Đã gần hai năm sau khi bắt đầu đại dịch COVID-19, nước Mỹ vẫn là quốc gia có tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 nhiều nhất thế giới với số ca nhiễm và tử vong mới mỗi ngày luôn ở mức cao. Tính đến ngày 2-9, số người nhiễm COVID-19 tại Mỹ đã vượt qua con số 40 triệu người và 659.927 người tử vong do đại dịch này.
Theo dữ liệu mới đây của Đại học Johns Hopkins (JHU), tỷ lệ người nhiễm COVID-19 đã từng giảm mạnh ở Mỹ vào mùa xuân năm nay khi vaccine được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, với việc biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh, mọi thứ đang đảo chiều: Từ đầu tháng 8 đến nay, Mỹ đã báo cáo hơn 1,5 triệu trường hợp nhiễm COVID-19 mới, gấp 3 lần con số của Ấn Độ và Iran - hiện giữ vị trí thứ hai và thứ ba. Và mức trung bình các ca nhiễm trong 7 ngày cũng luôn đứng đầu thế giới, vượt xa các quốc gia khác.
Hãng tin CNN cũng đưa tin cho biết số ca nhiễm mới trung bình hàng ngày ở Mỹ đã tăng hơn 4 lần từ tháng 7-2021. Các bệnh viện một lần nữa lại được lấp đầy bởi các bệnh nhân nhiễm COVID-19, đa số là chưa tiêm vaccine. CNN dẫn lời Tiến sĩ Peter Hotez, Hiệu trưởng Trường Quốc gia Y học nhiệt đới tại Đại học Y khoa Baylor, cho rằng phần lớn sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ là do sự gia tăng các ca nhiễm ở miền Nam, nơi nhiều bang đang tụt lại phía sau trong việc tiêm chủng cho người dân. "Điều này đang bắt đầu có vẻ thực sự đáng ngại ở miền Nam. (...) Nếu bạn nhìn vào tỷ lệ lây truyền ở các bang Florida và Louisiana, chúng thực sự có thể là cao nhất trên thế giới" - Tiến sĩ Peter Hotez nhấn mạnh.
Lydia Rodriguez, 42 tuổi, đã qua đời chỉ hai tuần sau khi người chồng 49 tuổi của cô cũng tử vong vì COVID-19. (Ảnh: washingtonpost.com)
Những cái chết có thể tránh được
Có những người Mỹ kiên quyết không tiêm vaccine COVID-19 đã qua đời trong thời gian qua khi biến chủng Delta nguy hiểm tấn công. Sự ra đi của họ được gọi là "những cái chết có thể tránh được". Họ đáng lẽ đã không chết vì COVID-19! Đây là sự thật khủng khiếp đang diễn ra ở Mỹ.
Trong thời gian gần đây, câu chuyện về những người từ chối tiêm vaccine và bị bệnh do coronavirus liên tục xuất hiện - câu chuyện thường kết thúc bằng những lời cầu xin từ giường bệnh cho những người khác đi tiêm phòng.
Vài tuần trước, ở Texas, Lydia Rodriguez, một người mẹ 4 con, nghĩ rằng cơ thể cô đủ khỏe để chống lại coronavirus mà không cần tới vaccine. Nhưng sau một buổi cắm trại ở nhà thờ kéo dài một tuần, cô và các thành viên khác trong gia đình đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Khi Rodriguez, 42 tuổi, thay đổi quyết định và yêu cầu tiêm vaccine, thì đã quá muộn. Người mẹ này sau đó đã yêu cầu gia đình cô đưa ra lời hứa: “Hãy đảm bảo rằng các con tôi được tiêm phòng!” Và Rodriguez đã qua đời chỉ 2 tuần sau khi chồng cô, Lawrence Rodriguez, 49 tuổi, cũng chết vì biến chứng do COVID-19. Lydia và Lawrence Rodriguez là hai trong số hàng chục triệu người Mỹ chưa tiêm liều vaccine phòng COVID-19 nào mặc dù loại vaccine này được cung cấp miễn phí cho bất kỳ ai trên 12 tuổi. Trường hợp của gia đình Rodriguez không phải hiếm mà đó cũng tương tự như trường hợp của nhiều bệnh nhân không tiêm chủng khác đã cầu xin bác sĩ tiêm cho liều vaccine COVID-19 trước khi được đặt nội khí quản.
Michael Freedy, người cha có 5 con ở Las Vegas, Nevada, cũng đã mất đi sự sống trong khi ông lẽ ra vẫn có thể sống hạnh phúc cùng các con mình. Thay vào đó, các con ông lại sẽ bị ám ảnh khi lớn lên bởi một trong những lời nhắn nhủ cuối cùng mà cha chúng để lại thừa nhận rằng: "Tôi lẽ ra nên tiêm vaccine".
Những đứa trẻ mồ côi của gia đình Rodriguez hay Freedy bây giờ lại gia nhập vào hàng triệu người bị ảnh hưởng bi thảm bởi đại dịch.
Gần đây, một bác sĩ ở Alabama đã giải thích về thảm kịch mà cô ấy đang thấy khi những người không tiêm chủng, đặc biệt là những người trẻ tuổi, tử vong vì COVID-19. Trong bài đăng trên trang Facebook, Tiến sĩ Brytney Cobia, thuộc Trung tâm Y tế Grandview, giải thích: “Một trong những điều cuối cùng họ làm trước khi đặt nội khí quản là cầu xin tôi tiêm vaccine. Tôi nắm tay họ và nói rằng tôi xin lỗi, nhưng đã quá muộn. Vài ngày sau, khi họ tử vong, tôi ôm người nhà của họ và nói với họ cách tốt nhất để tưởng nhớ người thân là đi tiêm phòng và khuyến khích những người họ biết cũng làm như vậy”.
Có thể thấy nhiều người từng cương quyết không tiêm vaccine COVID-19 thì đã lên tiếng từ giường bệnh về sự tiếc nuối của họ, về cơn đau phải chịu đựng do virus SARS-CoV-2, và cả nỗi đau khi chứng kiến những thành viên của gia đình có quyết định tương tự đang phải chống chọi với đại dịch.
Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định tất cả các loại vaccine COVID-19 đã được tổ chức này phê duyệt đều đảm bảo an toàn và hiệu quả. (Ảnh: Reuters)
Bài học đắt giá từ sự chủ quan
Gần 660.000 người Mỹ đã tử vong vì COVID-19, và rất nhiều người trong số đó đã có thể được cứu nếu họ tiêm vaccine COVID-19 từ trước. Nguyên nhân có nhiều người không muốn tiêm vaccine là vì họ cho rằng hầu hết những người mắc COVID-19 sẽ không tử vong hay bị ốm nặng. Họ nghi ngờ những khuyến cáo về sức khỏe cộng đồng và chủ quan tin tưởng những điều tồi tệ nhất sẽ không xảy đến với mình. Một số người không tin tưởng vào độ an toàn của các loại vaccine COVID-19 và chờ xem liệu có bất kỳ phản ứng phụ về lâu dài nào sau khi tiêm hay không. Trong nhiều trường hợp, áp lực công việc và cuộc sống bận rộn cũng khiến một số người phải trì hoãn việc tiêm chủng…
Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cùng những con số đau lòng về nạn nhân của biến thể Delta đang cảnh báo người dân nên tiêm phòng COVID-19 trước khi quá muộn và đừng nghi ngờ về độ an toàn của các loại vaccine COVID-19. Theo đó, 97% số ca phải nhập viện và 99,5% các ca tử vong do COVID-19 gần đây tại Mỹ là những người chưa tiêm chủng. Trong số những người đã tiêm vaccine, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ vẫn bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Một số ít hơn có biểu hiện nặng và cần nhập viện. Rất hiếm người tử vong vì COVID-19 khi đã tiêm vaccine. CDC cho biết tính đến ngày 31-7, có ít hơn 0,004% người đã tiêm phòng đầy đủ vẫn mắc COVID-19 và phải nhập viện, ít hơn 0,001% tử vong vì dịch bệnh.
Chính vì vậy, dù những người từ chối tiêm phòng vaccine vì lý do gì đi nữa thì rõ ràng rằng họ đang đánh cược tính mạng và sức khỏe của bản thân và gia đình, thay vì có thể tự bảo vệ mình bằng vaccine COVID-19 an toàn, miễn phí và hiệu quả.
Sự chủ quan của những người trưởng thành này cũng khiến trẻ em gặp nhiều rủi ro do các em chưa đủ điều kiện để tiêm phòng. Những người nói không với vaccine đang đẩy trẻ em, đối tượng cần bảo vệ và dễ bị tổn thương nhất của xã hội, vào nguy cơ mắc một căn bệnh nguy hiểm.
Không những thế, cũng cần phải xem xét đến cảm giác của những người đã tiêm chủng khi họ đã làm mọi thứ có thể, và mọi thứ họ “phải làm”, để dập tắt đại dịch, trong khi chứng kiến những người khác lại từ chối tuân theo cách thức phòng chống COVID-19 được cho là an toàn và hiệu quả nhất.
Vì vậy, mặc dù tiêm phòng không thể bảo vệ con người hoàn toàn trước COVID-19, nhưng rõ ràng việc làm này vẫn đã, đang và sẽ đem lại sự đảm bảo lớn, giúp hạn chế những mất mát không đáng có cho mọi gia đình. Việc sớm tiêm chủng đầy đủ cho tất cả mọi người sẽ thúc đẩy miễn dịch cộng đồng trên toàn cầu, từ đó mới có thể loại trừ đại dịch COVID-19.
Những câu chuyện về người từ chối tiêm chủng và hậu quả mà họ phải gánh chịu khi ở trên giường bệnh hay khi mất đi sự sống, mất đi người thân, ở Mỹ, cũng đồng thời là lời cảnh tỉnh, bằng chứng thuyết phục nhất đối với người dân ở các quốc gia trên thế giới hiện vẫn còn e ngại, thiếu tin tưởng vào hiệu quả của các loại vaccine phòng COVID-19. Việc tiêm phòng hay không tiêm tùy thuộc ở mỗi cá nhân, tuy nhiên, mỗi người cần có cái nhìn toàn diện và khoa học để đưa ra lựa chọn đúng đắn trước khi quá muộn.
Theo KHÁNH LINH (Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam)