Sứ mệnh thành công: Tàu đổ bộ Mỹ hạ cánh trên Mặt Trăng

24/02/2024 - 09:55

Sáng ngày 23/2 theo giờ Việt Nam tàu đổ bộ Odysseus của công ty tư nhân Intuitive Machines (Mỹ) đã đáp xuống bề mặt Mặt Trăng, đánh dấu việc Mỹ quay trở lại vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất sau hơn nửa thế kỷ.

Theo hãng CNN, tàu đổ bộ Odysseus do công ty Intuitive Machines ở Houston chế tạo đã hạ cánh lên bề mặt Mặt Trăng và là lần đầu tiên sứ mệnh được thực hiện bởi một tàu vũ trụ thuộc sở hữu tư nhân của Mỹ kể từ sau sứ mệnh Apollo 17 năm 1972.

Tàu Odysseus đi qua gần Mặt Trăng sau khi đi vào quỹ đạo ngày 21/2. Ảnh: Intuitive Machines/NASA/X

"Chào mừng đến với Mặt Trăng", Giám đốc điều hành của Intuitive Machines ông Steve Altemus đã thông báo trên một chương trình phát sóng trực tiếp.

Cuộc đổ bộ là một sự kiện lịch sử, đánh dấu tàu vũ trụ thương mại đầu tiên hạ cánh mềm trên Mặt Trăng cũng và là phương tiện đầu tiên do Mỹ sản xuất chạm xuống bề mặt Mặt Trăng kể từ khi chương trình Apollo kết thúc hơn 5 thập kỷ trước.

Sứ mệnh này đã gây chú ý với NASA, công ty đang tìm cách khám phá Mặt Trăng bằng cách sử dụng các nhà thám hiểm robot do các nhà thầu tư nhân phát triển trước khi gửi phi hành gia tới đó vào cuối thập kỷ này thông qua chương trình Artemis.

"Hôm nay là lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, Mỹ đã quay trở lại Mặt Trăng. Hôm nay là ngày thể hiện sức mạnh và hứa hẹn của các mối quan hệ đối tác thương mại của NASA. Xin chúc mừng tất cả mọi người đã tham gia vào nhiệm vụ vĩ đại và táo bạo này", Quản trị viên NASA Bill Nelson nói.

Tàu vũ trụ đã hạ cánh ở khu vực gần cực Nam Mặt Trăng, mang theo 6 kiện thiết bị của NASA để khảo sát địa hình, tài nguyên, cũng như các mối nguy hại tiềm ẩn trên Mặt Trăng, thu thập thông tin về tương tác giữa thời tiết không gian với bề mặt Mặt Trăng, thiên văn vô tuyến.

Theo Gary Jordan, Giám đốc truyền thông của NASA, vài giờ trước khi hạ cánh, một vấn đề với hệ thống định vị của Odysseus đã buộc tàu đổ bộ phải dựa vào công nghệ thử nghiệm, dẫn đến một "tình huống động".

Trước vấn đề này, công ty Intuitive Machines đã quyết định chỉ định lại các cảm biến điều hướng chính của Odysseus… để sử dụng các cảm biến trên Navigation Doppler Lidar (hoặc NDL) của NASA.

Tải trọng Lidar là công nghệ thử nghiệm nhằm kiểm tra xem các tàu đổ bộ trong tương lai sẽ hạ cánh chính xác hơn trên Mặt Trăng ra sao. Theo Farzin Amzajerdian, nhà nghiên cứu chính của NASA về thiết bị này, tải trọng Lidar được thiết kế để bắn các chùm tia laser xuống mặt đất nhằm đưa ra các phép đo chính xác về tốc độ và hướng bay.

Sứ mệnh IM-1 diễn ra trong bối cảnh quốc tế đang thực hiện cuộc đua mới tới bề mặt Mặt Trăng. Kể từ khi kết thúc cuộc chạy đua vũ trụ giữa Liên Xô và Mỹ trong thế kỷ 20, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản đều đã hạ cánh tàu vũ trụ lên Mặt Trăng.

Tàu đổ bộ có kích thước bằng buồng điện thoại đã dành cả tuần qua trong không gian, di chuyển khoảng 620.370 dặm (1 triệu km) qua khoảng trống trước khi đặt vào quỹ đạo Mặt Trăng vào sáng 21/2. Tuy nhiên, phải đến ngày 23/2, tàu đổ bộ Odysseus đã hạ cánh lên bề mặt Mặt Trăng.

Tỷ lệ thành công

Trên tàu Odysseus có 6 kiện thiết bị của NASA, dự kiến sẽ hoạt động trong 7 ngày tới trên bề mặt Mặt Trăng. Theo cơ quan vũ trụ, 6 kiện thiết bị của NASA sẽ tập trung vào việc trình diễn các công nghệ liên lạc, điều hướng và hạ cánh chính xác, đồng thời thu thập dữ liệu khoa học về sự tương tác của chùm tên lửa và bề mặt Mặt Trăng, cũng như thời tiết không gian và tương tác bề mặt Mặt Trăng. Nhiệm vụ IM-1 sẽ kết thúc khi Mặt Trời lặn ở Malapert A, bởi Odysseus không được thiết kế để sống sót qua điều kiện lạnh giá trong đêm Mặt Trăng kéo dài.

Ngoài ra, tàu Odysseus còn mang theo EagleCam, hệ thống camera chế tạo bởi các sinh viên tại Đại học Hàng không Embry-Riddle ở Bãi biển Daytona, Florida. Thiết bị này được thiết lập để bật ra khỏi tàu đổ bộ và và chụp ảnh quá trình hạ cánh của tàu đổ bộ từ bên dưới.

Sứ mệnh lần này được thực hiện sau khi một đối tác thương mại khác của NASA là Astrobotic Technology từ bỏ nhiệm vụ hạ cánh trên Mặt Trăng vào tháng trước khi xảy ra vụ rò rỉ nhiên liệu nghiêm trọng khiến tàu đổ bộ Peregrine không có đủ khí để chạm tới bề mặt.

"Chúng tôi sẽ đi xa hơn vào vũ trụ gấp 1.000 lần so với Trạm vũ trụ quốc tế. Tất cả đều phải được thực hiện bằng hệ thống đẩy. Và chúng tôi đang thực hiện việc đó một cách tự động hoặc bằng robot mà không có sự can thiệp của con người," ông Altemus nói.

Như vậy, Mỹ đang cố gắng để lấy lại sự hiện diện trên mặt trăng kể từ năm 1972 khi NASA đặt mục tiêu thực hiện các sứ mệnh khoa học robot, tìm cách hiểu thêm về môi trường Mặt Trăng thông qua các đối tác tư nhân để tập trung vào quá trình hạ cánh các phi hành gia lên Mặt Trăng.

Ông Altemus hy vọng các công ty như Intuitive Machines có thể thúc đẩy các nỗ lực lên Mặt Trăng của Mỹ trong tương lai.

Tàu đổ bộ Odysseus là dự án hợp tác giữa Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và công ty hàng không vũ trụ tư nhân Intuitive Machines./.

Theo HỒNG NHUNG (Báo Tổ Quốc)