Sức khỏe tinh thần cho bác sĩ và bệnh nhân COVID-19

15/10/2021 - 05:29

 - Giúp đỡ bệnh nhân tránh khỏi tâm trạng lo lắng, bi quan, các y, bác sĩ trong vất vả, khó khăn cần lắm sự động viên để thêm mạnh mẽ tinh thần. Bên cạnh sự cố gắng và hợp tác của thầy thuốc - bệnh nhân thì công tác “tiếp lửa” từ bên ngoài được duy trì liền mạch nhằm đảm bảo ai cũng được khỏe cả về thể chất lẫn tâm lý, có năng lượng tích cực để tự tin rằng: “COVID-19 không đáng sợ như chúng ta nghĩ”.

Lạc quan chiến thắng COVID-19

Trò chuyện với bà N.T.T. (86 tuổi), nhiều người sẽ bất ngờ khi biết bà là F0. Tuổi cao và mắc bệnh tim, bà T. cùng con gái nhiễm bệnh, được đưa vào khu điều trị ở một phòng gồm 3 bệnh nhân. “Tôi không lo lắng gì hết, phải giữ vững tinh thần để chống chọi chứ. Mấy ngày trước mệt nhiều, phải thở ô-xy, con cháu gọi điện cứ khóc… Nay thấy khỏe hơn nhiều, ăn uống đủ bữa và rất ngon miệng. Bác sĩ chăm sóc tận tình lắm, thành ra cứ lạc quan và khỏi bệnh. Phải chi còn trẻ là tôi tự nguyện ở lại chăm sóc bệnh nhân khác” - bà T. phấn khởi.

Bà T., con gái và một bệnh nhân chung phòng đã 2 lần có kết quả âm tính với COVID-19. Những bệnh nhân cao tuổi và có bệnh lý nền như bà T. luôn được y, bác sĩ quan tâm kỹ hơn, có lúc tưởng chừng trở nặng phải chuyển lên tuyến trên, thế nhưng họ đều mạnh mẽ vượt qua. Mất vị giác, họ vẫn cố gắng ăn đủ bữa, thuốc men, sữa uống bổ sung và bình ô-xy luôn túc trực bên cạnh. Biết người chăm sóc vất vả, họ ân cần cảm ơn, khen những bữa ăn ấm nghĩa tình, chu đáo lo đến món tráng miệng theo từng đối tượng.

Lãnh đạo huyện Phú Tân tặng quà và động viên tinh thần y, bác sĩ, bệnh nhân trong khu điều trị F0

Anh T.N.N.A. là F0 vừa khỏi bệnh sau 12 ngày chiến đấu với COVID-19. Những ngày đầu vào khu điều trị tập trung, dù là bệnh nhân trẻ, anh A. vẫn lo lắng, hoang mang như bao người bệnh khác. “Có 60% bệnh nhân lớn tuổi, còn lại là trung niên và trẻ em, đa số mọi người chưa được tiêm vaccine. Hiểu biết chung của bệnh nhân về COVID-19 là một căn bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao” - anh A. cho biết. Ở tâm thế người trong cuộc, những ngày điều trị đã giúp anh A. giải tỏa những tâm tư trên.

Bệnh nhân khá đông (hơn 100 người), trong khi số bác sĩ rất hạn chế. Dù điều kiện quá tải, mọi người vẫn cảm nhận mình được quan tâm, sự dốc lòng dốc sức của y, bác sĩ không kể giờ giấc, bất kỳ bệnh nhân nào cần đến thì liền có mặt. Ngoài ý chí của người bệnh, sự chăm lo chu đáo của hậu cần, đội ngũ thầy thuốc và môi trường san sẻ giữa mọi người đã giúp bệnh nhân cảm thấy khá hơn.

Cùng với chế độ ăn 3 bữa/ngày, họ được tăng cường bổ sung thêm vitamin C, sữa và các món ăn của nhà hảo tâm gửi vào. Ngoài ra, khu điều trị còn phát thuốc và hướng dẫn xông mũi bằng đông y, tập thở, mở nhạc cổ động phòng, chống dịch COVID-19. Trở về nhà tiếp tục cách ly theo dõi 14 ngày, anh A. cho biết thấy khỏe như chưa từng trải qua căn bệnh.

Năng lượng cho thầy thuốc

Mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19 khiến những ai mắc phải đều có tâm lý lo lắng, hoang mang. Vì vậy, khi tiếp nhận điều trị cho những bệnh nhân này, ngoài nhiệm vụ chuyên môn là chữa bệnh, bác sĩ còn kiêm luôn hỗ trợ tâm lý cho họ. Bên cạnh đó, điều trị cho những trường hợp nghi nhiễm cũng khó khăn không kém, khi nhiều người lo sợ thái quá vì phải vào khu cách ly, sợ bị kỳ thị, xa lánh.

 Điều dưỡng hàng ngày đến đo thân nhiệt đều trò chuyện và trấn an để họ phối hợp các biện pháp theo hướng dẫn. Hàng ngày, trong bộ đồ bảo hộ nóng bức, những bước chân không mỏi mệt của đội ngũ y, bác sĩ đều đặn đến thăm khám, phát thức ăn cho người bệnh. Sự hy sinh thầm lặng chỉ mong muốn điều duy nhất là người bệnh sẽ nhanh chóng phục hồi.

Khu điều trị cho hơn 100 bệnh nhân F0 tại Trường THCS Bình Thạnh Đông (huyện Phú Tân), trong điều kiện quá tải, không thể tiếp xúc nhiều với bệnh nhân, BS Hoàng Tân vẫn cố gắng “trò chuyện” với mọi người qua loa phát thanh hàng ngày. Ông Tân nhấn mạnh, hãy xem COVID-19 như một bệnh cảm cúm thông thường, bệnh nhân siêng ra phơi nắng buổi sáng, vận động nhẹ nhàng, ăn uống đầy đủ và tùy sức vận động để bổ trợ khỏe tinh thần. Tạm xa gia đình, suốt thời gian làm nhiệm vụ, các y, bác sĩ được tiếp thêm động lực từ nhiều phía: chính quyền địa phương, đồng nghiệp và cả những người bệnh họ đang điều trị.

Vào giai đoạn căng thẳng nhất, các khu điều trị F0 ở huyện Phú Tân đều được lãnh đạo huyện, các đoàn thể đến hỗ trợ, thăm hỏi, động viện tinh thần. Công việc tuy vất vả, nhưng họ - những chiến sĩ áo trắng vẫn thể hiện niềm tin, vì biết rằng bên ngoài khu điều trị, cách ly còn có lực lượng tình nguyện viên, các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương đang chiến đấu với COVID-19 trên mặt trận của riêng họ. Bằng sự quan tâm, cảm kích và nhiều cách san sẻ, đội ngũ y, bác sĩ và bệnh nhân vẫn được tiếp lửa để quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang, hàng ngày, bác sĩ trong khu điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng được bộ phận hậu cần dành cả tâm huyết, tình cảm gửi gắm theo từng suất ăn, nước uống. “Bữa ăn thiết kế gọn, ngon miệng và đảm bảo dinh dưỡng. Trên các chai nước uống, đồng nghiệp còn tự tay vẽ từng câu động viên, cổ vũ và cám ơn chúng tôi. Thật sự rất chu toàn và ấm lòng” - một nữ bác sĩ tâm sự.

BS Lê Hồ Tiến Phương cho biết, quỹ thời gian mỗi ngày dường như ngắn hơn khi nhiệm vụ thêm chồng chất, điều lo sợ nhất không phải là bản thân bị nhiễm bệnh mà là bệnh nhân không qua khỏi. Đã nhiều tháng ròng rã gắn bó với các bệnh nhân COVID-19, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, các bác sĩ không nhớ hết bao nhiêu lượt bệnh nhân vào, ra khu điều trị. Từ khoảnh khắc bệnh nhân ra được khỏi giường, bước ra ngoài phòng, có thể tập luyện, đến ngày khỏe mạnh trở về… Đó là niềm hạnh phúc và nguồn năng lượng tích cực họ chọn làm món quà cho riêng mình.

MỸ HẠNH