thời gian tới.
SpaceX sẽ cung cấp Wi-Fi trên máy bay
Việc mở rộng các dịch vụ internet vệ tinh do chùm vệ tinh Starlink cung cấp cho các hộ gia đình ở khu vực nông thôn, vùng sau vùng xa và các hãng hàng không là một động thái được mong đợi của công ty vũ trụ của tỷ phú Elon Musk khi công ty này đang chạy đua để triển khai thương mại dịch vụ internet băng rộng vệ tinh vào cuối năm nay.
Liên quan đến vấn đề này, ông Jonathan Hofeller - Phó Chủ tịch phụ trách bán hàng thương mại của SpaceX nói: “Chúng tôi đang đàm phán với một số hãng hàng không. Chúng tôi đang phát triển sản phẩm hàng không của riêng mình… chúng tôi đã thực hiện một số cuộc thử nghiệm và đang tìm cách hoàn thiện sản phẩm đó để đưa lên máy bay trong tương lai gần”.
Kể từ năm 2018 đến nay, SpaceX đã phóng gần 1.800 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo tầm thấp trong số khoảng 4.400 vệ tinh mà công ty cần có để cung cấp internet băng rộng trên phạm vi toàn cầu, trong đó chủ yếu dành cho các hộ gia đình ở khu vực nông thôn nơi không có cáp quang.
Công ty hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm dịch vụ internet vệ tinh Starlink với tốc độ tải xuống lên đến 100Mbps và tốc độ tải lên 20Mbps, với hàng chục nghìn người dùng cho đến nay. Trong phiên bản thử nghiệm beta này, người dùng sẽ phải trả phí thuê bao hàng tháng là 99 USD cộng với chi phí trả trước 499 USD cho bộ công cụ Starlink bao gồm một thiết bị đầu cuối người dùng để kết nối với vệ tinh, một giá ba chân và một bộ định tuyến Wi-Fi.
Năm ngoái, SpaceX đã đệ trình kế hoạch thử nghiệm dịch vụ internet vệ tinh trên 5 máy bay phản lực Gulfstream. Đến tháng 3 năm nay, SpaceX đã tìm kiếm sự chấp thuận của Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) để cho phép sử dụng dịch vụ internet vệ tinh cho các phương tiện chuyển động lớn như xe tải, tàu hàng hải và máy bay.
Để các vệ tinh Starlink cung cấp kết nối với máy bay bay qua các vùng xa xôi của đại dương, xa các trạm mặt đất, SpaceX sẽ thiết lập các tuyến kết nối giữa các vệ tinh với nhau bằng liên kết laser mà không cần tín hiệu dội lại từ các trạm mặt đất.
Sự cạnh tranh giữa chùm vệ tinh Starlink của Elon Musk và các công ty khác như OneWeb của Anh và Amazon của tỷ phú Jeff Bezos trong lĩnh vực internet vệ tinh ngày càng gia tăng. Mặc dù, OneWeb chỉ mới phóng được 182 vệ tinh vào quỹ đạo tầm thấp trong tổng số 640 vệ tinh theo kế hoạch, trong khi Amazon vẫn chưa phóng bất kỳ vệ tinh nào trong số 3.000 vệ tinh theo kế hoạch.
Các đối thủ cạnh tranh lâu đời của Mỹ về internet trên máy bay là Intelsat và ViaSat, những công ty đang vận hành mạng lưới vệ tinh trên quỹ đạo địa tĩnh. ViaSat gần đây đã công bố kế hoạch sử dụng mạng vệ tinh thế hệ tiếp theo của mình trên các máy bay của hãng hàng không Delta. Công ty có trụ sở tại California đang lên kế hoạch cho một mạng lưới quỹ đạo thấp gồm 300 vệ tinh của riêng mình cũng như một bộ 3 vệ tinh địa tĩnh mới sẽ bắt đầu phóng vào đầu năm tới. Đây được xem là một đối thủ đáng gờm của SpaceX.
Tuy nhiên, SpaceX tỏ ra tự tin trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này. Ông Jonathan Hofeller cho rằng: “Nhìn chung, hành khách và khách hàng muốn có một trải nghiệm dịch vụ internet tuyệt vời mà các hệ thống vệ tinh địa tĩnh hiện tại không thể cung cấp. Điều đó sẽ phụ thuộc vào từng hãng hàng không, tức là họ có muốn có một hệ thống internet đáp ứng được nhu cầu của khách hàng hay không”.
OneWeb cũng đang nhắm mục tiêu đến các dịch vụ internet trên máy bay với chùm vệ tinh của mình và dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ internet trên máy bay vào giữa năm sau hoặc có thể sớm hơn.
Theo PHAN VĂN HÒA (Vietnamnet)