Tại sao lại gọi là bệnh đậu mùa khỉ?

27/05/2022 - 19:00

Cùng là virus đậu mùa nhưng có bệnh gọi là đậu mùa, có bệnh lại là đậu mùa khỉ?

Theo chuyên gia, bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu trên khỉ vào năm 1958. Ca đầu tiên trên người được ghi nhận vào năm 1970 tại Congo. Virus gây bệnh đậu mùa khỉ thuộc chi Orthopoxvirus trong họ virus Poxviridae. Bệnh cũng có liên quan tới bệnh đậu mùa đã bị xóa sổ năm 1980 nhưng triệu chứng nhẹ, khó lây và tỷ lệ tử vong cũng thấp hơn.

Sở dĩ được gọi là đậu mùa khỉ mà không phải tên gọi nào khác là vì bệnh ban đầu phát hiện từ năm 1958 khi 2 ổ dịch giống với đậu mùa xảy ra ở khỉ trong phòng thí nghiệm nghiên cứu. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, khỉ có thể không phải là tác nhân gây bùng phát dịch và nguồn lây của căn bệnh này hiện nay vẫn chưa rõ.

Tại sao lại gọi là bệnh đậu mùa khỉ? - 1

Virus gây bệnh đậu mùa khỉ nhìn qua kính hiển vi. (Ảnh: CDC Mỹ)

Triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ

Thời kỳ ủ bệnh đậu mùa khỉ (thời gian từ khi nhiễm bệnh đến khi có triệu chứng) là 7-14 ngày nhưng có thể 5-21 ngày. Bệnh thường kéo dài 2-4 tuần, các triệu chứng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể  5-21 ngày sau khi nhiễm virus.

Người bị bệnh đậu mùa khỉ thường có triệu chứng khởi phát ban đầu như sốt, đau cơ, đau lưng, nhức đầu, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết...

Khi sốt, bệnh nhân sẽ phát ban mẩn ngứa sau 1-3 ngày. Mụn mủ thường bắt đầu trên mặt sau đó lan ra nhiều bộ phận khác. Số lượng mụn mủ có thể là vài nốt cho tới vài nghìn nốt. Sau đó, số mụn mủ này sẽ vỡ ra rồi đóng vảy trước khi biến mất.

Sự khác biệt chính giữa các triệu chứng của bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ là bệnh đậu mùa khỉ làm cho các hạch bạch huyết sưng lên trong khi bệnh đậu mùa thì không.

Tại sao lại gọi là bệnh đậu mùa khỉ? - 2

Bàn tay của người bị bệnh đậu mùa khỉ. (Ảnh: CDC)

Điều trị đậu mùa khỉ thế nào?

Đậu mùa khỉ hiện có 2 chủng, 1 chủng ở Tây Phi và chủng ở Congo. Chủng ở Congo nặng hơn chủng ở Tây Phi. Theo thống kê, các bệnh nhân mắc đậu mùa chủng Tây Phi phần lớn và nhẹ với tỷ lệ tử vong khoảng 1%. Trong khi đó, chủng ở Congo thường nặng hơn và có tỷ lệ tử vong lên tới 10%.

Theo các chuyên gia, thông thường, bệnh đậu mùa khỉ lành tính, lây lan hạn chế và có thể tự khỏi sau vài tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp các bác sĩ có thể sử dụng thuốc chống virus để hạn chế sự lây lan và giảm nguy cơ bệnh nặng.

Bệnh đậu mùa khỉ hiện không có vaccine phòng ngừa, nhưng theo chuyên gia, vaccine phòng bệnh đậu mùa có hiệu quả lên tới 85% trước đậu mùa khỉ. Chính vì vậy, người dân nên tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa ngay khi có cơ hội.

Ngoài ra, do lây lan qua con đường tiếp xúc gần nên cách tốt nhất để phòng ngừa đậu mùa khỉ là thường xuyên rửa tay, sát khuẩn, khử khuẩn bề mặt và cách ly khi có triệu chứng...

Tại sao lại gọi là bệnh đậu mùa khỉ? - 3

Các ống xét nghiệm của người nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. (Ảnh: Reuters)

Cách phòng bệnh đậu mùa khỉ

Theo Bộ Y tế, để phòng chống bệnh đậu mùa khỉ người dân cần lưu ý.

- Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

- Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường.

- Che miệng khi ho, hắt hơi.

- Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.

- Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục; người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh.

- Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa virus đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.

Theo WHO, tính đến 25/5/2022, thế giới ghi nhận hơn 158 trường hợp mắc bệnh, 117 trường hợp nghi ngờ tại 19 quốc gia và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Các ca bệnh được phát hiện đều không có tiền sử đi về từ vùng có dịch và các quốc gia ghi nhận ca bệnh chưa từng lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ trước đây.

Các trường hợp mắc bệnh được xác định là bị nhiễm virus đậu mùa khỉ nhánh Tây Phi và đặc điểm giống virus đậu mùa khỉ lây truyền từ Nigeria sang một số quốc gia năm 2018, 2019. WHO dự báo dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới.

Tại Việt Nam hiện chưa ghi nhận ca bệnh bị đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), các đơn vị chức năng trong nước vẫn đang giám sát chặt bệnh đậu mùa khỉ để ngăn ngừa dịch xâm nhập vào Việt Nam. Cục cũng đang phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm kịp thời cập nhật các thông tin về bệnh cũng như biện pháp ứng phó.

 

Theo PHẠM QUÝ (VTC News)