Ngồi trong căn nhà mới khang trang, chú Nguyễn Thành Đảm (sinh năm 1964, thương binh ngụ ấp An Thạnh, xã Hòa Bình, Chợ Mới) chia sẻ: “Tôi bị thương ở chiến trường Campuchia năm 1986, phải cắt bỏ chân trái, chân phải cũng bị mảnh đạn ghim vào gãy xương, chân biến dạng, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Bị thương, trở về với 2 bàn tay trắng, thân không thể lao động với 1 chân yếu ớt, được gia đình cho 1 công đất ruộng thuê người làm sống khá vất vả, nhưng nhờ có Đảng, Nhà nước quan tâm, thường xuyên động viên, hỗ trợ, nên mới có cuộc sống ổn định tới ngày hôm nay, có được một gia đình hạnh phúc. Mỗi tháng, tôi nhận trợ cấp trên 3,2 triệu đồng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, đau ốm Nhà nước lo 100% chi phí, tôi chỉ tốn tiền ăn uống, sinh hoạt”. Chú Đảm cho biết, 2 lần được Nhà nước hỗ trợ nhà, mới đây vừa được hỗ trợ 60 triệu đồng cất lại căn nhà mới. Chú rất ấm lòng, hơn 30 năm nay nếu không được Nhà nước trợ cấp hàng tháng cuộc sống sẽ rất khó khăn, vất vả.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình trao Huân chương Kháng chiến cho các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng
Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đặng Thị Hoa Rây cho biết: “Năm 2017, toàn tỉnh vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên 10,4 tỷ đồng; đã hỗ trợ cất mới 143 căn nhà Tình nghĩa và sửa chữa 98 căn nhà, với kinh phí trên 9,5 tỷ đồng, góp phần ổn định nhà ở cho 241 NCC. Hơn 3.700 hộ NCC được hỗ trợ nhà ở (theo Quyết định số 3371/QĐ-UBND của UBND tỉnh). 156/156 xã, phường, thị trấn đều được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, thực hiện đúng đủ chế độ ưu đãi theo quy định, quan tâm chăm sóc NCC với cách mạng”.
Năm nào cũng vậy, các hoạt động chăm lo gia đình chính sách NCC luôn được quan tâm. Tết Nguyên đán năm 2017, UBND tỉnh trợ cấp quà (bằng tiền) cho trên 32.360 NCC và thân nhân với kinh phí gần 20 tỷ đồng; 15.000 NCC được Chủ tịch nước tặng quà Tết trên 3 tỷ đồng. Ở các địa phương tổ chức đoàn đi thăm, tặng quà cho trên 3.100 đối tượng và gia đình có công với cách mạng, với kinh phí trên 2 tỷ đồng; họp mặt, tặng quà trên 3.200 đối tượng, với kinh phí gần 900 triệu đồng. Một số cơ quan, doanh nghiệp thăm, tặng quà cho trên 780 NCC và gia đình chính sách, với kinh phí trên 350 triệu đồng...Kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ, UBND tỉnh chi tiền quà lễ cho trên 15.000 NCC theo quy định, với số tiền 8,2 tỷ đồng; tiền quà của Chủ tịch nước đối với gần 12.000 đối tượng, với số tiền trên 2,4 tỷ đồng...
Tặng quà cho gia đình chính sách TP. Long Xuyên
Theo bà Đặng Thị Hoa Rây, năm 2017, tỉnh tổ chức đưa 50 NCC gặp gỡ lãnh đạo Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, viếng Đền Hùng. Trên 6,6 tỷ đồng hỗ trợ điều dưỡng và trang cấp phương tiện trợ giúp-dụng cụ chỉnh hình đối với NCC; đưa 1.100 NCC đi điều dưỡng. 132 Bằng “Tổ quốc ghi công” được Thủ tướng Chính phủ ký tặng cho các gia đình liệt sĩ từ trước đến nay chưa có bằng và cấp lại 440 Bằng “Tổ quốc ghi công” đã hư hỏng cho các gia đình liệt sĩ... 701 bà mẹ được Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Trong đó, 28 bà mẹ còn sống được các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Ngoài chế độ trợ cấp theo quy định, các bà mẹ còn được hỗ trợ thêm từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/tháng. Tất cả các bà mẹ đều có nhà ở và được chính quyền, đoàn thể địa phương thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe.
Cùng với việc thực hiện các chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi thường xuyên theo quy định của Nhà nước, công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC theo hướng xã hội hóa ngày càng phát triển sâu rộng, huy động được mọi tầng lớp Nhân dân, xã hội tham gia, thể hiện sâu sắc truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc phối hợp Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) tổ chức trao tặng 15 xe lăn cho các cựu chiến binh và 75 phần quà cho các gia đình chính sách tại TP. Long Xuyên, với tổng giá trị gần 100 triệu đồng. TS.BS Lư Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc chia sẻ: “Bên cạnh chăm lo sức khỏe cho người dân, những chương trình thiện nguyện khám bệnh miễn phí cho gia đình chính sách, bà con vùng khó khăn luôn được ưu tiên thực hiện, hy vọng mang đến cho các gia đình chính sách niềm vui, cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Cầm trên tay phần quà, bà Trần Thị Vẹn (64 tuổi), gia đình liệt sĩ, ngụ phường Mỹ Thới (TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Mỗi năm, cứ đến ngày lễ kỷ niệm chúng tôi được Mạnh Thường Quân quan tâm hỗ trợ. Hàng tháng được lãnh trợ cấp, còn được hỗ trợ tiền cất, sửa nhà”. Bà Đỗ Thị Thuận (thương binh 3/4) cho biết: “Tôi bị thương ở đầu năm 1972, hàng tháng được lãnh hơn 1,1 triệu đồng/tháng. Chồng cũng là thương binh, được hỗ trợ 30 triệu đồng sửa nền nhà, gia đình chăn nuôi thêm nên cuộc sống rất ổn định”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng: “Những năm qua, Đảng, Nhà nước dành nguồn kinh phí rất lớn chăm lo gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ, NCC, góp phần cải thiện và ổn định cuộc sống NCC với cách mạng và thân nhân của họ. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Bên cạnh sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cần sự đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp cùng chăm lo cho các gia đình chính sách, NCC, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
Toàn tỉnh có trên 38.000 NCC với cách mạng và thân nhân NCC đã được công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi của Nhà nước. Trong đó có gần 10.000 NCC và thân nhân của họ đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng từ ngân sách của Nhà nước, với kinh phí 145 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, 1.200 người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước được hưởng trợ cấp 1 lần; trên 2.500 học sinh, sinh viên là con của NCC đủ điều kiện được hưởng chế độ ưu đãi về giáo dục-đào tạo, với kinh phí trợ cấp trên 2,2 tỷ đồng/năm.... |
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU