Mối liên quan của tư thế ngủ và sức khỏe
Báo Lao Động dẫn chia sẻ của Sammy Margo, nhà vật lý trị liệu, chuyên gia về giấc ngủ và tác giả cuốn sách "Hướng dẫn về giấc ngủ ngon" giải thích: “Tư thế ngủ có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tổng thể, sự thoải mái và chất lượng giấc ngủ của bạn. Mỗi tư thế đều có ưu và nhược điểm và hiểu rõ chúng có thể giúp bạn điều chỉnh để có giấc ngủ và sức khỏe tốt hơn".
Tiến sĩ Kat Lederle, nhà khoa học về giấc ngủ và tác giả của cuốn sách "Nhận biết giấc ngủ", chỉ ra rằng các yếu tố lối sống ban ngày thường là nguyên nhân gây ra các vấn đề về tư thế vào ban đêm.
“Những gì bạn làm trong ngày thường gây ra cảm giác đau đớn và khó chịu khi bạn ngủ ở một số tư thế nhất định. Một trong những yếu tố phổ biến nhất là lối sống ít vận động, vì vậy điều quan trọng là phải di chuyển thường xuyên trong ngày".
Những rủi ro về tư thế ngủ và cách giảm thiểu
Nằm nghiêng
Ngủ nghiêng là tư thế phổ biến nhất nhưng nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tùy thuộc vào việc nằm nghiêng bên trái hay bên phải. Ví dụ, phụ nữ mang thai và những người bị trào ngược dạ dày hoặc các vấn đề về dạ dày nên ngủ nghiêng bên trái bởi vì dạ dày thấp hơn thực quản, nằm nghiêng trái giúp giảm trào ngược dạ dày.
Ngược lại, những người mắc bệnh tim nên ngủ nghiêng bên phải để giảm áp lực cho tim. Khi nằm nghiêng bên trái, trọng lực sẽ dồn xuống gây ra những áp lực lên tim.
Tư thế ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ. Trong khi ngủ, hệ thống glymphatic của não "rửa sạch" chất độc ra khỏi não. Quá trình này diễn ra tốt hơn khi chúng ta ngủ nghiêng bên phải, đặc biệt có lợi cho những người có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ hoặc bệnh Alzheimer.
Ngủ nghiêng cũng có thể gây ra nếp nhăn và chảy xệ ngực. Margo khuyên bạn nên sử dụng một chiếc gối dày để căn chỉnh đầu, cổ và cột sống. Đồng thời bạn nên kẹp một chiếc gối giữa giữa hai chân để giảm căng thẳng cho hông và lưng dưới.
Nằm ngửa
Một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất liên quan đến việc ngủ ngửa là chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là tình trạng mô mềm ở phía sau cổ họng giãn ra làm xẹp đường thở, gây ra ngáy và gián đoạn nhịp thở. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và có thể dẫn đến mệt mỏi, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim.
Tuy nhiên, đối với những người bị đau lưng và cổ, nằm ngửa thường là lựa chọn tốt nhất. Tư thế này giúp căn chỉnh cột sống và giảm căng thẳng cho lưng.
Nằm sấp
Mặc dù ngủ sấp có thể giảm chứng ngáy, nhưng đây là tư thế dễ dẫn đến đau cổ và lưng hơn. Vặn cổ sang một bên sẽ gây căng thẳng cho cổ và ngủ sấp cũng có thể làm cong cột sống của bạn.
Cách thay đổi tư thế ngủ
Trang Ngoisao.vnexpress.net dẫn chia sẻ của chuyên gia trên tờ Telegraph cho biết, nếu muốn thay đổi tư thế ngủ vì biết chúng không tốt cho sức khỏe, thì hãy tập dần dần. Ví dụ, bạn muốn chuyển từ tư thế ngủ ngửa sang ngủ nghiêng, hãy nằm nghiêng về phía bạn thích trong năm phút vào đêm đầu tiên rồi nằm ngửa. Đêm hôm sau tăng lên sáu phút, sau đó là bảy phút. Bắt đầu từ từ và tăng dần cho đến khi bạn quen với tư thế này.
Các tư thế ngủ phù hợp tình trạng sức khỏe
- Đau vai: Nằm ngửa khi ngủ. Hoặc nằm nghiêng về phía không bị đau, đặt một chiếc gối lớn ngang ngực và đặt cánh tay lên đó.
- Đau lưng: Với người ngủ ngửa, hãy đặt một chiếc gối dưới đầu gối hoặc một chiếc khăn cuộn dưới lưng. Người ngủ nghiêng nên đặt một chiếc gối giữa hai đầu gối. Điều này tốt cho những người bị đau đầu gối và hông. Trong khi đó, những người hay ngủ sấp nên kê một chiếc gối dưới xương chậu và bụng dưới.
- Đau cổ: Cố gắng giữ cổ ở tư thế trung lập. Giữ gối cao hơn vai và tránh nằm sấp khi ngủ.
- Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, ngáy ngủ: Ngủ nghiêng hoặc nằm sấp để tránh lưỡi hoặc các mô ở cổ họng bị sụp xuống, ảnh hưởng đến việc thở.
- Trào ngược dạ dày: Kê cao đầu bằng gối hoặc nâng đầu giường.
- Viêm cân gan chân: Giữ bàn chân và mắt cá chân ở tư thế thoải mái để giúp giảm tình trạng viêm lòng bàn chân.