Chủ tịch Tôn Ðức Thắng và các đại biểu tại Ðại hội Mặt trận thống nhất Việt Nam, ngày 31/1/1977. (Ảnh TTXVN)
Với 92 năm tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng, được Ðảng và Nhà nước phân công giữ nhiều trọng trách, Người đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Tấm lòng yêu nước, thương dân và tinh thần đấu tranh cách mạng sớm hình thành
Chủ tịch Tôn Ðức Thắng - Bác Tôn sinh ngày 20/8/1888 tại Cù lao Ông Hổ, làng An Hòa, tổng Ðịnh Thành, hạt Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) trong một gia đình trung nông.
Ra đời trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại xâm, các phong trào yêu nước thất bại và bị đàn áp khốc liệt, không khí chính trị ấy đã tác động rất sâu sắc đến nhận thức của Bác từ thuở thiếu niên. Bên cạnh đó, quê hương An Giang - giàu nghĩa tình và truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm - đã góp phần bồi đắp những phẩm chất cao quý trong tính cách và tâm hồn Tôn Ðức Thắng - vĩ đại trong cái bình thường, bình thường một cách vĩ đại.
Lúc thiếu thời, Bác Tôn học "nho học", chữ quốc ngữ và trường Pháp; tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc về nhân sinh quan cách mạng người thầy đầu tiên, nhà nho yêu nước Nguyễn Thượng Khách, trong nhóm "Ðông Kinh nghĩa thục" truyền bá. Khi trưởng thành, Bác quyết định chọn học làm thợ ở trường Bá Nghệ Sài Gòn và trở thành người công nhân thợ máy.
Mặc dù chưa tiếp cận chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng với tố chất thông minh, tinh thần yêu nước, người công nhân Tôn Ðức Thắng tổ chức, đi đầu và tích cực tham gia các cuộc bãi công, bãi khóa của công nhân xưởng Ba Son và học sinh trường Bá Nghệ. Chất người Tôn Ðức Thắng sớm hình thành và in đậm dấu ấn trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đó là chất hào hiệp của người Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam; chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản chân chính, chất nhân đạo và nhân văn sâu sắc.
Người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng và đức độ của cách mạng Việt Nam
Khi Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu (Trung Quốc) ra đời, Bác Tôn hăng hái gia nhập tổ chức này tại Sài Gòn và nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động ra các tỉnh. Kể từ đây, tư tưởng, tình cảm của Bác được soi sáng bởi quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối của cách mạng Việt Nam sau này.
Mặc dù chưa tiếp cận chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng với tố chất thông minh, tinh thần yêu nước, người công nhân Tôn Ðức Thắng tổ chức, đi đầu và tích cực tham gia các cuộc bãi công, bãi khóa của công nhân xưởng Ba Son và học sinh trường Bá Nghệ. Chất người Tôn Ðức Thắng sớm hình thành và in đậm dấu ấn trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đó là chất hào hiệp của người Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam; chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản chân chính, chất nhân đạo và nhân văn sâu sắc. |
Cuối năm 1929, Bác Tôn bị thực dân Pháp bắt giam ở Khám lớn Sài Gòn và bị kết án 20 năm khổ sai. Năm 1930, Bác bị đày ra Côn Ðảo. Với cực hình tàn bạo của chế độ nhà tù thực dân, nhưng Bác Tôn vẫn luôn giữ trọn khí tiết và niềm tin vào con đường cách mạng. Cũng chính tại nơi "địa ngục trần gian" này, Bác đã cùng với những chiến sĩ kiên trung khác "biến nhà tù thành trường học cộng sản" và thành lập Chi bộ Ðảng Cộng sản đầu tiên ở Côn Ðảo.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, từ Côn Ðảo trở về, Bác Tôn đã tham gia ngay cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ðầu năm 1946, Bác được điều động ra Hà Nội công tác bên cạnh Bác Hồ, Trung ương Ðảng và Chính phủ, với trọng trách Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội (tháng 3/1946), Phó Trưởng Ban Thường trực Quốc hội (tháng 11/1946), Bộ trưởng Bộ Nội vụ (tháng 4/1947), Trưởng Ban Trung ương vận động thi đua ái quốc (tháng 1/1948), Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội (năm 1948).
Tháng 1/1948, Bác Tôn được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Ðảng; tháng 3/1951 được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Mặt trận Liên Việt; tháng 9/1951 Bác được bầu làm Chủ tịch đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II (tháng 7/1960), Bác Tôn được bầu làm Phó Chủ tịch nước.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từ trần, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa III đã bầu Bác Tôn làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trải qua nhiều trọng trách được Ðảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, Bác Tôn luôn nêu cao tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước; ý chí cách mạng kiên cường; lòng trung thành, tận tụy; đạo đức trong sáng, mẫu mực, đức tính khiêm tốn, giản dị; tình thương yêu đồng chí, đồng bào; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết quốc tế vô sản, trong tác phẩm: "Tôn Ðức Thắng: Một con người bình thường - Vĩ đại", Thủ tướng Phạm Văn Ðồng đã khẳng định: "... Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Ðức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Ðức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người...".
Ngày 30/3/1980, Chủ tịch Tôn Ðức Thắng từ trần, Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Chính phủ và Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khẳng định: "Ðồng chí Tôn Ðức Thắng là một nhà yêu nước vĩ đại, người cộng sản kiên cường mẫu mực, người lãnh đạo kính mến của giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc nước ta, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ hết sức trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Ðồng chí đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời đồng chí đã suốt đời phấn đấu cho sự phát triển tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị anh em giữa nhân dân ta với nhân dân Liên Xô, nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác và phát triển tình hữu nghị với các dân tộc trên thế giới, vì lợi ích của sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội".
Người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhận thức rõ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Bác Tôn trực tiếp lãnh đạo Hội liên hiệp Quốc dân Việt Nam từ những ngày đầu mới thành lập, đồng thời tích cực ủng hộ chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với phương châm: Ðoàn kết với bất cứ ai có thể đoàn kết, tranh thủ bất cứ ai có thể tranh thủ, trung lập bất cứ ai có thể trung lập; phân hóa và cô lập cao độ kẻ thù, đồng thời tranh thủ cao nhất sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, mở rộng khối đại đoàn kết.
Chủ tịch Tôn Ðức Thắng - người tiêu biểu thực hiện xuất sắc tư tưởng đại đoàn kết của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với uy tín trong Ðảng, trong nhân dân và phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, Bác Tôn đã động viên, tập hợp đoàn kết các đảng phái, tôn giáo, dân tộc, các tầng lớp nhân dân dưới ngọn cờ Mặt trận. |
Chủ tịch Tôn Ðức Thắng - người tiêu biểu thực hiện xuất sắc tư tưởng đại đoàn kết của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với uy tín trong Ðảng, trong nhân dân và phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, Bác Tôn đã động viên, tập hợp đoàn kết các đảng phái, tôn giáo, dân tộc, các tầng lớp nhân dân dưới ngọn cờ Mặt trận.
Trong tác phẩm "Chủ tịch Tôn Ðức Thắng - Người con ưu tú của dân tộc, người chiến sĩ quốc tế kiên cường", đồng chí Võ Chí Công, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nhấn mạnh: "Chủ tịch Tôn Ðức Thắng là hình ảnh tiêu biểu cho chính sách đại đoàn kết dân tộc của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Suốt đời hoạt động của mình, Bác Tôn hết lòng chăm lo đoàn kết đồng chí, đoàn kết đồng bào, đoàn kết cả nước trong cuộc chiến chung vì độc lập thống nhất của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội" (1).
Gương mẫu về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân
Chủ tịch Tôn Ðức Thắng-tấm gương sáng về lòng yêu nước, trung thành, tận tụy, giản dị và khiêm tốn. Sống chân thành, nói ít làm nhiều, không ham địa vị, không màng vật chất, một lòng vì nước, vì dân. Bác Tôn là tấm gương tiêu biểu của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phẩm chất cách mạng với phong trào cách mạng giai cấp công nhân, dân tộc Việt Nam.
Phát biểu tại lễ tặng Huân chương Sao Vàng cho Bác Tôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Ðồng chí Tôn Ðức Thắng là người con ưu tú của Tổ quốc, suốt 50 năm đã không ngừng hoạt động cách mạng. 17 năm bị thực dân Pháp cầm tù, chín năm tham gia lãnh đạo kháng chiến, bốn năm phấn đấu để bảo vệ hòa bình thế giới và đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà...". "…Ðồng chí Tôn Ðức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: Suốt đời cần kiệm liêm chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân… Thay mặt Nhân dân và Chính phủ, tôi trân trọng trao tặng đồng chí Tôn Ðức Thắng Huân chương Sao Vàng, là Huân chương cao quý nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà đồng chí Tôn Ðức Thắng là người đầu tiên và là người rất xứng đáng được tặng Huân chương ấy" (2) .
Chiến sĩ quốc tế trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội
Bác Tôn là một trong những công nhân Việt Nam đầu tiên tham gia phong trào công nhân Pháp. Bác đã tham gia cuộc nổi dậy của hải quân Pháp ở Biển Ðen, kéo lá cờ đỏ trên chiến hạm Phơ-răng-xơ (tháng 4/1919), ủng hộ nước Nga (Xô-viết) - Nhà nước Xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, chống lại sự can thiệp vũ trang của đế quốc đối với Nhà nước Xô-viết non trẻ. Với hành động dũng cảm đó, Bác đã trở thành cầu nối của cách mạng nước Nga với cách mạng Việt Nam, nối liền cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới.
Gần 70 năm hoạt động cách mạng, với cống hiến to lớn liên tục, hiệu quả cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Chủ tịch Tôn Ðức Thắng được suy tôn làm Chủ tịch danh dự Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam; Ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới; Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Xô.
Ở mọi cương vị, Bác Tôn luôn chăm lo cho tình đoàn kết quốc tế, vun đắp, thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân trên thế giới và là người Việt Nam đầu tiên vinh dự nhận Giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Tôn Ðức Thắng luôn thẳng thắn đấu tranh vạch trần bản chất xâm lược của chủ nghĩa đế quốc trước nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình; tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Với công lao, đóng góp to lớn, tháng 12/1955, Chủ tịch Tôn Ðức Thắng vinh dự được Ủy ban Giải thưởng hòa bình quốc tế Stalin của Liên Xô trao tặng Giải thưởng Stalin "Về sự nghiệp củng cố hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc"; Ðoàn Chủ tịch Xô-viết Tối cao Liên Xô trao tặng Huân chương Lênin nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và huân chương hữu nghị của nhiều quốc gia.
Gần 70 năm hoạt động cách mạng, với cống hiến to lớn liên tục, hiệu quả cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Chủ tịch Tôn Ðức Thắng được suy tôn làm Chủ tịch danh dự Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam; Ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới; Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Xô.
Tự hào là quê hương của Chủ tịch Tôn Ðức Thắng, Ðảng bộ và nhân dân An Giang luôn kế thừa, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng; không ngừng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Ðảng và dân tộc.
Ðặc biệt, hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Ðảng khởi xướng và lãnh đạo; dưới ánh sáng Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc qua các nhiệm kỳ và ý chí tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; Ðảng bộ và nhân dân An Giang không ngừng vận dụng và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật Nhà nước phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, đã đạt được những thành tựu to lớn.
Từ tỉnh thiếu lương thực trong những năm đầu sau giải phóng (1975), đến nay An Giang trở thành một trong các tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu; là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long, An Giang quyết tâm trở thành trung tâm đầu mối về nông nghiệp, nguyên liệu thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo theo Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 22/4/2022 của Bộ Chính trị.
Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng. Quốc phòng-an ninh được bảo đảm; biên giới ổn định, hữu nghị, thân thiện. Khối đoàn kết toàn dân được tăng cường. Ðời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh không ngừng được nâng lên. Quyền làm chủ của nhân dân được tôn trọng và phát huy.
Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Ðại hội, mặc dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 dương (0,95%), năm 2022 đạt 6,87%; 6 tháng đầu năm 2023 đạt 6,5%. GRDP bình quân đầu người tăng đều hằng năm, năm 2021 đạt gần 49 triệu đồng/người/năm; năm 2022 đạt gần 54 triệu đồng/người/năm; năm 2023 ước đạt 61 triệu đồng/người/năm.
Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc và xây dựng nông thôn mới được thực hiện tốt. Lĩnh vực y tế được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân ngày càng cao. Các giá trị văn hóa được bảo tồn, phát huy. Tỉnh đang khẩn trương lập hồ sơ, trình UNESCO công nhận Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và công nhận khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê là di sản văn hóa vật thể nhân loại.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trở thành việc làm thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng và là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong đó, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn gắn liền với học tập tấm gương đạo đức của Chủ tịch Tôn Ðức Thắng và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương... được cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm túc, bài bản, có hệ thống, mang lại hiệu quả thiết thực.
An Giang tự hào là địa phương có bề dày lịch sử, giàu truyền thống yêu nước, anh hùng và cách mạng, vùng "địa linh nhân kiệt", quê hương Chủ tịch Tôn Ðức Thắng. Trải qua những thăng trầm lịch sử, nhân dân An Giang luôn anh dũng, kiên cường trong kháng chiến; cần cù, sáng tạo trong lao động; đoàn kết, nhân ái, giản dị, thủy chung trong cuộc sống. Ðây là những giá trị văn hóa, con người An Giang được các thế hệ gìn giữ và phát huy.
Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Bác Tôn, ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của Người, chúng ta càng thêm kính trọng và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc Chủ tịch Tôn Ðức Thắng - một chiến sĩ cách mạng kiên trung của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhà lãnh đạo mẫu mực của Ðảng, đã hiến dâng cả cuộc đời cho lý tưởng cộng sản, cho độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang nguyện đoàn kết một lòng, ra sức học tập, công tác, nêu cao ý chí tự lực tự cường, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, khai thác tiềm năng thế mạnh, tận dụng thời cơ và các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", xây dựng tỉnh An Giang ngày càng giàu đẹp - văn minh.
----------------------
(1) Tôn Ðức Thắng tiểu sử, Nxb CTQG, H.2007; tr.236.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2011, tập 11, tr.519-520.
TIẾN SĨ LÊ HỒNG QUANG
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang
Theo Nhân dân