Tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở TX. Tịnh Biên

30/06/2023 - 06:37

 - Xác định đào tạo nghề và giải quyết việc làm là chìa khóa nâng cao thu nhập cho người dân, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TX. Tịnh Biên triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ đó, giúp giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.

Đẩy mạnh đào tạo nghề

Tịnh Biên là một trong những địa phương có dân số đông trong tỉnh, với 108.720 người, 67.224 lao động từ 15 tuổi trở lên, chiếm khoảng 61,83% dân số. Thời gian qua, xác định đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Phòng LĐ-TB&XH TX. Tịnh Biên triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.

Trưởng phòng LĐ-TB&XH TX. Tịnh Biên Lý Kim Thoa cho biết, TX. Tịnh Biên xác định mục tiêu “Tỷ lệ lao động được đào tạo so tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân là 47%”. Từ mục tiêu đề ra, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, Phòng LĐ-TB&XH tham mưu UBND thị xã, ban hành một số văn bản chỉ đạo và triển khai thực hiện.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được TX. Tịnh Biên quan tâm triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ

Với việc thực hiện đồng bộ các chương trình, kế hoạch đề ra đã mang về những kết quả tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2023, có 459 lao động nông thôn được đào tạo nghề. Các nghề đào tạo, như: Xây dựng dân dựng, kỹ thuật chế biến đường thốt nốt viên, kỹ thuật phun thuốc và sửa chữa máy phun thuốc bảo vệ thực vật, may công nghiệp, dệt thổ cẩm Khmer, kỹ thuật chăn nuôi gia súc gắn với mô hình giảm nghèo... Trong đó, 377 lao động được hỗ trợ học nghề theo chính sách. Đến nay, bế giảng 6 lớp, 175 học viên, số lao động có việc làm sau đào tạo là 133 lao động.

Những con số trên có thể thấy, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm góp phần nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân. Đồng thời, tạo chuyển dịch cơ cấu lao động, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; giúp giảm nghèo bền vững trên địa bàn các xã nằm trong lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Theo đánh giá của Phòng LĐ-TB&XH TX. Tịnh Biên, các chỉ tiêu học nghề và tỷ lệ giải quyết việc làm sau học nghề hiện đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm vẫn còn gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân.

Trưởng phòng LĐ-TB&XH TX. Tịnh Biên Lý Kim Thoa cho biết, vẫn còn trên 20% lao động sau khi học nghề chưa có việc làm tăng thêm và tham gia làm việc ở các công ty trong và ngoài tỉnh. Sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ngành chức năng và các doanh nghiệp (DN) ở địa phương đôi lúc chưa chặt chẽ, ảnh hưởng đến chỉ tiêu đào tạo và việc làm sau khi đào tạo.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, tư vấn ở một số địa phương chưa thực hiện thường xuyên và sâu rộng. Một bộ phận người dân chưa có nhận thức tích cực về ý nghĩa và hiệu quả của việc học nghề. Mặt khác, các khu công nghiệp trong tỉnh chưa thu hút được nhiều DN đến đầu tư, mở thêm ngành nghề mới để thu hút lao động. Nhiều DN trong và ngoài tỉnh hiện nay chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông nên đã thu hút nhiều lao động đi làm ngay không cần qua đào tạo…

Trên cơ sở những kết quả đạt được, đồng thời hạn chế, khắc phục những khó khăn, thời gian tới, Phòng LĐ-TB&XH TX. Tịnh Biên sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; thông tin về kế hoạch, xu hướng đào tạo của các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm… Phối hợp tổ chức ngày hội tư vấn học nghề, việc làm cho học sinh, người lao động nhằm định hướng và lựa chọn ngành, nghề phù hợp điều kiện của bản thân, gia đình và nhu cầu của thị trường lao động.

Phòng LĐ-TB&XH tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia của các cấp, ngành và toàn xã hội để tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ các cơ sở dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích các DN, cá nhân sử dụng lao động tham gia đào tạo nghề.

Thực hiện tốt và kịp thời các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, nhằm tạo điều kiện cho người lao động thuộc hộ nghèo, lao động nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, bộ đội, các đối tượng đặc thù... có điều kiện tham gia học nghề. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác giáo dục nghề nghiệp; tình hình quản lý và sử dụng kinh phí đầu tư để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp…

ĐỨC TOÀN