Tân Châu đạo, ngày ấy và bây giờ

22/11/2022 - 07:05

 - Địa giới hành chính của Tân Châu (tỉnh An Giang) được hình thành từ năm 1757, khi vua nước Chân Lạp dâng đất Tầm Phong Long để tạ ơn chúa Nguyễn. Trên đất Tầm Phong Long, Thế Tông năm thứ 19 cho lập đạo Tân Châu, đạo Châu Đốc, đạo Đông Khẩu thuộc dinh Long Hồ, phủ Gia Định và Tân Châu được hình thành từ thời điểm đó.

Từ lúc mở cõi

Năm 2007, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Châu tổ chức hội thảo khoa học “Tân Châu đạo 250 năm hình thành và phát triển”. Hội thảo rất thành công vì đã huy động được đông đảo lực lượng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu mang đến nhiều tham luận, phân tích toàn diện, khoa học về lịch sử hình thành của một vùng đất. Nhiều tư liệu quý về Tân Châu đã được tập hợp, khẳng định quá trình hình thành và phát triển của Tân Châu ngày nay là cả một quá trình đấu tranh gian khổ của ông cha.

Đến nay, TX. Tân Châu có 4 xã được công nhận nông thôn mới, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Từ đó đến nay, trải qua 265 năm hình thành và phát triển từ đạo Tân Châu xưa, nay là TX. Tân Châu đã không ngừng "thay da, đổi thịt", phát triển vượt bậc. Thị xã đã trở thành đầu tàu trong phát triển kinh tế ở phía Bắc của tỉnh. Có thương mại phát triển, trở thành một trung tâm kinh tế sầm uất nhất trong vùng, mở ra giao thương với các nước trong khu vực.

Nếu thời khai hoang mở cõi, đời sống của cư dân 2 bên bờ sông Tiền, sông Hậu sống chủ yếu dựa vào thiên nhiên thì nay, người dân nơi đây đã biết phát huy lợi thế so sánh để làm ra sản phẩm bán cho khắp thế giới. Sản phẩm xuất khẩu không chỉ có lúa gạo mà còn có rau màu, cá tra. Nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi tư duy, “bán cái thị trường cần, không bán cái mình có”.

Ông Huỳnh Quang Ngự (nguyên Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã nhiệm kỳ 2015-2020, người có nhiều thời gian, công sức cho nghiên cứu về lược sử hình thành Tân Châu đạo) chia sẻ, ngay sau khi Thế Tông năm thứ 19 cho lập đạo Tân Châu, lúc đó đạo Tân Châu trải dài từ biên giới Campuchia đến cù lao Giêng. Lỵ sở của đạo Tân Châu ban đầu đặt ở cù lao Giêng, sau dời về thôn Long Sơn. Lúc mới thành lập, dân cư ở đây thưa thớt, ngoài quân binh đồn trú, còn có những người dân được mộ hoặc tự đi khai phá đất hoang gồm một bộ phận người Việt, người Hoa, người Chăm...

Đến khi có Đảng  

Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào chống Pháp ở Tân Châu rất sôi nổi, nhưng những cuộc đấu tranh đều lần lượt thất bại. Nguyên nhân là do tự phát, không có một đảng lãnh đạo. Tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh chống áp bức, bóc lột, chống ngoại xâm của nhân dân Tân Châu rất cao, thể hiện trong những cuộc đấu tranh chống triều đình phong kiến, chống quân xâm lược, giữ yên bờ cõi, tạo nên truyền thống cách mạng kiên cường.

Đây là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy Đảng bộ Tân Châu ra đời ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Và cuối tháng 4/1930, đồng chí Lê Văn Sô, Đặc ủy viên Đặc ủy Hậu Giang đến Tân Châu xây dựng Chi bộ xã Long Sơn, đây là chi bộ đầu tiên của quận Tân Châu. Ngày 9/5/1930, quận ủy lâm thời Tân Châu được thành lập.

Sau Cách mạng Tháng Tám, nhân dân Tân Châu tham gia xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, nhiệt tình hưởng ứng “Tuần lễ vàng”, đóng góp nhiều tư trang, mâm thau, nồi đồng, lư đồng, tiền bạc cho cách mạng. Trong gần 16 tháng (từ sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công), quân và dân Tân Châu đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, chăm lo đời sống nhân dân, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Nếu như 265 năm trước, vùng đất này với điều kiện sống khắc nghiệt, dân cư thưa thớt thì 265 năm sau, trải qua nhiều thời kỳ phát triển, đến nay Tân Châu là địa phương có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Tân Châu có thế mạnh trong phát triển kinh tế biên mậu, đồng thời là địa phương có nhiều lợi thế về thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp. TX. Tân Châu được Trung ương chọn để xây dựng bến cảng quốc tế, tiền đề quan trọng trong phát triển giao thương với các nước trong khối ASEAN…

“Thành tích nổi bật trong sản xuất của Tân Châu sau năm 1975 là phong trào dẫn thủy nhập điền. Đẩy mạnh chuyển vụ, đồng thời đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, sản lượng lương thực trên địa bàn không ngừng tăng lên. Năm 1977, chỉ trong vòng 100 ngày đêm, nhân dân trong huyện đã đào xong con kênh 5 xã. Khối lượng đào đắp lúc này hơn nửa triệu mét khối đất. Đây là tiền đề quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn về sau…” - Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Đặng Văn Nê nhớ lại.

MINH HIỂN