Tăng thu nhập từ cây hồng xiêm

01/06/2022 - 06:22

 - Dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh, không tốn nhiều chi phí canh tác... là nhận định của ông Nguyễn Thanh Liêm (ngụ ấp Long Thạnh 1, xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) về mô hình trồng cây hồng xiêm (hay còn gọi là lồng mứt). Loại cây trồng này đã và đang giúp ông Liêm nâng cao nguồn thu nhập của gia đình, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống.

Chúng tôi tham quan vườn hồng xiêm của gia đình ông Nguyễn Thanh Liêm vào thời điểm vườn cây đang sai quả. Ông Liêm cho biết, thời điểm này, hầu như ngày nào gia đình ông cũng thu hoạch. Trước đây, gia đình ông gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ chí thú làm ăn, được cha mẹ cho 8 công đất để canh tác lúa.

Ông Liêm bắt đầu tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề do Hội Nông dân xã Long Giang tổ chức. Tích lũy kiến thức có được, ông Liêm áp dụng vào thực tiễn trên mảnh đất của gia đình, bước đầu mang lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc canh tác lúa gặp nhiều khó khăn, tình trạng được mùa, mất giá thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao, ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu khiến gia đình ông không còn mặn mà với cây lúa.

Được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, năm 2018, ông Liêm mạnh dạn chuyển đổi 3.000m2 đất lúa để trồng khoảng 100 cây hồng xiêm. Cây giống được ông mua từ nhà vườn uy tín tại tỉnh Hậu Giang. Lý giải việc chọn loại cây trồng này, ông Liêm chia sẻ: “Đây không phải là loại cây trồng mới, nhưng ở địa phương chưa ai trồng, nên tôi không sợ bị “dội” hàng. Ngoài ra, cây khá dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư không cao”.

Phát triển mô hình trồng cây hồng xiêm đã giúp gia đình ông Liêm cải thiện thu nhập

Để thuận lợi cho việc canh tác, ông Liêm chịu khó học hỏi, tích lũy thêm kiến thức từ mạng xã hội. Đến nay, sau 3 năm canh tác, cây trồng khẳng định phù hợp với điều kiện canh tác địa phương. Từ lúc xuống giống đến thu hoạch đợt đầu khoảng 24 tháng. Cây trồng càng lâu, tán càng nhiều, cho năng suất càng cao.

Bên cạnh đó, loại cây này không tốn quá nhiều chi phí sản xuất, không đòi hỏi công chăm sóc. Trung bình mỗi cây chỉ cần bón 1-1,5kg phân bón/tháng, chi phí phân bón khoảng 1,5 triệu đồng. Loại cây này có ưu điểm nhiều về năng suất, quả to, mọng, vị thanh ngọt, hương thơm nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Đặc biệt, ông Liêm mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tự động nên giảm công sức, tiết kiệm được nguồn nước mà cây vẫn hấp thu đầy đủ. Ngoài ra, trong quá trình canh tác, ông Liêm hạn chế sử dụng phân bón hóa học, chỉ sử dụng phân sinh học, phân hữu cơ, tạo ra nông sản sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Dù dễ trồng, nhưng trên cây hồng xiêm vẫn có một vài đối tượng gây hại, chủ yếu là sâu đục thân. Đối tượng này rất dễ điều trị, khi thấy dưới đất xuất hiện phân của sâu thì chỉ cần dùng dao khoét dọc theo thân rồi bắt sâu. Ngoài sâu đục thân thì ruồi vàng cũng là một trong những đối tượng gây hại chủ yếu. Để hạn chế ruồi vàng, ông Liêm dùng bẫy diệt, chứ không sử dụng thuốc hóa học.

“Do cây hồng xiêm thu hoạch liên tục, nên không thể phun thuốc hóa học để diệt ruồi vàng. Thay vào đó, tôi sử dụng bẫy để dẫn dụ và bắt các đối tượng gây hại đối với cây trồng. Mỗi cây chỉ cần khoảng 2 chiếc bẫy là có thể bảo vệ trái khỏi bị ruồi tấn công. Một chiếc bẫy có thể sử dụng trong 1 tuần. Khi nào ruồi bám đầy, chỉ cần bắt ra là có thể tiếp tục sử dụng” - ông Liêm chia sẻ.

Một trong những ưu điểm của cây hồng xiêm là cho trái quanh năm, gia đình ông Liêm có nguồn thu nhập ổn định. Ông Liêm cho biết, mỗi ngày gia đình thu hoạch 30-50kg trái hồng xiêm. Với giá bán cho thương lái và người dân địa phương dao động từ 14.000-20.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông có được nguồn thu ổn định, khoảng 400.000-500.000 đồng/ngày.

Do loại nông sản này chưa được trồng nhiều, nên tương đối hút hàng, số lượng không đủ bán cho khách hàng. Ngoài bán trái, ông Liêm còn nhân giống để bán cho nông dân có nhu cầu phát triển mô hình trồng cây hồng xiêm. Khi nông dân nào có nhu cầu, ông Liêm sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cây hồng xiêm.

Việc phát triển mô hình trồng hồng xiêm của gia đình ông Nguyễn Thanh Liêm mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương. Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Giang Đặng Thị Hạnh Vinh cho biết, mặc dù còn khá mới, nhưng mô hình phát huy hiệu quả kinh tế cao so với nhiều loại cây trồng khác. Thời gian tới, địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, canh tác của địa phương, đồng thời có chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật để nông dân phát triển sản xuất. Qua đó giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

ĐỨC TOÀN