Tạo điểm nhấn cho du lịch Tri Tôn

01/06/2020 - 06:35

 - Với khu du lịch (DL) liên hoàn Tà Pạ - Soài Chek, huyện Tri Tôn đang nỗ lực tạo ra điểm nhấn DL mới, tạo sức hấp dẫn cho DL vùng Bảy Núi. Tại đây, du khách có thể nghỉ dưỡng, vui chơi, thưởng thức đặc sản, hòa mình cùng thiên nhiên, khám phá văn hóa Khmer… để có những trải nghiệm thú vị.

Phong cảnh đặc sắc

Tuy có độ cao khiêm tốn nhưng đồi Tà Pạ (xã Núi Tô) là một trong những địa điểm nổi tiếng của huyện Tri Tôn. Trên đỉnh đồi có ngôi chùa cổ Tà Pạ, mang đậm nét kiến trúc độc đáo của văn hóa Khmer. Khuôn viên ngôi chùa rộng 37.022mnằm cách mặt đất 45m này là điểm đến rất “hot”, thu hút đông đảo bạn trẻ đến tham quan, “check-in” rồi chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

Nguyên nhân bởi chùa có địa thế mát mẻ, phong cảnh đẹp, có tượng Phật lớn ngồi uy nghi nhìn về hướng mặt trời mọc. Trong khuôn viên chùa có nhiều bức tượng được điêu khắc tinh xảo, tỉ mỉ, đặc biệt là khu chánh điện vừa được xây mới. Từ vị trí chùa Tà Pạ, có thể ngắm được toàn cảnh thị trấn Tri Tôn, ghi dấu những tấm ảnh đẹp với những ô lúa ruộng trên nhiều màu sắc.

Hồ Tà Pạ với cảnh đẹp độc đáo, sẽ là khu du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn trong tương lai

Phía dưới chùa Tà Pạ là hồ nước xanh trong được bao bọc bởi những khối đá lớn. Hồ nước này hình thành sau khi mỏ đá trên đồi Tà Pạ bị ngưng khai thác cách nay gần 20 năm. Nhìn trên cao, nơi đây như túi nước khổng lồ treo lơ lửng giữa không trung. Đây là địa điểm “check-in” nổi tiếng của huyện Tri Tôn. Bên cạnh hồ nước mát lạnh có thể nhìn tận đáy, UBND huyện Tri Tôn đã cho xây dựng hình đôi trái tim lồng vào nhau, nằm ngay vị trí dẫn xuống hồ, có thể ngắm toàn cảnh núi rừng hùng vĩ để du khách lưu lại kỷ niệm bằng những góc ảnh ấn tượng.

Để thuận tiện cho du khách đến tham quan, vui chơi, UBND huyện Tri Tôn đã vận động đầu tư tuyến đường kết nối từ tuyến chính dẫn vào hồ Soài Chek vòng lên ngọn đồi Tà Pạ, rồi kết nối vào tuyến đường chính dẫn vào thị trấn Tri Tôn. Như vậy, từ trung tâm huyện, xe ôtô có thể lên thẳng tới chùa Tà Pạ, vòng qua hồ Tà Pạ. Sau khi trải nghiệm ngọn đồi độc đáo, ôtô cứ việc “bon bon” xuống dốc để kết nối vào hồ Soài Chek cách đó không xa.

Đây cũng là địa điểm DL hấp dẫn với sân đua bò chuyên nghiệp, nhà văn hóa Khmer, hồ nước lớn nằm dưới chân Phụng Hoàng Sơn, dự kiến sẽ là điểm nhấn DL tương lai của vùng Bảy Núi An Giang. Tuyến đường bê-tông dài 260m, rộng 8m, với tổng kinh phí xây dựng trên 401 triệu đồng do các doanh nghiệp tài trợ góp phần thu hút thêm du khách đến với đồi Tà Pạ.

Thu hút doanh nghiệp đầu tư

Chiều 26-5 vừa qua, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm đã chủ trì buổi làm việc với Chi cục Kiểm lâm An Giang và Công ty TNHH MTV Phú Phú Phát (xã Lương An Trà, Tri Tôn) về dự án DL sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với tâm linh Tà Pạ.

Theo đề xuất của Công ty TNHH MTV Phú Phú Phát, dự kiến dự án bắt đầu triển khai từ tháng 6-2021 với tổng diện tích 10ha, nguồn vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, gồm 3 hạng mục. Theo đó, khu hồ nước trên đồi Tà Pạ sẽ giữ nguyên hiện trạng, bố trí xây dựng thêm các tiểu cảnh xung quanh để du khách tham quan có thể chụp hình lưu niệm. Đối với khu nghỉ dưỡng, sẽ xây dựng các căn biệt thự, nhà nghỉ homestay, thiết kế hài hòa giữa nét cổ kính, truyền thống xưa của cư dân Nam Bộ với nét hiện đại; bố trí các quán ăn, nhà hàng, quán giải khát với kiểu cách tự phục vụ. Trong khu DL còn có khu khuôn viên cây xanh, cây đặc sản của huyện kết hợp trồng sản phẩm nông nghiệp sạch phục vụ DL trải nghiệm.

Sau khi dự án được thực hiện trên đồi Tà Pạ, sẽ kết hợp khu DL thể thao Soài Chek tạo thế liên hoàn thu hút du khách đến tham quan, DL và nghỉ lại qua đêm. Tại đây, du khách có thể thưởng thức các món ăn đặc sản, trải nghiệm sinh hoạt văn hóa cộng đồng Khmer, ngắm hoàng hôn sau hồ hay bình minh trên núi.

Qua làm việc, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm đã thống nhất cho Công ty TNHH MTV Phú Phú Phát triển khai dự án trong 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn đầu có diện tích 7,29ha đất thu hồi từ mỏ khai thác cát đá đã ngưng hoạt động cách nay 18 năm. Giai đoạn 2 còn khoảng 3ha đất rừng, huyện đề nghị công ty kết hợp Chi cục Kiểm lâm tiến hành khảo sát, đo đạc vị trí, xác định diện tích để đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất.

Trước đó, cũng tại buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Phú Phú Phát, UBND huyện Tri Tôn đã thống nhất cho công ty triển khai quy hoạch vùng trồng lúa sạch với diện tích khoảng 20ha tại khu vực gần hồ Soài Chek. Trên nền đất lúa ruộng trên của nông dân Khmer, công ty sẽ thuê đất hoặc hợp tác trồng giống lúa ST24 cải tiến, bổ sung 17 a-xít amin. Đây là giống lúa thơm cao sản, thời gian sinh trưởng từ 100-105 ngày, gạo trắng, hạt dài, cơm ngon ngọt, tính chịu kháng sâu bệnh tốt. Công ty sẽ tận dụng nguồn nước mưa, nguồn nước dự trữ của hồ Soài Chek và phân chuồng để canh tác, không sử dụng phân, thuốc hóa học.

Dự án chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn 1 (từ tháng 7-2020 đến tháng 7-2021) trồng thử nghiệm khoảng 5-20ha; giai đoạn 2 (từ tháng 7-2021 đến tháng 7-2023) mở rộng diện tích và chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cho nông dân và khai thác sản phẩm phục vụ du lịch. Đến giai đoạn 3 (từ tháng 7-2023 trở đi), sẽ nâng 1 vụ lên 2 vụ/năm (gồm thu đông và đông xuân sớm), tiến hành củng cố thương hiệu, thị trường tiêu thụ…

Những sản phẩm nông sản sạch như lúa ST24 cải tiến, dưa lưới, xoài, mãng cầu ta, sầu riêng, bơ… cùng các món đặc sản, văn hóa truyền thống, cảnh đẹp thiên nhiên, công trình nhân tạo sẽ là những điểm nhấn hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách đến với Tri Tôn.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN