Chào đón du khách đến Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN phát
Theo đó, người nhập cảnh vào Việt Nam theo đường hàng không cần có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 khi xuất cảnh trong 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh. Khách nhập cảnh bằng đường bộ, đường sắt, đường biển, có thể xét nghiệm trước khi xuất cảnh giống như trường hợp nhập cảnh theo đường hàng không nếu thời gian di chuyển ngắn. Trường hợp di chuyển kéo dài cần thực hiện xét nghiệm tại cửa khẩu khi nhập cảnh.
"Trong trường hợp này, nếu kết quả xét nghiệm âm tính, khách sẽ được phép rời khỏi nơi cư trú và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Người nhập cảnh phải thực hiện khai báo y tế trước khi làm thủ tục nhập cảnh, theo dõi sức khỏe và sử dụng ứng dụng khai báo y tế PC COVID trong thời gian lưu trú tại Việt Nam theo đúng quy định", Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao một lần nữa khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Triển khai chủ trương này, thời gian qua, các bộ, ngành theo chức năng và nhiệm vụ của mình, đã tích cực phối hợp, triển khai nghiên cứu, xây dựng các hướng dẫn quy trình nhập cảnh và đón khách quốc tế vào Việt Nam.
Ngày 15/3, căn cứ vào đề nghị của Bộ Ngoại giao, Chính phủ đã đồng ý khôi phục chính sách nhập cảnh đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài như trước khi áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch COVID-19.
Cùng ngày, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành phương án mở cửa lại các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới áp dụng với các đối tượng là khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, khách du lịch ra nước ngoài và khách du lịch nội địa thông qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt và đường biển.
Bộ Y tế đã ban hành Quy định hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh phù hợp với quy định tại Điều 16.1 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi, bổ sung năm 2019. Theo đó, người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích du lịch phải thông qua các cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh ở Việt Nam làm thủ tục xin duyệt nhân sự với Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
Theo Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng, người nước ngoài đến Việt Nam với mục đích du lịch có thể liên hệ với các công ty lữ hành quốc tế ở Việt Nam để cơ quan này đứng ra làm thủ tục với Cục Quản lý xuất nhập cảnh và sau đó có thể nhận thị thực tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc cơ quan được ủy quyền cấp thị thực như Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc.
Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cơ quan được ủy quyền cấp thị thực phải phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan ở trong nước giải quyết các yêu cầu về thị thực của khách vào Việt Nam du lịch, cũng như tìm hiểu thị trường kinh doanh và đầu tư.
Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm, Việt Nam nối lại việc miễn thị thực cho người nước ngoài theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, hoặc miễn thị thực trên cơ sở có đi có lại, trong đó có Singapore, Thái Lan và các nước Đông Nam Á.
Theo THU PHƯƠNG (TTXVN)