Tản mạn Trung thu

21/09/2018 - 07:44

 - Đối với mỗi người, Trung thu là những nỗi khắc khoải, hoài niệm riêng biệt. Trung thu khác với Tết. Dẫu bận bịu trăm công nghìn việc, người ta vẫn dành thời gian “ăn Tết”, cực chẳng đã mới cắn răng “quên” đi. Nhưng nhiều lần trong cuộc đời, người ta bỏ rơi mùa Trung thu, vì nghĩ rằng, trăng đêm rằm nào cũng vành vạnh như nhau!

Trung thu là Tết của thiếu nhi, của câu chuyện cổ tích “Chú Cuội”. Chú Cuội tiếc cây đa đến mức bay về trời theo cây, để rồi ngày ngày trông ngóng về cố xứ. Chị Hằng, thỏ ngọc là các nhân vật huyền ảo, hư cấu. Vậy mà tất cả tạo thành ký ức tuyệt đẹp trong lòng bọn nhỏ. Chú Cuội chân chất thật thà, tốt bụng; chị Hằng xúng xính váy áo trắng tinh, là tiên nữ giáng trần; thỏ ngọc xinh xắn, đáng yêu… tụ hội về trong đêm trăng. Trẻ em được nuôi dưỡng ước mơ, trí tưởng tượng từ những điều nhỏ bé, để thấy Trung thu là một sự kiện thật kỳ diệu của tuổi thơ. Ở đó, có những chiếc lồng đèn đủ màu sắc, kiểu dáng, góp thêm chút ánh sáng rực rỡ cho đêm trăng. Có những món quà và sự quan tâm của người lớn dành cho các em, giữ cho các em khung trời lung linh, viên mãn như trăng tròn tháng 8. Trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, khuyết tật, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn, hải đảo, ở trung tâm nuôi dưỡng... đều được tận hưởng ngày hội của lứa tuổi mình. Năm ngoái, ở chùa Rô (Tịnh Biên), một nhóm bạn trẻ xây dựng chương trình “Vui hội trăng rằm”, các tình nguyện viên hóa trang thành nhiều nhân vật ngộ nghĩnh. Những em học sinh người dân tộc thiểu số Khmer quần áo bạc phếch, cũ mèm, lần đầu nhìn thấy “chị Hằng”, “chú Cuội” ngoài đời thực, cứ chạy theo nhìn cho rõ, rồi níu tay, sờ vào trang phục biểu diễn của tình nguyện viên. Dĩ nhiên, các em đủ lớn để hiểu rằng đó chỉ là diễn kịch. Nhưng mọi thứ vẫn gây ấn tượng rất sâu sắc với các em, bởi phum sóc nghèo, điều kiện vùng sâu, vùng xa hạn chế, sẽ chẳng thể có váy áo hóa trang sặc sỡ, lung linh, chẳng có trò chơi nhảy múa tưng bừng như phố thị. Chỉ một đêm thôi, các em đã có thêm niềm tin vào cuộc đời, vào thế giới bao la, rộng lớn xung quanh mình.

Một nhóm bạn trẻ chuẩn bị lồng đèn tặng quà cho thiếu nhi nghèo vui Trung thu

Trung thu là dịp để người ta tỏ lòng quý mến nhau, bằng những chiếc bánh chứa chan ân tình. Lúc này, Trung thu chẳng còn là của riêng thiếu nhi nữa. Người ta mượn chiếc bánh để giữ liên hệ với nhau, để tặng cho nhau chút ngọt ngào, để nhờ vả, để đền ơn… Chiếc bánh nhẹ, nhưng nặng tiền, nặng tình, đôi lúc nặng tính toán. “Có con nhỏ nên năm nào tôi cũng mua nhiều hộp bánh trung thu để tặng cô giáo, bảo mẫu đang dạy học, chăm sóc con mình. Rồi phải mua bánh trung thu tặng cấp trên, gia đình bên vợ, bên chồng… Hộp bánh chọn mua thế nào để vừa ngon, vừa phù hợp túi tiền, vừa lịch sự, trang trọng, thể hiện rằng mình nhớ đến họ, quý trọng họ và hộp bánh là một trong những cử chỉ thiết thực biểu hiện tấm lòng mình. Lễ nghĩa mà, phải duy trì thôi. Bản thân tôi, mỗi khi được đối tác, người quen tặng hộp bánh, có khi chẳng sử dụng, nhưng cảm thấy vui vẻ vì được quan tâm” - anh Nguyễn Minh Hoàng chia sẻ.

Những nụ cười trong Trung thu của thiếu nhi

Trung thu là Tết đoàn viên, của giây phút quây quần phá cỗ, sum họp của mỗi gia đình. Chiếc bánh trung thu được cắt thành nhiều miếng nhỏ, mỗi người nhâm nhi một miếng “lấy vị” - như cách chia sẻ ngọt bùi của cuộc sống - rồi cảm nhận mùi thơm, độ ngọt của bánh thấm vào lòng. Họ trò chuyện, tâm sự, nhắc lại những sự kiện đáng nhớ, cứ như một hội nghị gia đình. Những hình ảnh đẹp ấy giờ dần trôi vào dĩ vãng, vào thơ ca. Trung thu đâu ai được nghỉ làm để về quê với cha, mẹ. Công việc bộn bề cuốn trôi, người lớn suýt quên chở đám nhỏ đi chơi Trung thu. Nhà ở phố san sát, che chắn nhau, ánh trăng chẳng mảy may lọt vào mắt người, lấy gì mà ngắm. Tụi nhỏ có khi thích máy tính bảng, tivi hơn là ngồi nghe kể chuyện cổ tích. Chiếc lồng đèn chạy bằng pin, tuy vui tai, vui mắt, nhưng ở trong nhà chơi một mình thì vui được bao lâu! Vậy là đêm Trung thu trôi qua, chẳng có gì đáng nhớ đọng lại. Lúc ấy, nhiều người lại hoài niệm “hồi xưa”: “Nghèo khó tới mức cơm chẳng đủ ăn, nên lồng đèn là món đồ xa xỉ lắm. Anh, chị tôi bày cách lấy lon sữa bò, đục lỗ, gắn bánh xe... rồi để đèn cầy vào. Sau đó, tôi theo đám bạn trong xóm, ra bãi đất trống, thi xem “lồng đèn” đứa nào sáng lâu nhất. Đồ chơi chẳng có gì đẹp, nhưng đứa nào cũng được buổi tối” - chị Phạm Khả Tú (35 tuổi, ngụ xã Bình Hòa, Châu Thành) nhớ lại.

Trung thu năm nay, tôi đi công tác xa nhà. Ở xứ lạnh Đà Lạt, chẳng dày đặc quầy bán bánh trung thu, lồng đèn xanh đỏ như quê nhà. Không khí Trung thu chìm trong mưa ào, trong sương mù, trong sắc hoa ướt đẫm. Có lẽ do nơi chúng tôi ở cách xa trung tâm, nên Trung thu chưa kịp về cùng rừng thông vắng lạnh. Tạm xa gia đình, chúng tôi tự nhủ sẽ bù đắp lại cho họ vào mùa trăng rằm tháng 8 năm sau, năm sau nữa. Ở nơi xa này, chúng tôi - những người đồng nghiệp, đồng hương - ngồi bên ly cà phê nóng, xem như là đoàn viên, trò chuyện về đời, về nghề, về người, về mình. Chắc chắn, mùa Trung thu này sẽ rất đặc biệt, trở thành ký ức khó quên, mà một mai muốn tìm lại cũng chẳng thể được nữa rồi…

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG