Sức bật mới ở huyện đầu nguồn An Phú

21/07/2020 - 06:14

 - Sáng nay 21-7, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện An Phú (An Giang) lần thứ VII (nhiệm kỳ 2020-2025) chính thức khai mạc. Với chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, đổi mới; phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế biên giới gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh”, đại hội kỳ vọng sẽ tạo sức bật mới ở huyện đầu nguồn An Phú.

 

Trồng dưa lưới công nghệ cao ở huyện An Phú

Tập trung phát triển

Những năm qua, phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện cho thấy sự chuyển dịch đúng hướng, tái cơ cấu đi vào trọng tâm, nhận thức của nông dân có nhiều thay đổi, tiến bộ của khoa học và công nghệ được áp dụng vào sản xuất. Cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh được triển khai thực hiện tốt, góp phần tái cơ cấu nền nông nghiệp của huyện, tạo tiền đề để sản phẩm nông nghiệp nâng lên cả về chất lượng và sản lượng.

Nông dân trên địa bàn huyện đã thực hiện nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là trồng dưa lưới trong nhà màng đạt năng suất từ 90-100 tấn/ha/năm, giá bán từ 30.000-35.000 đồng/kg, lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/ha/năm.

Đối với nhà lưới giá rẻ, đã ươm giống cây con các loại như: ớt, cà và rau ăn lá… sản xuất từ 17-20 triệu cây/ha/năm, giá bán bình quân 200-250 đồng/cây, lợi nhuận từ 1,4-1,7 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp 70 lần so với cây lúa…

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú Mai Văn Bộ cho biết, thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 24 của Huyện ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện tập trung mời gọi doanh nghiệp và nhân dân đầu tư trên 10,7 tỷ đồng. Qua đó, triển khai thực hiện được 6/8 nhóm sản phẩm gồm: lúa an toàn sinh học, rau màu, nấm ăn, cây ăn trái, chăn nuôi và thủy sản…

Đồng thời, hình thành vùng chuyên canh rau màu xã Phước Hưng 40ha. Ngành nông nghiệp đã tổ chức tập huấn, trình diễn một số mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao cho nông dân; phối hợp thành lập và hỗ trợ Hợp tác xã rau màu Phước Hưng đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP theo đề án “mỗi xã một sản phẩm”.

Triển khai thực hiện dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tại 8 xã, với hơn 4.146ha/3.978 hộ; dự án đầu tư tiểu dự án tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long, thuộc dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (WB9) tại 3 xã: Phú Hữu, Vĩnh Lộc và Vĩnh Hậu. Mục tiêu của dự án là kiểm soát lũ tháng 8, ổn định kết cấu hạ tầng, giúp nông dân phát triển các mô hình sinh kế mới, tăng thêm thu nhập, sản xuất thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Hiện, xã Khánh An và Khánh Bình đạt chuẩn nông thôn mới, xã Đa Phước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, các xã còn lại đạt từ 10-15 tiêu chí.

Là huyện biên giới, hoạt động thương mại, dịch vụ ở An Phú tiếp tục khởi sắc, hạ tầng thương mại được xây dựng; nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư được triển khai, hệ thống cửa khẩu, các chợ biên giới được tập trung phát triển. Thị trường nội địa khai thác đạt hiệu quả, hàng hóa lưu thông thuận lợi, phục vụ kịp thời nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân.

Tổng giá trị hàng hóa luân chuyển toàn ngành giai đoạn 2016-2020 là 62.800 tỷ đồng, đạt 103,6%, tăng bình quân 12,6%/năm, trong đó tổng mức bán lẻ và dịch vụ là 19.550 tỷ đồng, đạt 103,60% so kế hoạch, tăng bình quân 13,2%/năm. Toàn huyện có 11 chợ, trong đó có 6 chợ biên giới, thu hút trên 1.500 hộ kinh doanh; doanh thu tại các chợ đạt 1.850 tỷ đồng, tăng bình quân trên 6,87%/năm.

Tổng giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu của huyện là 3.605 triệu USD, tăng bình quân 16,6%/năm. Dự án đầu tư xây dựng Khu thương mại - dịch vụ cửa khẩu Khánh Bình và các công trình phụ trợ đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, diện tích 32ha, tổng vốn đầu tư 163 tỷ đồng. Đến nay, đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 6 doanh nghiệp thuê 11,17ha đất, vốn đăng ký đầu tư 416 tỷ đồng; chấp thuận chủ trương 3 nhà đầu tư, tổng diện tích cho thuê  4,71ha, vốn đăng ký đầu tư 165 tỷ đồng...

Xác định khâu đột phá

An Phú là huyện đầu nguồn, có đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia 42,5km, có 2 cửa khẩu chính (Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông), 1 cửa khẩu phụ (Bắc Đai). Đặc biệt, An Phú là điểm đầu nối Quốc lộ 21 của Vương quốc Campuchia - con đường ngắn nhất đi từ Việt Nam đến thủ đô Phnom Penh của Campuchia (khoảng 70km). Hệ thống cửa khẩu, Khu thương mại - dịch vụ cửa khẩu Khánh Bình được nâng cấp, hình thành, sẽ góp phần đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới hàng năm tăng lên.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) vùng biên giới được triển khai thực hiện, bảo đảm phát triển KTXH gắn với quốc phòng - an ninh, góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị với chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương vùng giáp biên.

Bí thư Huyện ủy An Phú Ngô Công Thức cho biết, An Phú mong muốn tỉnh triển khai mạnh mẽ chương trình phát triển biên giới để khu vực biên giới phát huy tiềm năng, thế mạnh. Trong đó, chú trọng giữ vững ổn định địa bàn biên giới để đảm bảo cho phát triển KTXH và phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thành công. Tăng cường hỗ trợ huyện thực hiện hiệu quả việc áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; nhân rộng mô hình hiệu quả và tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.

Trong vấn đề phát triển nguồn nhân lực, mong muốn tỉnh quan tâm hơn nữa công tác đào tạo cán bộ và nâng chất nguồn nhân lực có tay nghề cao. Đồng thời, hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng giao thông và hệ thống đê bao khép kín để vừa phục vụ giao thông, vừa đảm bảo ngăn chặn, điều tiết lũ, phát triển sinh kế cho người dân.

An Phú xác định 3 khâu đột phá chủ yếu trong nhiệm kỳ tới: tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ gắn với phát triển kinh tế hợp tác để nâng cao hiệu quả sản xuất và tạo sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, thực hiện các giải pháp để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế kinh tế biên giới.


HỮU HUYNH