Các nhà nghiên cứu đã phân tích lý do tại sao những trải nghiệm căng thẳng thường được ghi nhớ dễ dàng hơn những trải nghiệm bình thường.
Khi não bộ lưu giữ ký ức về các đối tượng, nó sẽ tạo ra một mô hình hoạt động đặc trưng cho từng đối tượng đó. Căng thẳng làm thay đổi dấu vết bộ nhớ như vậy.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích lý do tại sao những trải nghiệm căng thẳng thường được ghi nhớ dễ dàng hơn những trải nghiệm bình thường khác.
Các phát hiện đã được công bố trên tạp chí Current Biology bởi các nhà nghiên cứu tới từ Viện Khoa học Thần kinh Nhận thức RUB. Nghiên cứu này đã đưa mọi người vào những tình huống căng thẳng trong các cuộc phỏng vấn xin việc giả lập, sau đó ghi lại trí nhớ của họ về các đồ vật xung quanh.
Sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ, nhóm nghiên cứu phân tích hoạt động của não trong khi những người tham gia được nhìn lại các đồ vật. Oliver Wolf - một thành viên của nhóm - cho biết: “Chúng ta thường có những hình ảnh chi tiết trong tâm trí về các trải nghiệm căng thẳng thậm chí sau nhiều năm, chẳng hạn như thi lái xe”.
Các nhà nghiên cứu bắt đầu ghi lại dấu vết trí nhớ của một sự kiện có thật trong các thí nghiệm của họ, bằng cách sử dụng cái gọi là Bài kiểm tra căng thẳng xã hội Trier. Bài kiểm tra này yêu cầu những người tham gia chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất phải nói chuyện với một nhóm phỏng vấn, tất cả đều có biểu hiện trung lập và không đưa ra bất kỳ phản hồi tích cực nào để tạo căng thẳng cho nhóm này. Trong quá trình đó, nhóm phỏng vấn sẽ làm những hành động thông thường; ví dụ, nhấp một ngụm cà phê.
Trong khi, nhóm thứ 2 cũng phải nói chuyện với nhóm phỏng vấn, nhưng những người này không làm bất kỳ điều gì gây căng thẳng. Họ cũng làm những hành động thông thường như khi phỏng vấn nhóm 1.
Một ngày sau, các nhà nghiên cứu cho cả hai nhóm xem các đồ vật trong khi ghi lại hoạt động của não. Nhóm số 1 cho thấy khả năng ghi nhớ các đối tượng như cốc cà phê tốt hơn các thành viên của nhóm số 2.
Các nhà nghiên cứu chủ yếu phân tích hoạt động của hạch hạnh nhân trong não, một khu vực có chức năng chính là học tập cảm xúc. Họ so sánh dấu vết tế bào thần kinh của 2 nhóm với nhau.
Kết quả là: não bộ của nhóm 1 trong các tình huống căng thẳng được liên kết rất chặt chẽ, và do đó chúng được phân biệt rõ ràng so với các trải nghiệm thông thường khác.
Giáo sư Anne Bierbrauer - thành viên nhóm nghiên cứu - chỉ ra rằng: “Kết quả này có thể là một nền tảng quan trọng để hiểu rõ hơn về những ký ức gây tổn thương và cảm xúc”
Theo ĐĂNG DƯƠNG (Vietnamnet)