Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước tiếp tục dành nhiều sự quan tâm tới đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, đặc biệt là Nghị quyết số 02 ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, ban hành Bộ luật Lao động năm 2019, qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và hoạt động công đoàn, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người lao động.
Tám vấn đề lớn của của đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn kiến nghị đến với Đảng, Nhà nước.
Thông qua đại hội công đoàn các cấp, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhận được 445 ý kiến của công nhân, viên chức, lao động, cán bộ công đoàn cả nước bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, hiến kế kiến nghị với Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Trước đó, nhiều đề xuất, kiến nghị đã được nêu tại các chương trình đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với công nhân, lao động hàng năm, Diễn đàn Người lao động năm 2023 với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội và nhiều diễn đàn khác. Các cơ quan chức năng theo thẩm quyền đang quyết liệt nghiên cứu, đề xuất, trực tiếp triển khai các giải pháp giải quyết các kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, người lao động.
Thứ nhất, về việc ban hành, tổ chức thực hiện và đánh giá, tổng kết các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công nhân, Công đoàn:
Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và Kết luận 79-KL/TW về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Đề nghị Ban Bí thư quan tâm tiến hành kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 09/01/2016 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, lao động khu công nghiệp, khu chế xuất và Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; định hướng, có kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 52-CT/TW, 5 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW vào năm 2026.
Ban Bí thư nghiên cứu, ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, pháp luật cho công nhân. Đồng thời, khi sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2019, cần quy định mỗi năm người sử dụng lao động phải dành ít nhất 01 ngày để công nhân, người lao động được học tập chính trị, pháp luật; khuyến khích các đơn vị thương lượng để có nhiều hơn 01 ngày.
Thứ hai, về việc xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn:
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật, trong đó có pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích và trách nhiệm của người lao động và hoạt động công đoàn. Các dự án luật cần được khảo sát kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động trực tiếp; các quy định đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước, quan tâm bảo vệ đối tượng yếu thế, thúc đẩy sự cân bằng, hài hòa trong quan hệ lao động; giúp người lao động được thụ hưởng thành quả xứng đáng với sự đóng góp của họ trong gần 40 năm đổi mới đất nước.
Thứ ba, Đảng, Nhà nước quan tâm tính đặc thù của tổ chức Công đoàn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức hoạt động:
Công đoàn Việt Nam vừa là tổ chức chính trị- xã hội trong hệ thống chính trị nước ta, vừa là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động:
(1) Công đoàn được giao quản lý tài chính, tài sản theo hệ thống ngành dọc, xuyên suốt từ Tổng Liên đoàn xuống đến công đoàn cơ sở. Công đoàn tự thu kinh phí, đoàn phí để tổ chức hoạt động và đảm bảo duy trì bộ máy cán bộ công đoàn chuyên trách, tất cả hưởng lương từ Tổng Liên đoàn. Đây cũng là thông lệ chung của các nước trên toàn thế giới để đảm bảo Công đoàn độc lập với cơ quan nhà nước theo tiêu chuẩn lao động quốc tế. Do vậy, ngoài cán bộ làm công tác phong trào phục vụ tổ chức, công đoàn cần lực lượng cán bộ chuyên môn cấp thiết làm công tác tài chính.
(2) Số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở tăng nhanh do yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
(3) Công đoàn đối mặt với việc cạnh tranh thành viên và tổ chức hoạt động trong bối cảnh pháp luật cho phép ra đời tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ mới, khó khăn, nặng nề, chưa có tiền lệ, đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải đổi mới mạnh mẽ, đảm bảo nguồn lực đủ mạnh và sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, thường xuyên của các cấp ủy đảng, sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của các cấp chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Thứ tư, Đảng và Nhà nước đảm bảo các điều kiện hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh mới:
Với đặc thù tự đảm bảo thu- chi trong toàn hệ thống, thành viên và tổ chức phát triển nhanh, liên tục, nhiệm vụ ngày càng khó khăn, nặng nề, hệ thống Công đoàn đòi hỏi nguồn lực con người phải đủ về số lượng, không ngừng nâng cao về chất lượng để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong bối cảnh mới. Các cấp công đoàn rất ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước về tinh giảm biên chế, tinh gọn bộ máy theo tinh thần “giảm nơi thừa và người yếu”.
Những năm gần đây, các cấp công đoàn bám sát chỉ đạo chung, đã nghiêm túc thực hiện giảm biên chế trong toàn hệ thống. Tuy nhiên, so với yêu cầu đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, thì biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách hiện nay đang thiếu hụt lớn, nhiều công đoàn cấp trên cơ sở không đủ nhân lực để đến các doanh nghiệp vận động, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; một tỉ lệ không nhỏ LĐLĐ cấp huyện chỉ có từ 3-4 cán bộ công đoàn chuyên trách, thậm chí chỉ có 2 cán bộ, dẫn đến việc phân công nhiệm vụ gặp khó khăn (mỗi cơ quan công đoàn đều cần phân công 1 kế toán, 1 thủ quỹ kiêm nhiệm các công việc khác), trong khi khó có thể phân công đồng chí chủ tịch hoặc phó chủ tịch kiêm giữ chức danh nghề nghiệp này.
Cá biệt một số cấp ủy địa phương lựa chọn cán bộ làm lãnh đạo công đoàn chưa phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ và yêu cầu ngày càng cao của tổ chức Công đoàn; có nơi trong thời gian ngắn thay đổi nhiều cán bộ công đoàn chủ chốt, nhất là người đứng đầu, dẫn đến chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn bị ảnh hưởng.
Việc tuyển dụng cán bộ công đoàn ở các địa phương được tổ chức cùng đợt tuyển dụng cán bộ cho cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị với những yêu cầu, tiêu chuẩn, điều kiện cơ bản giống nhau trên cơ sở các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, có mặt không còn phù hợp với chuyên môn ngày càng sâu của cán bộ công đoàn trước yêu cầu mới. Hoạt động công đoàn ngày càng hội nhập sâu rộng, triển khai chủ yếu ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, đòi hỏi cán bộ công đoàn phải có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết; điều này phù hợp với việc tuyển dụng đội ngũ cán bộ công đoàn chủ yếu trưởng thành từ cơ sở, nhất là chủ tịch công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp.
Tại Đại hội này, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Đại hội trân trọng đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng quan tâm có cơ chế phân bổ biên chế phù hợp với số lượng đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm được thí điểm thực hiện cơ chế tuyển dụng cán bộ từ nguồn cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân theo Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Cùng với việc quan tâm, bổ sung biên chế và cho thí điểm cơ chế tuyển dụng cán bộ công đoàn, trân trọng đề nghị Đảng, Nhà nước trong việc sửa đổi Luật Công đoàn sắp tới cần quan tâm tiếp tục duy trì kinh phí công đoàn như Luật hiện hành, đảm bảo nguồn lực đủ mạnh để Công đoàn Việt Nam chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong bối cảnh cạnh tranh công đoàn; ban hành các quy định nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn, nhất là cho phép công đoàn có quyền độc lập (chứ không chỉ tham gia) giám sát việc chấp hành pháp luật liên quan đến người lao động đối với người sử dụng lao động; trách nhiệm của người sử dụng lao động trong phối hợp với công đoàn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở để đảm bảo quyền làm chủ của người lao động.
Thứ năm, Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy người lao động có việc làm bền vững, lương đủ sống và đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người lao động:
Cần đột phá trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới quản lý nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, thực hiện đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo kỹ năng, đào tạo công nghệ theo yêu cầu cách mạng 4.0 cho công nhân.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, nhất là thu hút các dự án đầu tư của doanh nghiệp có công nghệ cao, năng lực quản trị tốt, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm xã hội. Hạn chế thu hút các doanh nghiệp thâm dụng lao động, ý thức chấp hành pháp luật thấp, trách nhiệm xã hội không cao.
Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới chế độ lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống cho người lao động.
Huy động nguồn lực toàn xã hội thúc đẩy Đề án một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030; quan tâm quy hoạch, xây dựng trường học, cơ sở khám chữa bệnh nơi có đông công nhân; hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giúp người lao động nhận rõ lợi ích, có niềm tin ở lại lâu dài với hệ thống bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho người lao động không chỉ lúc đang làm việc mà cả lúc họ nghỉ hưu.
Thứ sáu, sớm nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của công nhân, lao động:
Chính phủ giao Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu sớm thực hiện nội dung Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (Nghị quyết số 101/2019 / QH14) "Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp”, hướng tới đảm bảo sự công bằng giữa thời giờ làm việc của người lao động khu vực cơ quan, hành chính nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần); tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc con cái, đảm bảo hạnh phúc gia đình.
Nghiên cứu tăng ngày nghỉ lễ, tết hàng năm vào thời điểm thích hợp, vì số ngày nghỉ này của nước ta đang thấp hơn bình quân chung của các nước Đông Nam Á và thế giới từ 5-6 ngày. Nghiên cứu bổ sung tăng 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh (nghỉ từ mùng 2-5/9), tạo cơ hội cho công nhân được đưa con đến trường trong ngày khai giảng. Đây là nguyện vọng rất thiết tha của số đông công nhân có con đang tuổi đến trường.
Thứ bảy, tăng cường quản lý nhà nước, hạn chế tình trạng người sử dụng lao động vi phạm pháp luật đối với người lao động:
Thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, nhất là các doanh nghiệp không hoặc chậm trả lương, trốn đóng bảo hiểm xã hội, để xảy ra tai nạn lao động, gây khó khăn cho hoạt động công đoàn và người lao động.
Khắc phục tình trạng bỏ qua hoặc xử nhẹ doanh nghiệp vi phạm pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích người lao động của chính quyền một số địa phương. Đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng pháp luật việc việc thành lập và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, không để lợi dụng việc thành lập, hoạt động để xâm phạm quyền lợi người lao động, gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm mất an ninh, trật tự.
Chính phủ sớm có chủ trương trình cấp có thẩm quyền có chính sách đặc thù giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho hơn 200 nghìn người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp giải thể, pháp sản, chủ bỏ trốn hoặc tái cơ cấu.
Thứ tám, tăng cường hơn nữa trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy và sự phối hợp của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp đối với hoạt động công đoàn:
Lãnh đạo cấp ủy các cấp, nhất là những địa phương, ngành có đông công nhân, quan hệ lao động phức tạp cần định kỳ làm việc với ban thường vụ công đoàn các cấp; lựa chọn cán bộ có năng lực, trình độ, hiểu biết về công nhân, công đoàn, nắm vững chính sách, pháp luật, có phương pháp vận động quần chúng tốt làm cán bộ công đoàn, đảm bảo ổn định, ít nhất là ½ nhiệm kỳ.
Chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu vào cấp ủy các cấp tỉ lệ cần thiết cán bộ trưởng thành từ công nhân, phong trào công nhân và công đoàn. Những địa phương có đông công nhân cần quan tâm cơ cấu đồng chí chủ tịch liên đoàn lao động là ủy viên thường vụ cấp ủy theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Chính quyền các cấp tích cực phối hợp với công đoàn trong việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi người lao động; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; giải quyết tranh chấp lao động tập thể. Người đứng đầu chính quyền định kỳ đối thoại để lắng nghe và giải quyết các vấn đề bức xúc của công nhân, lao động và công đoàn.
Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, các tổ chức và doanh nghiệp cần tích cực phối hợp hơn nữa với công đoàn các cấp trong việc chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, hội viên và người lao động.
Những kiến nghị trên đây là mong muốn, nguyện vọng chung của đông đảo công nhân lao động và cán bộ công đoàn cả nước trân trọng gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Kính mong được lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ghi nhận, quan tâm xem xét, giải quyết.
Theo XM/Báo Tin tức