Còn nhiều hạn chế
Theo Cục Chăn nuôi, thời gian qua, đàn bò và gia cầm nhìn chung phát triển tốt, tổng số gia cầm hiện có 520 triệu con, tổng số bò gần 5,9 triệu con. Tổng đàn lợn hiện đạt 27,3 triệu con. Mặc dù tăng trưởng khá, song giá trị sản phẩm làm ra lại chưa đạt như mong muốn. Lý giải vấn đề này, theo các chuyên gia, tiêu chuẩn khó nhất đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam là SPCN phải xuất phát từ vùng hoặc cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB), trong khi số doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu này lại quá ít. Đến nay, toàn quốc mới có 32 vùng ATDB (trong đó có 31 vùng cấp huyện và một vùng cấp tỉnh), 138 cơ sở ATDB cấp xã và 1.662 cơ sở ATDB cấp trang trại. Nguy cơ dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đơn cử từ tháng 10-2020 đến nay, bệnh dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu xuất hiện ở nước ta. Chăn nuôi nhỏ lẻ thì chiếm phần lớn, công tác quản trị kém làm giảm năng suất và tăng giá thành SPCN. Công tác kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm (ATTP) và môi trường vẫn còn nhiều bất cập, nhất là khu vực chăn nuôi nông hộ và giết mổ nhỏ lẻ. Dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa khống chế được, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng và làm phát sinh nhiều chi phí đầu vào của sản xuất chăn nuôi. Nhiều cơ sở chăn nuôi xử lý chất thải chưa đáp ứng yêu cầu, vừa gây ô nhiễm môi trường vừa lãng phí nguồn phân bón hữu cơ chất lượng cho cây trồng. Số lượng các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, không bảo đảm ATTP vẫn nhiều hơn các cơ sở giết mổ công nghiệp. Trình độ quản lý trang trại chăn nuôi còn yếu vì thiếu cơ sở đào tạo. Chăn nuôi nông hộ nhiều cho nên việc áp dụng công nghệ cao, tiên tiến chưa đạt như yêu cầu đề ra. Việc xây dựng vùng, cơ sở ATDB ở Việt Nam còn lúng túng do thiếu kinh phí, một số địa phương chưa chú trọng công tác này. Chi phí sản xuất còn lớn hơn các nước trong khu vực và trên thế giới, dẫn đến khó cạnh tranh với sản phẩm của các nước. Việc tiêu thụ sản phẩm phải qua nhiều khâu trung gian đẩy giá bán lên cao, mặt khác người sản xuất còn bị tư thương ép giá.
Phân xưởng chế biến thịt gia cầm của Công ty TNHH Koyu & Unitek. Ảnh: THÚY HẢI
Theo Quyền Cục trưởng Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, việc tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết còn chiếm tỷ trọng thấp; nhiều vật tư chăn nuôi, nhất là nguyên liệu thức ăn, thuốc thú y vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn làm giảm giá trị gia tăng của sản xuất trong nước. Công tác dự báo, dự tính về thị trường SPCN còn bất cập; hoạt động giết mổ tập trung và chế biến công nghiệp, nhất là chế biến sâu còn nhiều hạn chế; tỷ trọng xuất khẩu các SPCN so với các loại nông sản khác thấp. Tổ chức quản lý ngành chăn nuôi, thú y chưa mạnh, nhất là ở các địa phương phổ biến tình trạng hoạt động kiêm nhiệm, lồng ghép thiếu chuyên nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý thực tiễn và hội nhập quốc tế.
Để có sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao
Cục trưởng Thú y Phạm Văn Ðông cho biết, Nhà nước cần tập trung đầu tư kinh phí, cố gắng xây dựng thêm các vùng chăn nuôi bảo đảm ATDB, ATTP, góp phần thúc đẩy xuất khẩu SPCN sang thị trường các nước khác theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới. Chia sẻ thêm về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, trong khi các nước phát triển chủ yếu chăn nuôi trang trại, nông trại quy mô lớn, thì chăn nuôi nhỏ lẻ ở Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn, do vậy cần phân khúc ra hai nhóm để có định hướng, giải pháp phù hợp. Với chăn nuôi nông hộ, nên chuyển dần sang áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, nuôi các giống lợn đặc sản bản địa trên cơ sở phát huy ưu thế lai, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp và quản lý theo chuỗi. Riêng chăn nuôi công nghiệp, cần nâng cao năng suất, chất lượng đàn nái, quy trình chăm sóc để hạ giá thành sản phẩm. Cố gắng tạo mối quan hệ với các đối tác trên thế giới trong đầu tư khoa học - công nghệ để tăng giá trị SPCN. Ðầu tư nhiều hơn vào các nhà máy sản xuất và chế biến thịt gia súc, gia cầm an toàn theo tiêu chuẩn 3F: feed - farm - food (thức ăn chăn nuôi - trang trại - thực phẩm). Các bộ, ngành liên quan cần thường xuyên trao đổi thông tin, đẩy mạnh công tác xúc tiến thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp nên hướng đến sản xuất các sản phẩm đã qua chế biến. Muốn vậy phải đầu tư đồng bộ, có kho lạnh trữ hàng, dây chuyền sản xuất hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ðồng thời cơ cấu lại giai đoạn ở các khâu con giống, kỹ thuật chăn nuôi, coi trọng yếu tố môi trường.
Ðể có nhiều SPCN chất lượng tốt, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, xuất khẩu được nhiều hơn và nâng cao giá trị gia tăng, thời gian tới chúng ta cần có quy hoạch cụ thể, chính sách phù hợp thực tế hơn, quy trình chăn nuôi chuẩn. Tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn, có chứng nhận chất lượng. Ðồng thời, cần đầu tư nghiên cứu sâu nhằm gắn sản xuất với nhu cầu và yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu. Tiếp tục mở rộng và xuất sản phẩm gia cầm sang các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Phi-li-pin… Cần phải thay đổi nhanh để thích ứng tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh và thay đổi ngày càng lớn của khoa học - công nghệ. Nếu thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, ngành chăn nuôi sẽ có cơ hội tiếp tục tạo ra SPCN có giá thành cạnh tranh, chất lượng cao, hướng tới xuất khẩu đạt giá trị hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Theo ANH QUANG (Báo Nhân Dân)