Tạo hành lang pháp lý cho hoạt động phòng không nhân dân

02/08/2024 - 08:34

 - Phòng không nhân dân (PKND) là một nội dung của công tác quốc phòng, quân sự; được xây dựng, tổ chức hoạt động trong khu vực phòng thủ, nhằm phòng tránh, đánh trả và khắc phục hậu quả trong chiến tranh; bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của cơ quan, tổ chức ở địa phương, cơ sở, tài sản của nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp (DN). Đồng thời, là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời Tổ quốc Việt Nam.

Đoàn khảo sát trận địa phòng không tại TP. Long Xuyên

Thời gian qua, An Giang chú trọng thành lập, kiện toàn, đẩy mạnh hoạt động của ban chỉ đạo PKND các cấp; ban hành văn bản, chỉ thị, kế hoạch của về công tác PKND; phối hợp các đơn vị chức năng phát hiện, xử lý phương tiện bay không người lái chặt chẽ, đúng quy định; sẵn sàng xử lý tình huống tác chiến phòng không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.

Ban Chỉ đạo PKND tỉnh, cấp huyện phát huy tốt vai trò, chức năng tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp triển khai công tác PKND; quan tâm đầu tư xây dựng, củng cố thế trận PKND ở cơ sở; chủ động tham mưu đưa nội dung công tác PKND vào chương trình diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện; diễn tập chiến đấu trong khu vực phòng thủ cấp xã, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.

“Địa phương gắn diễn tập với hoạt động sơ tán khắc phục hậu quả, tăng cường đánh địch đổ bộ đường không… Nhờ vậy, góp phần làm chuyển biến rõ rệt về khả năng điều hành của ban chỉ đạo; nâng cao nhận thức của cán bộ và Nhân dân về vị trí, vai trò của công tác PKND.

Trên địa bàn TP. Long Xuyên có 3 cụm công nghiệp, trên 1.000 công ty, xí nghiệp, hộ sản xuất - kinh doanh. Các cơ quan, tổ chức, DN phát huy vai trò, trách nhiệm khi kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh; chấp hành quyết định huy động thực hiện nhiệm vụ PKND; tham gia xây dựng, bảo vệ công trình PKND…

Việc xây dựng, tổ chức, huy động lực lượng PKND, dân quân tự vệ phòng không, tổ - đội chuyên môn PKND được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả” - trung tá Nguyễn Minh Châu, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo PKND TP. Long Xuyên cho biết.

Hiện nay, Nghị định 74/2015/NĐ-CP, ngày 9/9/2015 của Chính phủ về PKND đang được nâng lên thành Luật PKND để phù hợp với tình hình thực tiễn. Cuối tháng 7/2024, đoàn công tác Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội khảo sát tại tỉnh An Giang phục vụ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật PKND.

Quá trình khảo sát, thành viên đoàn công tác, ban soạn thảo luật cùng địa phương trao đổi, làm rõ, đề xuất các nội dung liên quan công tác PKND thời bình; xây dựng và tổ chức lực lượng, huy động lực lượng PKND; công tác quản lý, phối hợp xử lý vi phạm đối với tổ chức, cơ sở, cá nhân liên quan đến tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; thực hiện quy trình, thủ tục cấp phép bay; bảo đảm ngân sách, chế độ, chính sách, trang bị cho hoạt động của ban chỉ đạo, cơ quan thường trực, lực lượng PKND, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng PKND…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo PKND tỉnh An Giang Lê Văn Phước khẳng định: “Dự thảo Luật PKND được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng, trách nhiệm. Tỉnh An Giang cơ bản thống nhất với dự thảo này. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có bước chuẩn bị, để khi được thông qua, luật sẽ được triển khai nhanh chóng; rà soát với các luật có liên quan, không tạo sự chồng chéo, mâu thuẫn về từ ngữ, điều khoản.

Điều chúng tôi quan tâm nhất là cơ chế, chính sách về nguồn lực PKND. An Giang là tỉnh trọng điểm về quốc phòng, an ninh (an ninh lương thực, an ninh biên giới, an ninh nguồn nước…), nhưng ngân sách địa phương khó cân đối nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này, rất cần thêm sự tiếp sức của Trung ương”.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh thông tin, việc xây dựng Luật PKND nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về PKND, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động PKND, quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

“Nhiều vấn đề địa phương chia sẻ, đề xuất, đoàn công tác ghi nhận, nghiên cứu để tiếp thu chỉnh lý vào dự thảo luật, như: Quy định cơ quan thường trực ban chỉ đạo PKND; công tác xây dựng lực lượng từ nòng cốt đến rộng rãi toàn dân, trong đó bổ sung thêm công an chính quy; xây dựng công trình trận địa thời bình, mang tính chất dài hạn; phân cấp quản lý tàu bay không người lái… Đề nghị ban chỉ đạo phòng PKND các cấp trong tỉnh tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, hướng dẫn của Trung ương về xây dựng thế trận PKND; bổ sung nhiệm vụ vào quá trình diễn tập, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu; tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào dự thảo luật” - trung tướng Nguyễn Hải Hưng nhấn mạnh.

Dự thảo Luật PKND được xây dựng gồm 8 chương, 54 điều, gồm: Nguyên tắc tổ chức hoạt động PKND; chính sách của Nhà nước; nhiệm vụ PKND; trọng điểm PKND; hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, huy động, hoạt động PKND; xây dựng, huy động lực lượng PKND; hoạt động PKND. Đặc biệt, dự thảo luật dành riêng 1 chương quy định về việc quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, DN, cá nhân đối với PKND và quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ...

GIA KHÁNH