Bà Linh cho biết, từ năm 2003, tham gia công tác mặt trận, gắn với việc thường xuyên vận động các nguồn lực giúp đỡ người nghèo, người yếu thế, cá nhân bà cũng làm từ thiện từ thời điểm đó. Khi nghỉ hưu, bà được UBND huyện phân công phụ trách Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo, tiếp đến kiêm quản lý "Cửa hàng 0 đồng".
Đồng hành với bà Linh luôn có những người bạn già, cán bộ hưu trí, người dân bình thường, số ít người gia đình chỉ đủ ăn, đủ mặc nhưng yên tâm vì con cháu tự lập nên dành hết thời gian, tâm huyết cho việc làm từ thiện. Nghe ở đâu có hoàn cảnh khó khăn, bà Linh lặn lội tìm đến tận nhà thăm hỏi, xác minh, ghi chép tường tận và trở về kêu gọi sự giúp đỡ.
Thông qua Facebook và Zalo cá nhân, bà nêu cụ thể về tình hình người bệnh, gia cảnh, số tiền cần giúp đỡ và công khai số tiền, người ủng hộ theo từng đợt. Nhờ sự cụ thể, cẩn thận và rõ ràng trong trong cách làm, bà Linh được nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tin tưởng gửi gắm tấm lòng.
Bà Lê Thị Kim Linh (bìa phải) đến trao hỗ trợ cho 2 chị em cùng bị bệnh tan máu bẩm sinh.
Theo chân bà Linh đến trao tiền cho những hoàn cảnh khó khăn mới cảm nhận hết tấm lòng bà dành cho người nghèo. Dù chỉ tiếp nhận số tiền nhỏ, bà cũng khẩn trương đi trao, bởi chính bà sốt ruột: “Người bệnh đang cần mình thì đâu thể đợi lúc nhiều hay ít”. Mỗi trường hợp bà tới lui hàng chục lần bất kể ở xa đến đâu.
Như 2 chị em Phạm Thị Kiều Tiên và Phạm Thị Ngọc Dung (xã Hiệp Xương) bị bệnh tan máu bẩm sinh, bà Linh đã kêu gọi ủng hộ để 2 em có điều kiện điều trị hàng tháng và tiếp tục đi học. Có những chuyến đi, bà và mấy người bạn đồng hành tất tả trong mưa gió, đến nơi thì áo mưa bị gió “xé” rách toạc nhưng không ai trong họ bận tâm vì… đã quen rồi.
Trong 1 năm, số người bệnh được bà Linh vận động nhà hảo tâm giúp đỡ rất nhiều, có trường hợp được ủng hộ đến 100 triệu đồng, các em học sinh tiểu học tự gom góp những đồng tiền lẻ trao tận tay cho bà. An ủi hơn nữa là một số người mắc bệnh ung thư giai đoạn đầu, nhờ được hỗ trợ kịp thời đã chữa khỏi, nay trở lại khỏe mạnh, có thể làm việc kiếm sống.
Còn "Cửa hàng 0 đồng" từ khi khai trương (năm 2017) đến nay đã tiếp nhận hơn 20 tấn hàng, gồm: quần áo, giày dép, vật dụng, hàng tháng phân phát cho hộ nghèo các xã, thị trấn và người dân đến trực tiếp lựa chọn.
Không chỉ lo cho người nghèo, người bệnh tật, mà hoạt động nào cấp thiết trong xã hội bà Linh cũng kiến nghị Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo huyện thực hiện. Như tặng nước uống miễn phí cho "sĩ tử" thi tốt nghiệp THPT hàng năm, vận động khẩu trang tặng trong cộng đồng để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, trong đợt giãn cách xã hội đầu tiên, bà Linh đã sớm quyên góp tiền và nhu yếu phẩm trị giá khoảng 100 triệu đồng, đến tận nhà trao cho 560 người bán vé số đang gặp khó khăn.
Những ngày qua, theo dõi thời sự, thấy các tỉnh miền Trung thiệt hại nặng nề, bà tiếp tục kêu gọi các nguồn ủng hộ được 120 triệu đồng (tiền và hiện vật) để gửi đi cứu trợ. Hội những người bạn già cũng tham gia đóng góp, kêu gọi sự ủng hộ, cử con cháu lái xe đưa hàng hóa ra tận nơi.
Bà Linh tâm sự: “Ngày trước, tôi thường đọc các quyển sách kể chuyện về Bác Hồ, học được nơi Bác tính tiết kiệm, san sẻ, giúp đỡ người nghèo. Nhiều câu chuyện rất cảm động và trở thành động lực cho tôi. Giờ đây, với những người nghèo, bệnh tật, mỗi hoàn cảnh vượt qua “cửa tử” hay vơi bớt phần nào khó khăn đều khiến tôi thấy hạnh phúc và thấy việc làm của mình thêm ý nghĩa”.
MỸ HẠNH