Tấm lòng của những thầy thuốc đông y

21/11/2022 - 06:03

Với trách nhiệm, hết lòng với công việc và tấm lòng yêu thương cao cả, những người thầy thuốc đông y đã và đang miệt mài với công tác khám, chữa bệnh (KCB) cứu người bằng y dược cổ truyền, thầm lặng cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo Hội Đông y tỉnh An Giang, sau 40 năm thành lập và phát triển, từ 120 cơ sở chẩn trị chủ yếu bằng tre lá đến nay, hội đông y các cấp đã bao phủ 100% huyện, thị xã, thành phố; 100% xã, phường, thị trấn và gần 30% khóm, ấp đã thành lập phòng chẩn trị gắn liền chi Hội Đông y ấp. Tỉnh hiện có 1 Trung tâm Đông y - Châm Cứu cấp tỉnh, 4 Phòng chẩn trị đông y cấp huyện và 383 Phòng chẩn trị đông y cấp xã. Trong đó, có 48 phòng chẩn trị đông y ngoài trạm y tế, 131 phòng chẩn trị đông y cạnh trạm y tế và 304 phòng chẩn trị đông y khóm, ấp.

Các cơ sở chẩn trị của đông y 40 năm qua đã KCB cho hơn 119 triệu lượt với tổng trọng lượng thuốc nam các loại đã sử dụng trên 87 triệu tấn. Trong đó, có trên 85 triệu tấn dùng dưới dạng thuốc thang. Song song đó là các phong trào chung tay xây cất phòng chẩn trị miễn phí; lập vườn thuốc nam tự túc; tích cực trồng cây rau, cây cảnh, cây ăn trái làm tủ thuốc xanh quanh nhà; tham gia hoạt động sưu tầm, sơ chế, chế biến dược liệu, bào chế thuốc nam dạng cao đơn hoàn tán; mua sắm máy, thiết bị điện châm, Laser châm, máy phiến dược liệu, máy tán, máy làm viên... dụng cụ và vật tư cần thiết theo yêu cầu KCB và sản xuất tự túc thuốc phục vụ miễn phí, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Các phòng chẩn trị đông y luôn đảm bảo dược liệu phục vụ miễn phí cho người dân

Điển hình như Hội Đông y xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu) được người dân, các nhà hảo tâm, cán bộ, hội viên, những người hành nghề y, dược học cổ truyền trong và ngoài địa phương đóng góp với tổng số tiền hơn 1,75 tỷ đồng xây dựng cơ sở hội và mua sắm trang thiết bị chữa bệnh phục vụ công tác chăm lo sức khỏe nhân dân, như: Máy quang châm Laser, máy quang liệu, máy điều trị đau cột sống, máy điện châm, đèn hồng ngoại, máy Laser sóng ngắn.

Với cơ sở vật chất và trang thiết bị đó đã giúp nâng cao chất lượng KCB cho nhân dân trong và ngoài xã, trong đó có người dân Campuchia. Đồng thời, tỷ lệ KCB cũng được nâng cao, đạt từ 35 - 40% so với tỷ lệ KCB chung của Trạm Y tế xã. Hay phong trào trồng và bảo tồn dược liệu của Hội Đông y xã Long Điền B (huyện Chợ Mới) luôn được quan tâm phát triển.

Hàng năm, các hội viên và người dân trên địa bàn trồng và bảo tồn khoảng 8.000-10.000m2 cây thuốc nam các loại, góp phần nâng cao giá trị sử dụng của cây thuốc, vị thuốc trong chữa bệnh phục vụ nhân dân. Tiêu biểu như nông dân Nguyễn Văn Hồ, sau một thời gian tham gia sưu tầm thuốc, ông mong muốn bảo tồn các giống thuốc quý hiếm, nên sau những lần đi sưu tầm đã lựa chọn tìm các cây thuốc về trồng tại đất nhà.

Khởi đầu vào năm 2010, chỉ dành 1.000m2 đất để ươm giống nhưng đến nay, ông Hồ đã có 3.000m2 đất chuyên trồng 300 loại dược liệu, như: Trắc bá diệp quế, ô dước, hậu phát, cà dâm và một số loại dược liệu quý như ngải năm ông, gừng đen... Vườn thuốc của ông Hồ đã tiếp đón những đoàn khách tham quan của Trường Đại học Y dược Cần Thơ cũng như các thầy thuốc đông y trong và ngoài địa phương đến tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm về trồng và bảo tồn cây dược liệu quý hiếm.

Từ tấm lòng cao quý “Lương y như từ mẫu”, các thầy thuốc đông y trên địa bàn tỉnh đã tận tâm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho rất nhiều người dân bằng y dược cổ truyền. Anh Nguyễn Văn Chí Linh (TP. Châu Đốc) đang điều trị bệnh liệt nửa người do tai biến mạch máu não. “Sau khi bị tai biến, tôi đã chọn điều trị bệnh bằng đông y. Sau gần 3 tháng uống thuốc và châm cứu, tôi thấy bệnh đã thuyên giảm nhiều…” - anh Linh chia sẻ.

Đang được điều trị thoái hóa đốt sống cổ bằng máy Laser bán dẫn, ông Trần Văn Giang (huyện Châu Phú) cho biết: “Tôi bị thoái hóa đốt sống cổ nên cử động gây cảm giác đau đớn, khó chịu. Lúc đầu, tôi khám và chữa trị ở nhiều bệnh viện trong và ngoài tỉnh nhưng chi phí quá cao. Khoảng 2 tháng nay, tôi ngày nào cũng đến phòng chẩn trị đông y gần nhà châm cứu, thấy hiệu quả rõ rệt, giảm đau rất nhiều…”.

Bị thoái hóa đa khớp nặng nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên bà Lê Thị Ngọc (huyện Phú Tân) thường xuyên khám và điều trị bằng phương pháp đông y. Đến nay, đã được 15 ngày châm cứu, xoa bóp day ấn huyệt và uống thuốc, tình trạng đau nhức giảm rõ rệt.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu Ba (TX. Tân Châu) có chồng bị tai biến mạch máu não, sau khi chữa trị bằng phương pháp tây y, gia đình đã đến Phòng chẩn trị đông y xã để điều trị di chứng. “Chồng tôi bị tai biến cách nay hơn 1 tháng nên cùng chồng đến đây khám và tập vật lý trị liệu. Bây giờ, sức khỏe của chồng tôi đỡ hơn trước nhiều. Các thầy thuốc đông y khám nhiệt tình, ân cần, gia đình tôi vô cùng cảm kích...”.

TRỌNG TÍN