Tạo điều kiện để người lao động trở lại đóng bảo hiểm xã hội

22/11/2023 - 06:52

 - Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH ) (sửa đổi) đang được xem xét điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng, rất mới, trong đó có chính sách BHXH 1 lần. Đây được đánh giá là một trong những thay đổi cơ bản, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Đóng góp ý kiến, các đại biểu cho rằng, trong 2 phương án mà cơ quan soạn thảo đề xuất, phương án 2 có tính khả thi cao hơn trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, cần có những điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tiễn, tương thích với quy định về thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, hạn chế việc rút BHXH nhiều lần.

Cụ thể, phương án 1 chia làm 2 nhóm. Nhóm 1 là người lao động (NLĐ) đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH 1 lần. Nhóm 2, NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ khi dự luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1/7/2025) không được nhận BHXH 1 lần, trừ trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu, ra nước ngoài định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định. Phương án 2 cho NLĐ rút BHXH 1 lần nhưng tối đa 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Theo BHXH Việt Nam, thực tế khá nhiều người muốn nộp lại tiền trước đây đã rút 1 lần để được hưởng chế độ, song pháp luật hiện hành không cho phép. Nhà nước luôn mong muốn NLĐ không rút BHXH 1 lần để sau này được hưởng lương hưu cao, được chăm sóc tốt sức khỏe khi về già. Từ đó, cơ quan soạn thảo mới đưa ra 2 phương án để hài hòa lợi ích trước mắt và lâu dài cho NLĐ. Theo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), người tham gia BHXH tự nguyện muốn hưởng bảo hiểm tử tuất phải có thời gian tham gia đóng bảo hiểm 5 năm liên tiếp. Quy định này giữ nguyên theo Luật BHXH 2014.

Trong văn bản vừa gửi đến các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, 10 tháng của năm 2023, số người rút BHXH 1 lần là 947.322 người, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm khoảng 5% tổng số người tham gia BHXH. Giai đoạn 2016 - 2022, đã có đến 4,8 triệu người rút BHXH 1 lần, còn số quay lại đóng BHXH chỉ có 1,2 triệu người. Nguyên nhân tình trạng rút BHXH 1 lần chủ yếu là do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, dẫn đến NLĐ thiếu việc làm và mất việc làm tăng theo.

Do đa số NLĐ có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều, trước mắt phải đối mặt với các nhu cầu tài chính rất lớn, nên phải rút tiền để chi tiêu, trang trải khó khăn. Thêm vào đó là thiếu sự liên kết, hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm tự nguyện. Quy định điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu 20 năm để hưởng lương hưu như hiện hành là quá dài. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả, chưa giúp NLĐ hiểu đầy đủ về lợi ích của chính sách BHXH.

Để hạn chế tình trạng trên, ngày 23/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Trong đó có nội dung “cần đưa ra quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH 1 lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH 1 lần”.

Trên tinh thần đó, Chính phủ vừa trình Quốc hội nội dung sửa đổi Luật BHXH theo hướng bám sát Nghị quyết 28-NQ/TW. Cụ thể, giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm. Đưa ra 2 phương án về BHXH 1 lần, trong đó, chỉ cho NLĐ rút 50% BHXH 1 lần và không cho NLĐ rút BHXH 1 lần kể từ ngày luật có hiệu lực…

Trong Luật BHXH (sửa đổi) cũng quy định chính sách BHXH đa tầng để khi NLĐ đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội được chọn hưởng trợ cấp hàng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Đáng chú ý, trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng, họ còn được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có văn bản giao Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với BHXH Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp để hạn chế tình trạng nợ lương, nợ BHXH, doanh nghiệp tự ý cắt giảm lao động. Chính phủ yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để NLĐ đã giải quyết chế độ bảo hiểm 1 lần quay trở lại đóng BHXH; nghiên cứu, bổ sung quy định về trách nhiệm của NLĐ và người sử dụng lao động để hạn chế việc trục lợi hưởng bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm tổ chức, cá nhân sống và làm việc theo quy định của pháp luật.

N.R