Tăng thị phần gạo cao cấp trong xuất khẩu

31/05/2024 - 06:33

 - Để lĩnh vực xuất khẩu gạo của tỉnh đạt hiệu quả cao, mới đây, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo tỉnh An Giang định hướng đến năm 2030. Theo đó, giảm tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp, trung bình; tăng tỷ trọng các loại gạo có giá trị cao, như: Gạo thơm, đặc sản, gạo Japonica…

Mục tiêu tổng quát

Mục tiêu tổng quát của chiến lược này là phát triển các thị trường xuất khẩu gạo với quy mô, cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu hợp lý theo hướng ổn định, bền vững, hiệu quả; củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm và phát triển các thị trường xuất khẩu mới; gắn thị trường xuất khẩu với sản xuất trong nước (theo chuỗi giá trị) nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm gạo xuất khẩu. Tăng cường đưa sản phẩm gạo của tỉnh và các mặt hàng chế biến từ gạo vào các kênh phân phối trực tiếp tại các thị trường; liên kết, liên doanh, gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị.

Mối liên kết “5 nhà” đã được thắt chặt, trong đó nhà khoa học đóng vai trò quan trọng trong nâng phẩm cấp gạo để phục vụ xuất khẩu

“Nếu không có liên kết giữa các nhà, như: Nhà nước, doanh nghiệp (DN), nông dân, nhà khoa học, ngân hàng, việc tổ chức sản xuất lúa để đưa gạo đi xuất khẩu sẽ không làm được. Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh liên kết, lúa của nông dân làm ra được tiêu thụ thuận lợi, chất lượng hạt gạo được nâng lên.

Ngân hàng cho vay vốn để mua phân, thuốc bảo vệ thực vật với mức lãi suất thấp nên khi lúa trên đồng bán giá 8.000 đồng/kg trở lên, lợi nhuận cầm chắc trong từng vụ từ 15 - 20% trở lên…” - ông Trần Văn Tuấn (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu) khẳng định.

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng cho biết, thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo tỉnh An Giang định hướng đến năm 2030, 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gạo của tỉnh đạt 153.800 tấn, tương đương 93,3 triệu USD; tăng 3,99% về lượng và 14,1% về kim ngạch (so cùng kỳ), kim ngạch tăng chủ yếu do giá xuất khẩu tăng.

Toàn tỉnh hiện có 14 DN được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Hiện, sản phẩm gạo của các DN có mặt và tạo uy tín tại các thị trường lớn trên thế giới, như: Châu Á, châu Phi, Trung Đông, châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương… Sản phẩm không chỉ có gạo thơm, gạo trắng mà còn có gạo lứt, gạo đồ, tấm, nếp và các sản phẩm từ gạo. Hiện, loại gạo 5% tấm giá xuất khẩu bình quân 585 USD/tấn; gạo 25% tấm giá xuất khẩu 558 USD/tấn; riêng gạo Nhật giá xuất khẩu gần 900 USD/tấn.

Định hướng thị trường

Tăng thị phần gạo cao cấp trong xuất khẩu nhằm hướng đến mục tiêu tiếp tục nâng cao thu nhập của người nông dân, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh lương thực trong nước, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để tăng thị phần gạo cao cấp trong xuất khẩu, các DN thực hiện việc tăng trị giá xuất khẩu gạo. Nếu giai đoạn 2020 - 2023, lượng gạo xuất khẩu bình quân hàng năm của An Giang khoảng 540.000 tấn, trị giá bình quân 293 triệu USD/năm thì định hướng giai đoạn 2024 - 2030, lượng gạo xuất khẩu hàng năm khoảng 570.000 - 600.000 tấn (vào năm 2030), trị giá xuất khẩu gạo của tỉnh đạt 330 triệu USD.

 “Dự báo xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm 2024 rất khả quan, bởi các thị trường: Trung Quốc, Indonesia, Philippines… vẫn có nhu cầu lớn về gạo. Do đó, Sở Công Thương khuyến khích các DN tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình lúa gạo thế giới để kịp thời đưa ra dự báo, kế hoạch thực hiện nhằm giảm thiểu thấp nhất rủi ro trong xuất khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh liên kết tiêu thụ để có chân hàng ổn định phục vụ xuất khẩu…” - Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng khuyến cáo.

Để tăng thị phần gạo cao cấp trong xuất khẩu, thời gian tới, tỉnh tiếp tục định hướng các DN đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng bền vững, khai thác có hiệu quả nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường trọng điểm, truyền thống. Đồng thời, chú trọng phát triển các thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo có chất lượng, giá trị cao và các sản phẩm chế biến từ thóc, gạo, các thị trường có quan hệ đối tác bền vững về thương mại và đầu tư, các thị trường FTA…

Nhìn lại hành trình xuất khẩu gạo của cả nước và tỉnh cho thấy, 23 năm qua (kể từ năm 2001), ngành sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam đã ghi nhiều dấu ấn, trong đó diện tích gieo trồng, năng suất, sản lượng đều tăng hàng năm.

Gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng bình quân 130.000 tấn/năm; giá gạo xuất khẩu tăng khoảng 17USD/tấn/năm. Nếu năm 2020, lượng gạo xuất khẩu đạt 6,25 triệu tấn thì năm 2024 này, dự kiến lượng gạo xuất khẩu sẽ đạt 8,13 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt hơn 5 tỷ USD. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống của người trồng lúa. Đây là một tín hiệu vui trong xuất khẩu gạo của năm 2024.

“Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu cuối tuần qua, loại gạo 5% đang ở mức 585 USD/tấn, loại gạo 25% tấm ở mức 558 USD/tấn. Triển vọng xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm rất tốt, giá xuất khẩu đang có lợi cho nông dân trong tỉnh. Bà con cần tiếp tục liên kết với DN, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, góp phần cùng DN hoàn thành mục tiêu, kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2024” -  Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm kêu gọi.

MINH HIỂN