Tạo cơ chế, chính sách 'đòn bẩy' phát huy vai trò của trí thức Việt Nam

15/10/2023 - 18:36

15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, đội ngũ trí thức Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước. Tuy nhiên, để thúc đẩy tính sáng tạo trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật cần những cơ chế, chính sách 'đòn bẩy' để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: TL

Trí thức là nguồn lực nâng tầm trí tuệ, sức mạnh dân tộc

Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động đặc biệt trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho trí tuệ quốc gia và đầu tư cho phát triển bền vững.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của trí thức, coi trí thức là nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của đất nước. Người đã viết: "Nước nhà cần phải kiến thiết; kiến thiết cần phải có nhân tài"; "Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc...".

Kế tục truyền thống coi trọng vai trò của trí thức, Hội nghị Trung ương 7 khóa X khẳng định, trong thời đại ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển.

Đặc biệt, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa diễn ra từ ngày 2-8/10 đã thảo luận về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về “xây dựng đội ngũ tri thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí và sự đóng góp của đội ngũ trí thức nước nhà - nguyên khí của quốc gia, đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phát huy tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, Trung ương đã nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, cụ thể, toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức, chỉ ra những kết quả chủ yếu đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; phân tích, dự báo bối cảnh tình hình mới.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất ban hành Nghị quyết mới đề ra quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cả về tư duy và hành động theo hướng: Xác định trí thức Việt Nam là nguồn lực lao động chất lượng cao, là lực lượng lao động sáng tạo, có vinh dự và bổn phận tiên phong, trực tiếp tham gia sự nghiệp đổi mới, cống hiến xây dựng, phát triển đất nước; nâng cao dân trí, nhân lực; bồi dưỡng, đào tạo nhân tài trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững…

Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra từ ngày 2-8/10. Ảnh: TL

Có thể nhận thấy, những năm qua đội ngũ trí thức Việt Nam đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Cụ thể, góp phần quan trọng để nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu đạt nhiều kết quả quan trọng; chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đạt nhiều thành tựu nổi bật; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát huy; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, mục tiêu cơ bản đạt được, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn vừa qua vẫn bộc lộ hạn chế. Đội ngũ trí thức nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; việc hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức còn chậm. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với đội ngũ trí thức chậm đổi mới; công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện đồng bộ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 27-NQ/TƯ chưa được thực hiện triệt để. Nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, trước hết là người đứng đầu chưa thực sự quan tâm đến việc thúc đẩy xây dựng, trọng dụng đội ngũ trí thức trong địa bàn, lĩnh vực được giao...

Các hạn chế trên khiến những đóng góp của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của con người Việt Nam. Bởi vậy, để bắt kịp với sự phát triển của thế giới và phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước, việc đề ra những quyết sách mang tầm chiến lược trong xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức càng trở nên cấp thiết.

Cần chính sách “đòn bẩy” để trí thức phát huy năng lực

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức đã có đóng góp đáng ghi nhận trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh phát triển mới, yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục xây dựng, phát huy mạnh mẽ vai trò của đội ngũ trí thức, để trí thức Việt Nam xứng đáng là “vốn liếng quý báu của dân tộc”, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Nêu quan điểm về xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong thời đại mới, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh cho rằng, cần thực hiện các giải pháp để phát triển lực lượng trí thức đầu ngành, các chuyên gia giỏi tâm huyết có năng lực kiến tạo tổ chức quản lý các nhiệm vụ trọng tâm cho các ngành lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực cần thiết cho sự phát triển của đất nước trong tình hình mới.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Minh Phúc, Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, vai trò của khoa học xã hội đã được phát huy một cách đáng kể, đội ngũ trí thức khoa học xã hội đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước.

Tuy vậy, nhiều nội dung của Nghị quyết chưa được thực hiện đầy đủ theo mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Điều quan trọng đặt ra hiện nay, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phúc là cần phải có các giải pháp đột phá mạnh mẽ, sát thực với quyết tâm chính trị và chuyên môn cao để tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Minh Phúc cho biết, thời gian qua, cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ trí thức khoa học có trình độ, năng lực của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, đặc biệt là trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao và đãi ngộ đội ngũ trí thức.

Nhằm động viên, khuyến khích đội ngũ trí thức nói chung, trí thức ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói riêng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Minh Phúc đề nghị, cần tăng cường nguồn lực tài chính, đáp ứng đủ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng sau đại học mang tính chất thường xuyên và kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng nhằm cập nhật, bổ sung kiến thức ở trong nước và nước ngoài cho đội ngũ trí thức. Đồng thời, có giải pháp cải cách chế độ đầu tư và quản lý tài chính đối với các đề tài khoa học.

Còn theo TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, để trí thức, nhà khoa học đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của nước nhà rất cần những cơ chế, chính sách mang tính đột phá, nhất là chính sách huy động các nguồn lực, thu hút, đãi ngộ, tôn vinh trí thức; đặc biệt là trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành, phát triển đội ngũ trí thức hiện nay và trong tương lai ngang tầm với yêu cầu nhiêm vụ mới, như khát vọng lớn lao của dân tộc Việt Nam trí tuệ, anh hùng.

Đánh giá về vai trò và quá trình phát triển đội ngũ trí thức những năm qua, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao cho biết: Hà Nội là nơi tập trung hơn 70% tổ chức khoa học và công nghệ, trường đại học và viện nghiên cứu của cả nước. Còn số nhà khoa học đầu ngành, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước. Thời gian qua, Hà Nội đã tranh thủ các nguồn lực, trí tuệ của đội ngũ trí thức tham gia xây dựng Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của đất nước, sự đóng góp của đội ngũ trí thức Việt Nam nói chung và tại Hà Nội nói riêng còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của con người Việt Nam.

Để Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước, thành phố cần hoàn thiện cơ chế, chính sách đãi ngộ, trọng dụng, tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ trí thức phát huy chất xám của họ, đồng thời thu hút sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học quốc tế cùng vào cuộc, đồng hành vì sự phát triển Thủ đô.

Nhấn mạnh cần đổi mới chính sách đãi ngộ đội ngũ trí thức, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Quân cho rằng, đội ngũ trí thức có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, nhưng 15 năm kể từ khi ban hành Nghị quyết, vẫn chưa có chính sách cụ thể đối với trí thức được đi vào thực tiễn cuộc sống.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân. Ảnh: TL

Tiến sỹ Nguyễn Quân đề nghị, Nhà nước cần có các chính sách cụ thể về đãi ngộ, trọng dụng đội ngũ trí thức; đồng thời, cần tin tưởng, lắng nghe, tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho trí thức; có chế độ thu nhập thỏa đáng để trí thức yên tâm làm việc, cống hiến trí tuệ.

Cũng theo Tiến sỹ Nguyễn Quân, hiện các địa phương, bộ ngành đã có một số chính sách "trải thảm đỏ", mời trí thức về làm việc. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chưa sẵn sàng giao việc. Do đó, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần tin tưởng, lắng nghe, giao việc cho trí thức; có chế độ thu nhập thỏa đáng để trí thức yên tâm làm việc, cống hiến trí tuệ của mình xây dựng đất nước.

Theo đó, Tiến sỹ Nguyễn Quân đề nghị, thời gian tới, Đảng và Nhà nước ta cần phải đổi mới chính sách đối với đội ngũ trí thức là cán bộ khoa học, cán bộ quản lý từ tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng đến chính sách trọng dụng, đãi ngộ, khen thưởng và tôn vinh. Nhà nước cần tạo cơ chế để có sự tham gia ý kiến tư vấn, phản biện và thẩm định của trí thức khoa học trong những chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các dự án luật, văn bản dưới luật của Chính phủ và các bộ, ngành.

Ngoài ra, Nhà nước cần đổi mới cơ chế quản lý khoa học cũng như tháo gỡ rào cản để phát huy nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, khơi thông nguồn đề tài; đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu; từ đó, tạo động lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học tại các trường đại học, các viện nghiên cứu trên cả nước.

Có thể khẳng định, với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm đoàn kết, tập hợp, phát huy đội ngũ trí thức, chắc chắn rằng đội ngũ trí thức Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới như văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra./.

Theo BÍCH LIÊN (dangcongsan.vn)