Tăng trưởng kinh tế tiếp tục đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực

25/11/2023 - 15:44

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hơn 10 tháng qua, kinh tế tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ được tích cực triển khai để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Trong Báo cáo thường kỳ tháng 10/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô tháng 10 và 10 tháng cơ bản ổn định, xu hướng phục hồi ngày càng rõ nét trên cả 3 động lực về đầu tư, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, quý sau tăng nhanh hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước; chủ động ứng phó, thích ứng hiệu quả hơn với những khó khăn, thách thức, bối cảnh, tình hình mới của thế giới và trong nước; tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Kinh tế tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu, chỉ số chuyển biến ngày càng tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 3,59% so với cùng kỳ, bình quân 10 tháng tăng 3,2%.

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm; tỷ giá được giữ tương đối ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực; an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm. Thu NSNN 10 tháng ước đạt 86,3% dự toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 10 tăng lần lượt 5,6%, 5,9% và 5,2% so với cùng kỳ; tính chung 10 tháng ước xuất siêu 24,61 tỷ USD (cùng kỳ năm trước là 9,56 tỷ USD).

Tổng vốn FDI đăng ký 10 tháng đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ (09 tháng tăng 7,7%), trong đó vốn FDI đăng ký mới tăng 54%; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 18 tỷ USD, tăng 2,4% (09 tháng tăng 2,2%). Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 56,74% kế hoạch, cao hơn 5,5% so với cùng kỳ năm trước (51,34%).

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Khu vực nông nghiệp, dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tăng 7% so với cùng kỳ, tính chung 10 tháng tăng 9,4% (loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%); khách quốc tế 10 tháng đạt gần 10 triệu lượt người, gấp 4,2 lần cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp tháng sau tích cực hơn tháng trước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,9%; nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi tích cực hoặc duy trì đà tăng nhanh.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tích cực hơn. Trong tháng 10, có khoảng 15,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 5,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, lần lượt tăng 18,5% và 44,2% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng, có trên 148,6 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 2,9%.

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; quyết liệt xử lý các vấn đề tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế mới; đẩy mạnh cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.

Nhờ vậy, các khó khăn, vướng mắc, bất cập được tập trung tháo gỡ, đã đạt kết quả bước đầu, nhất là về cơ chế, chính sách, pháp lý của doanh nghiệp, dự án đầu tư, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, lao động, đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, phòng cháy, chữa cháy, cung ứng điện, xăng dầu… Nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ, nhất là về tài khóa, tiền tệ được tích cực triển khai để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Nhiều dự án cao tốc, hạ tầng trọng điểm được khởi công; một số dự án được đưa vào khai thác, đã phát huy hiệu quả. Công tác quy hoạch được đẩy nhanh, 106/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập, kiện toàn 06 Hội đồng điều phối vùng và tổ chức các Hội nghị vùng gắn với xúc tiến đầu tư.

Đặc biệt, cuối tháng 10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại KCNC Hòa Lạc, thu hút 41 quỹ đầu tư cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD trong 3 năm 2023 - 2025. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023, nhiều hoạt động, sự kiện bên lề với hàng trăm doanh nghiệp công nghệ lớn trong và ngoài nước tham gia. Qua đó, sẽ góp phần đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, nhân lực công nghệ số trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh những kết quả đạt được, trước khó khăn chung của thế giới, khu vực, kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến kết quả chung của 10 tháng, cụ thể như: sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với thách thức về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính; thị trường trong nước chưa được thúc đẩy phát triển hiệu quả; sức cầu tiêu dùng vẫn tăng trưởng tích cực, nhưng đã có xu hướng chậm lại trong những tháng gần đây.

Những khó khăn của doanh nghiệp, nền kinh tế đã tác động trực tiếp, làm gia tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô. Thu NSNN 10 tháng giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước (07 tháng giảm 7,8%, 08 tháng giảm 8%, 09 tháng giảm 8,3%). Nợ xấu có xu hướng tăng; việc xử lý ngân hàng yếu kém, cơ cấu lại các ngân hàng "0 đồng" còn nhiều khó khăn. Chỉ số lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao. Áp lực điều hành tỷ giá, biến động nguồn cung và giá dầu thế giới tiếp tục là vấn đề cần quan tâm.

Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đã chuyển biến tích cực hơn, nhưng vẫn còn khó khăn, cần tiếp tục theo dõi sát để chủ động tháo gỡ, xử lý kịp thời tình huống phát sinh. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; thiên tai, hạn hán, bão lũ, thời tiết cực đoan, sạt lở đất, bờ sông, bờ biển… diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế, xã hội. Các vấn đề như ngập úng, phòng cháy, chữa cháy, ùn tắc giao thông, đặc biệt là tai nạn giao thông tiếp tục là thách thức.

Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Tiếp tục túc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế cả trong trung và dài hạn (Ảnh: PV)

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nhìn chung, bối cảnh, tình hình những tháng cuối năm có thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp như phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để rà soát, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện các dự án Luật, Nghị quyết trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 6; triển khai nhanh, hiệu quả ngay sau khi được ban hành.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt, tổng thể và đồng bộ các chính sách, giải pháp về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư... đã ban hành để thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, các ngành, lĩnh vực, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu năm 2023, nhất là 05 chỉ tiêu: tốc độ tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội, tốc độ tăng năng suất lao động.

Cùng với đó, tập trung thúc đẩy phát triển hiệu quả thị trường trong nước, đẩy mạnh tiêu dùng hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2024; tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là hàng nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy lợi thế cạnh tranh của từng nhóm hàng cụ thể tại từng thị trường xuất khẩu, các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết, FTA với Israel; đẩy nhanh đàm phán, ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE, các FTA với Brazil, Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)..., khai thác thị trường thực phẩm Halal để mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng.

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu; thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen; quyết liệt xử lý các vướng mắc, hỗ trợ đẩy nhanh triển khai dự án đầu tư tại Việt Nam.

Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân; theo dõi chặt chẽ thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chủ động ứng phó với các diễn biến, yếu tố rủi ro có thể phát sinh; phát huy hiệu quả sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nghiên cứu thành lập sàn giao dịch bất động sản.

Đồng thời, tiếp tục tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém, dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả. Phát huy cao nhất hiệu quả nguồn lực của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để đầu tư các dự án lớn trong các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, góp phần thúc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.

Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc về cung ứng vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng… để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, cao tốc liên vùng; đầu tư hoàn thiện các tuyến đường gom, nút giao kết nối của các tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác; bảo đảm tiến độ, an toàn thi công trong mùa thiên tai, mưa lũ hiện nay.

Khẩn trương hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch, phấn đấu cơ bản phê duyệt xong các quy hoạch trong năm 2023; triển khai nhanh, hiệu quả Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch tổng thể năng lượng, Quy hoạch điện VIII và các quy hoạch đã ban hành; phát huy hiệu quả các Hội đồng điều phối vùng, thúc đẩy liên kết vùng gắn với tăng cường xúc tiến đầu tư.

Đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính. Chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bãi bỏ, sửa đổi các quy định, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không phù hợp với thực tiễn, khả năng áp dụng của doanh nghiệp.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ để thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, hình thành hệ sinh thái chíp, bán dẫn, sản xuất linh kiện, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực công nghệ cao; xây dựng Trung tâm bảo dưỡng thiết bị, máy móc máy bay quy mô khu vực; phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để xây dựng trung tâm nghiên cứu - phát triển, tiến tới thiết kế các sản phẩm chíp, bán dẫn tại Việt Nam... Qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế cả trong trung và dài hạn./.

Theo HÀ ANH (Báo Điện tử Đảng Cộng sản Viết Nam)